Kỳ 1:Loạn phí trường tưKỳ 2: Bầu sữa “quỹ phụ huynh”!
Cái phao duy nhất để phụ huynh có con học trường tư bấu víu là quy định “trường và phụ huynh phải thỏa thuận”. Nhưng thỏa thuận ra sao thì chưa thấy quy định. Sự lỏng lẻo trong quản lý thu chi ở trường tư đã khiến phụ huynh ở vào thế “một mình chống lại tiêu cực thu chi trường tư”.
Đa số phụ huynh được hỏi đều cho biết “không được bàn bạc thỏa thuận”. Trường tư thu nhiều tiền nhưng sử dụng thế nào không ai hay. Quy định chung đối với trường tư là “phải thỏa thuận, minh bạch tài chính” nhưng trường không thực hiện thì chẳng ai giám sát, chế tài. Nhập học thì phụ huynh được hứa hẹn, cam kết chất lượng, khi cam kết không được thực hiện, phụ huynh cũng chỉ biết kêu trời.
“Nhiều tiền cho con học trường tư thì phải chịu”, đó là cái lý giản đơn mà nhiều người, kể cả nhà quản lý giáo dục, nói để bỏ qua vấn đề quản lý trường tư. Nhưng sự lỏng lẻo trong quy định về thu phí trường tư, thiếu khung học phí khiến các trường này thả sức nâng phí vô tội vạ. Trường mới hoạt động thì phí ít, nhưng lâu năm, có chút uy tín hơn thì phí cao. Có trường năm trước cam kết không tăng học phí, dù trượt giá, nhưng năm sau vẫn tăng 30-40%. Học phí cao ngất, nhưng vẫn có nhiều khoản thu khác khiến phụ huynh chóng mặt.
Đã cho con học trường tư thì khoản nào cũng phải nộp, không có chuyện “không sử dụng thì không đóng tiền” - một số trường quy định như thế. Thắc mắc của phụ huynh chỉ được giải thích chiếu lệ, phụ huynh phải chấp nhận.
Không ít nhà quản lý giáo dục cho rằng “học trường tư, tự nguyện mà”. Nhưng khổ nỗi, phụ huynh bỏ ra hàng chục triệu đồng cho “lệ phí nhập học”, khi thấy “không ổn” muốn chuyển trường, liệu có lấy được tiền đã nộp? Chưa kể chỉ khi bất khả kháng phụ huynh mới tính đến việc chuyển trường cho con vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ, do môi trường mới, cách dạy học, đánh giá giữa trường công và tư khác nhau.
Ở các khu đô thị, còn có lý do khiến phụ huynh phải chấp nhận trường tư dù có quá nhiều nỗi bất bình, đó là trường công thiếu, trường công quá tải. Không ít phụ huynh ở những nơi “trắng trường công”, những nơi phải “xếp hàng trắng đêm xin học” đành vào trường tư dù hoàn cảnh kinh tế không dư dả.
Vì vậy, câu chuyện trường tư không phải là của “những người nhiều tiền” mà của mọi người dân, bởi người đi học cũng cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nên chăng cần có quy định chặt chẽ hơn đối với trường tư, như việc xây dựng một khung học phí, đảm bảo minh bạch, công khai về tài chính và phải có cơ quan chức năng giám sát, xử lý những trường sai phạm hoặc không đảm bảo đúng cam kết chất lượng.
Những quy định như thế cũng sẽ tạo ra môi trường lành mạnh để những nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục, có mô hình và cách làm hay, đóng góp, bù đắp cho khoảng trống trường công. Còn cứ thả lỏng như hiện nay, “vàng thau lẫn lộn”, tạo kẽ hở cho việc làm giáo dục nhưng đặt nặng mục đích lợi nhuận thì những nhà đầu tư có tâm huyết cũng nản chí và quay lưng với giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận