![]() |
Ai có thể nghĩ cậu học sinh trông hiền lành dường này lại trở thành kẻ giết người máu lạnh? - Ảnh Cho Seung Hui trong kỷ yếu Trường trung học Westfield - Ảnh: Reuters |
Nhưng từ lá thư đánh máy dài tám trang thu tại phòng của Cho ở ký túc xá, có thể lờ mờ nhận ra tên sát nhân máu lạnh này đã nuôi dưỡng trong mình lòng hận thù con người và chán ghét cuộc sống từ lâu. Trong thư, Cho không tiếc lời thóa mạ “những đứa trẻ con nhà giàu”, “thói trụy lạc” và “những kẻ bất tài hợm hĩnh”, rồi kết thúc bằng một lời cảnh báo lạnh xương sống: “Các người khiến ta phải làm việc này”.
Cuộc “tắm máu” tòa nhà Norris vừa qua có thể xem là điểm cao trào cuối cùng sau chuỗi những hành động bất thường mà Cho Seung Hui thể hiện trong suốt thời gian học tại Virginia. Một bạn học cùng lớp môn sáng tác kịch bản với Cho đã gửi lên blog hai kịch bản Cho từng viết, với cốt truyện “như một cơn ác mộng”, có nhiều cảnh bạo lực, chém giết bằng những hung khí như búa và cưa xích. Một năm rưỡi trước đây, thái độ hận đời của Cho đã khiến giáo sư Lucinda Roy, cựu trưởng khoa tiếng Anh Trường Công nghệ Virginia, vô cùng lo lắng. Bà đã gọi Cho ra nói chuyện riêng và khuyên tìm người tư vấn tâm lý.
Lý Hiền mới 18 tuổi... Hôm nay (19-4), gia đình Henry Lee (tên Việt là Lý Hiền) - sinh viên Mỹ gốc Việt bị bắn chết trong vụ thảm sát tại ĐH Công nghệ Virginia - cùng gia đình những nạn nhân khác sẽ vào bệnh viện nhận xác người thân. Kim Ngân, một bạn cũ của Henry, kể với Tuổi Trẻ: các gia đình người Việt ở Virginia đã đến chia buồn với cha mẹ và anh chị của Henry. “Henry rất hiền và chăm chỉ” - Phi Lộc, một người bạn của Henry, cho biết qua điện thoại. Vụ thảm sát xảy ra khi Henry đang ngồi trong lớp nghe giảng môn khám phá kỹ nghệ (engineering exploration), môn học đầu tiên của đời sinh viên. Henry mới 18 tuổi và là em út trong một gia đình người Việt có ba anh chị đều học ở ĐH Công nghệ Virginia. |
Tờ Washington Post dẫn nguồn cơ quan điều tra cho biết Cho đã chết với dòng chữ “Ismail Ax” viết bằng mực đỏ trên cánh tay. Họ vẫn chưa hiểu ý nghĩa dòng chữ ấy. Và đó chưa phải là bí ẩn duy nhất về Cho. Theo lời kể của những bạn học, Cho là một SV lầm lì, hầu như chẳng bao giờ giao du với ai. Vì thế ngay cả nhiều SV Hàn Quốc cũng không biết Cho Seung Hui là ai.
Trong buổi học đầu tiên của môn văn chương Anh vào năm ngoái, khi điền tên vào danh sách SV, Cho viết độc một dấu chấm hỏi. SV Julie Poole kể rằng giáo sư đứng lớp đã hỏi Cho: “Tên em là “Dấu chấm hỏi” à?”. Ở nhà Cho cũng chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt với hàng xóm. Những người sống gần nhà mô tả Cho là một người ít nói, thường lầm lũi chơi bóng rổ một mình, đôi khi chẳng buồn trả lời những người chào hỏi mình.
Cho cùng gia đình di cư đến Mỹ từ năm 1992, nhưng vẫn giữ quốc tịch Hàn Quốc. Hành động độc ác của Cho khiến nhiều người Hàn Quốc (cả SV lẫn cư dân sinh sống tại Mỹ) lo ngại phản ứng tẩy chay của người Mỹ.
Bầu không khí căng thẳng lan nhanh về đến tận đất nước Hàn Quốc. Tổng thống Roh Moo Hyun sau hai lần gửi điện chia buồn đến Mỹ ngày 17-4, hôm qua một lần nữa nói rằng ông và toàn thể nước Hàn bị sốc vì sự kiện này và gửi lời chia buồn chân thành đến Mỹ. “Chúng tôi cảm thấy thật cay đắng. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia quyến những người bị giết, bị thương và toàn thể người dân Mỹ. Tôi cầu chúc xã hội Mỹ sớm vượt qua nỗi đau buồn và giữ được bình tĩnh”.
Cùng ngày, ông đã có mặt tại cuộc họp khẩn với cấp dưới để bàn hướng giải quyết sắp tới. “Chính phủ sẽ tìm cách ngăn chặn phản ứng dữ dội đối với người Hàn Quốc sống ở Mỹ và giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự kiện này đến mối quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ” - Bộ trưởng Ngoại giao Song Min Soon tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận