Quy định đặt tiền hoặc tài sản để bị can, bị cáo được tại ngoại có khoảng 30 năm nay.
Đầu tiên, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 1988 chỉ cho phép áp dụng biện pháp này đối với bị can, bị cáo là người nước ngoài.
Đi kèm theo đó là những ràng buộc có phần đơn giản như nếu bị can hoặc bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thì số tiền hoặc tài sản đó bị sung quỹ nhà nước.
Sau đó, BLTTHS 2003 cho phép tất cả bị can, bị cáo đều được hưởng “đặc ân” này. Thẩm quyền quyết định việc cho đặt tiền hoặc tài sản thuộc về những người có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam và thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.
Trường hợp bị can, bị cáo nộp tiền hoặc tài sản nếu được cơ quan chức năng triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên cạnh việc không được trả lại tiền, họ còn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Nay BLTTHS 2015 chỉ quy định về việc đặt tiền để bảo đảm. Theo đó, ngoài bị can, bị cáo thì người thân thích của họ cũng được đặt tiền để họ không bị tạm giam.
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định cho đặt tiền để bảo đảm.
Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện nhiều nghĩa vụ như: có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;
Không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ cam đoan thì họ sẽ bị tạm giam và số tiền đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Ngược lại, nếu bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
Bộ luật này cũng quy định rõ về thời hạn đặt tiền (không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử), đối với người bị kết án phạt tù thì không quá thời hạn kể từ khi tuyên án đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Đáng lưu ý là trong hàng chục năm qua (tính từ khi có BLTTHS 1988) vẫn không có văn bản quy định chi tiết về điều kiện, mức tiền, trình tự thủ tục, chế độ quản lý tiền, tài sản bảo đảm... Từ lý do này mà các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng hãn hữu, hiệu quả không cao.
Mãi đến năm 2013 mới có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện, theo đó mức tiền để bảo đảm là 20 triệu đồng đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng, 80 triệu đồng đối với loại tội phạm nghiêm trọng (thấp hơn mức dự kiến trong dự thảo thông tư liên tịch mới) và 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng (bằng mức dự kiến trong dự thảo thông tư liên tịch mới).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận