14/03/2013 08:14 GMT+7

"Đất nước hòa bình, không nên để đổ máu nữa"

HOÀNG ĐIỆP - MỸ THƯƠNG - M.QUANG
HOÀNG ĐIỆP - MỸ THƯƠNG - M.QUANG

TT - Một cảnh sát phòng chống tội phạm, một cảnh sát giao thông và một anh hùng lực lượng vũ trang, trưởng phòng truy nã tội phạm, cùng có chung suy nghĩ đất nước hòa bình rồi, việc đổ máu nữa là chuyện chẳng đặng đừng.

"Công an được bắn": cần quy định cụ thểChống người thi hành công vụ: công an được bắnChống người thi hành công vụ, công an được bắn: ý kiến khác nhau

CT4IXhK6.jpgPhóng to
Cảnh sát hình sự (tổ công tác 141) Hà Nội trấn áp, di lý một đối tượng tàng trữ ma túy về phòng cảnh sát hình sự - Ảnh: HẢI HỒ

Đã ba tháng trôi qua kể từ ngày đối tượng Nguyễn Văn Pháp, 20 tuổi, dùng dao nhọn gắn trong chùm chìa khóa xe máy đâm vào cổ thượng sĩ Trần Xuân Sang, công tác tại Công an P.12, quận Gò Vấp, TP.HCM. Nhắc lại chuyện này, anh Sang vẫn nghiêm khắc nhận khuyết điểm rằng mình đã thiếu thận trọng khi không kiểm tra kỹ chùm chìa khóa của đối tượng. Vết đâm chỉ cách động mạch chủ một chút xíu. “Nếu nhát đâm ấy vào đúng động mạch chủ thì chẳng biết bây giờ tôi sẽ thế nào...” - anh Sang nói.

Đối mặt hiểm nguy

Từng có ít nhất bảy năm công tác tại trung đoàn cảnh sát cơ động Công an TP, thượng sĩ Trần Xuân Sang đã tham gia trấn áp tội phạm ở nhiều nơi, cũng từng đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm khi thực hiện công việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhưng khi đối mặt với tình huống bị hành hung ngay tại trụ sở công an phường, anh nhìn nhận là mình đã hơi chủ quan khi kiểm tra phương tiện của đương sự mà không xem kỹ chùm chìa khóa.

Anh Sang kể: “Chừng 1g15 sáng 10-12-2012, đang tuần tra trên đường Nguyễn Tư Giản (P.12, Q.Gò Vấp), tôi phát hiện đương sự Nguyễn Văn Pháp điều khiển xe máy chở theo ba người không đội mũ bảo hiểm. Sau khi kiểm tra, tôi đưa Pháp và phương tiện về phường. Tôi lập hồ sơ tạm giữ xe và tiếp tục đi tuần tra. Tuy nhiên, bởi đương sự muốn mang xe về nên đã cự cãi và đâm vào cổ tôi. Nhờ được học võ thuật, phản ứng nhanh nhẹn và có sức khỏe nên tôi và đồng đội đã bắt giữ được Pháp ngay lập tức”.

Việc bị người dân chống đối, hành hung hoặc dùng những lời lẽ không hay để lăng mạ và chửi bới lực lượng chức năng với Sang không còn lạ. “Khi đi tuần tra những nơi trọng điểm về ma túy, mại dâm, chúng tôi nghe những lời chửi bới, bị ném đá thường xuyên. Nhưng không dễ gì có bằng chứng để buộc họ tội chống người thi hành công vụ. Bởi không phải lúc nào cũng tìm được người dân làm chứng cho mình. Gặp các tình huống như vậy anh em chỉ biết im lặng và bình tĩnh để giữ cho nguyên vẹn màu áo của lực lượng công an nhân dân” - anh Sang nói.

Thiếu úy Nguyễn Duy Điệp, Đội cảnh sát giao thông số 2 Công an Hà Nội, trong lúc tuần tra kiểm soát tại đường Yên Phụ, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình ngày 3-3 đã bị hai thanh niên lái xe máy tăng ga, đâm thẳng vào người gây thương tích... Anh Điệp phát hiện hai thanh niên đi sai làn đường nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Tổ công tác sau đó đã bắt giữ được hai thanh niên này và xác định chiếc xe là xe gian. Công an P.Trúc Bạch sau đó đã xử lý lái xe là Lê Xuân Đức (21 tuổi, trú tại Bắc Ninh) đã có hành vi chống người thi hành công vụ.

Quy định nghiêm ngặt

Thượng sĩ Trần Xuân Sang nói: “Suốt bảy năm trong lực lượng cảnh sát cơ động, chưa bao giờ tôi đối diện với tình thế phải nổ súng. Và hiện nay, dù công việc ở địa bàn rất nhiều và tình hình tội phạm khá phức tạp nhưng chưa khi nào tôi rơi vào tình thế bị chống đối mà phải nổ súng. Sáng nay khi đi học, tôi có nghe thầy giáo nói về dự thảo nghị định chống người thi hành công vụ, lực lượng chức năng được bắn. Cá nhân tôi thấy rằng quy định sử dụng súng hiện hành rất nghiêm ngặt. Bởi bắn một viên đạn cũng phải làm báo cáo cụ thể bắn như thế nào, trong hoàn cảnh nào”.

Thiếu úy Điệp cho biết vào thời điểm bị Lê Xuân Đức điều khiển xe đâm vào người, dù xác định được đây là hành vi chống người thi hành công vụ thì anh cũng không thể sử dụng công cụ hỗ trợ để khống chế được vì sự việc xảy ra rất nhanh. Anh Điệp nói: “Nếu sau khi ngã xe, hai thanh niên này bỏ chạy hay có hành vi chống đối thì tôi cũng phải sử dụng lời lẽ để hướng dẫn, thuyết phục. Những trường hợp này tôi không bao giờ sử dụng súng. Chỉ trong trường hợp người vi phạm có hành vi chống đối đến cùng, sử dụng dao, kiếm hoặc hung khí khác gây nguy hiểm đến tính mạng của tôi hay đồng đội, người dân thì mới có thể sử dụng súng bắn chỉ thiên để khống chế người vi phạm. Ở đây có vấn đề xác định người vi phạm là hành vi vi phạm hành chính hay vi phạm về hình sự. Sự việc xảy ra tại hiện trường rất nhanh nên việc xác định hành vi rất khó khăn. Nếu sử dụng súng mà gây ảnh hưởng đến tính mạng của người vi phạm thì rất có thể mình sẽ sai và sẽ bị xử lý”.

Đã có đến 35 năm công tác trong lực lượng công an nhân dân tỉnh Lạng Sơn, đại tá Triệu Quang Điện, anh hùng lực lượng vũ trang, trưởng phòng truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn, và cũng chừng ấy năm thực hiện nhiệm vụ luôn liên quan đến tội phạm nguy hiểm nhưng đại tá Điện luôn tâm niệm: “Chiến tranh mình đã phải hi sinh quá nhiều rồi, bây giờ hòa bình không nên để đổ máu nữa”.

Với đường biên giới kéo dài giáp Trung Quốc nên Lạng Sơn là một trong những địa bàn có tình hình an ninh hết sức phức tạp. Tội phạm xuất hiện trên địa bàn phần lớn là tội phạm rất nguy hiểm và manh động, luôn được trang bị vũ khí nóng để sẵn sàng chống trả lại lực lượng công an mỗi khi bị truy bắt. “Lực lượng cảnh sát được trang bị vũ khí, võ thuật và nghiệp vụ để trấn áp tội phạm. Tất cả nghiệp vụ đó người dân thường đều không được học. Trong những tình huống cụ thể mà chúng tôi truy bắt tội phạm, nếu cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng của đồng đội, tôi tính toán rất kỹ. Vì hôm nay không bắt được thì mai bắt. Không cần thiết phải đổ máu giữa thời bình” - đại tá Điện khẳng định.

Ông Vũ Việt Trung (phó giám đốc Kiểm lâm vùng 1, Bộ NN&PTNT): Phải đào tạo kỹ trước khi giao súng cho kiểm lâm

Năm 2011, Quốc hội đã có pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trước đó năm 2000, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm. Đây là những cơ sở pháp lý cho phép kiểm lâm được sử dụng súng quân dụng và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do còn thiếu các hướng dẫn cụ thể, công tác tập huấn, đào tạo kiểm lâm sử dụng vũ khí cũng còn hạn chế, và thêm nhiều vụ kiểm lâm nổ súng rồi vướng vào lao lý nên thực tế hiệu quả răn đe, trấn áp lâm tặc cũng còn nhiều khó khăn.

Ranh giới giữa “phòng vệ chính đáng” và “vượt quá giới hạn” là rất mong manh. Kiểm lâm lại không được đào tạo bài bản việc sử dụng vũ khí nên trình độ sử dụng súng cũng hạn chế... Vì thế lực lượng kiểm lâm trong thực tế có tâm lý rất ngại nổ súng.

Đã từng có những vụ việc kiểm lâm nổ súng để “phòng vệ chính đáng”, nhưng ra pháp luật thì anh em kiểm lâm thường thua thiệt, dẫn đến tình trạng “thui chột ý chí”. Tháng 9-2012, một kiểm lâm viên ở Na Hang, Tuyên Quang bị cơ quan công an khởi tố về tội giết người. Anh này gửi đơn kêu oan đến Bộ NN&PTNT và các cơ quan báo chí. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, tôi trực tiếp tìm hiểu, kiểm tra vụ việc, báo cáo về bộ sự việc như sau: đêm 18-3-2012, được sự phân công của chỉ huy đơn vị, tổ công tác của trạm kiểm lâm khu A đóng tại xã Năng Khả, huyện Na Hang (thuộc Hạt kiểm lâm Na Hang) đi tuần và phát hiện một số đối tượng đi xe máy chở gỗ nghiến ra khỏi rừng xã Năng Khả. Tổ công tác có cả trạm trưởng và trưởng công an xã, kiểm lâm viên Ma Văn Thắng (mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, phù hiệu và công cụ hỗ trợ) đã đuổi theo khiến các đối tượng bỏ gỗ chạy thoát. Khi tổ công tác thu hồi số gỗ vứt lại bên đường thì có nhóm đối tượng đến tấn công. Trạm trưởng kiểm lâm bị thương đã phải nổ súng chỉ thiên cảnh báo nhưng đối tượng vẫn hung hãn lao vào. Anh Thắng chuẩn bị đưa gỗ lên xe thì nhóm đối tượng xô đẩy, giữ lại và uy hiếp khiến anh rút súng RG88 (là súng bắn đạn cao su, một loại công cụ hỗ trợ trang bị cho kiểm lâm) và quát: “Ai vào giữ gỗ tôi bắn”. Anh Thắng bắn vào cổ đối tượng Vi Văn Vũ, giám định thương tích là 1%.

Kiểm lâm Thắng đã sử dụng công cụ hỗ trợ trong trường hợp này là cần thiết để phòng vệ, tuy nhiên phía cơ quan điều tra cho rằng Thắng đã bắn ở cự ly quá gần (khoảng 1m).

Quy định người thi hành công vụ được nổ súng là cần thiết, cũng là một trong những biện pháp giúp lực lượng kiểm lâm yên tâm, tận tâm với công việc. Tất nhiên phải đào tạo bài bản, tập huấn kỹ cho kiểm lâm trước khi giao vũ khí.

Đ.Bình ghi

Dự thảo nghị định vừa thừa vừa không đúng thẩm quyền

Nếu cho rằng vì chưa có quy định đầy đủ của pháp luật về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Bộ Công an đưa ra dự thảo nghị định, theo tôi là không thuyết phục. Bởi lẽ:

Thứ nhất, các trường hợp được nổ súng đã được quy định rất cụ thể tại điều 22, pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc nổ súng của công an nhân dân được bộ trưởng Bộ Công an quy định, tuy nhiên quy định gì thì cũng không được trái điều 22 pháp lệnh 16. Vấn đề là ở chỗ Bộ Công an cần tổ chức tập huấn cho các cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ liên quan đến việc nổ súng, để họ nắm chắc các trường hợp được nổ súng, trường hợp nào không; thế nào là phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; trường hợp nào tuy không phải phòng vệ nhưng vẫn có quyền nổ súng mà không phải chịu trách nhiệm.

Nếu so với Bộ luật hình sự thì pháp lệnh 16/2011 quy định còn đầy đủ hơn, rõ ràng hơn. Bộ luật hình sự chỉ mới quy định trường hợp “phòng vệ chính đáng” (điều 15) và “tình thế cấp thiết” (điều 16), chứ chưa có quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự cho người có quyền nổ súng vào đối tượng bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải “chạy trốn”. Như vậy, các quy định tại điều 22 pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đầy đủ, rõ ràng chỉ cần áp dụng đúng là được.

Thứ hai, pháp lệnh 16 không giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành điều 22, mà chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản cụ thể khác. Ví dụ: quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giao nộp (điều 11); quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí (điều 12); quyết định nhập khẩu vũ khí quân dụng, nhập khẩu vũ khí thể thao (điều 20); quy định việc cấp giấy phép sử dụng, giám sát tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp trong và sau khi nổ mìn (điều 27); thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (điều 35)... Do đó, nếu Chính phủ ban hành nghị định quy định các trường hợp được nổ súng thì vừa thừa vừa không đúng thẩm quyền và trái với pháp lệnh 16.

Luật sư Đinh Văn QUế

HOÀNG ĐIỆP - MỸ THƯƠNG - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên