Giá đất tăng đột biến
Với mức giá chào bán cao nhất tới 60 triệu đồng/m2 ở khu Đông thành phố hay cao nhất 12 triệu đồng/m2 khu vực Cần Giờ, giá đất nền tại TP.HCM được ghi nhận đã vượt qua mức đỉnh của cơn sốt đất cách đây 10 năm.
Báo cáo tiêu điểm quý IV/2016 và triển vọng thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2017 của CBRE vừa công bố mới đây cho biết, trong năm 2016, giá chào bán đất nền dự án tại TP.HCM đã tăng khá mạnh. Đặc biệt tại các khu vực tâm điểm như quận Thủ Đức, quận 9, quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh… giá chào bán tăng trung bình 20%-40% so với năm trước.
Cụ thể, tại quận 9, giá đất bình quân trên nhiều tuyến đường đã tăng rất mạnh; chẳng hạn tại đường Gò Cát, giá đất tăng 34%, từ 13 triệu đồng/m2 nhảy vọt lên 17,5 triệu đồng/m2; đường Lê Văn Việt giá tăng 42%, từ mốc 42 triệu đồng/m2 đầu năm tăng một mạch lên mức 59,47 triệu đồng/m2; đường nội bộ khu Hưng Phú năm ngoái còn ở mức 9 triệu đồng/m2 nay đã tăng gấp đôi lên đến 18,5 triệu đồng/m2…
Tại huyện Nhà Bè, giá đất nền tại dự án đất nền đã tăng cách đây vài tháng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại một dự án mới mở bán, giá ban đầu chủ đầu tư tung ra khoảng 18 triệu đồng/m2, thì nay nhiều nền đã tăng giá lên đến 22-26 triệu đồng/m2.
Giá nhà đất nền Củ Chi tính từ đầu năm tới nay, có nơi tăng gần 70%. Tình trạng sốt diễn ra tại khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường quốc lộ, trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn.
Thông tin về dự án “khủng” 15.000ha của một tập đoàn và con đường ven sông nối trung tâm thành phố với Củ Chi khiến cho không ít người dân găm đất, không bán, để dò la thông tin.
Nói về hiện tượng giá đất ở một số khu vực tăng bất thường, nhất là các khu vực như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – cho rằng, một số nơi giá đất được đẩy tăng tới 60% trong thời gian ngắn sau khi các khu vực này có thông tin sẽ lên quận hoặc có dự án hạ tầng cầu đường quy mô đi qua, đó là hiện tượng “sốt ảo”.
Nhà đầu tư nên thận trọng
Trong khi cơn sốt đất nền vẫn chưa hạ nhiệt, thì thực tế, theo Sở TN&MT TP.HCM, lượng giao dịch, chuyển nhượng đất đai đăng ký trên địa bàn tăng nhưng không quá “nóng”. Bởi lượng hồ sơ xin chuyển nhượng đất đai trên toàn địa bàn trong Quý I/2017 là hơn 177.000 hồ sơ, tăng 15%.
Do vậy, đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, thông tin giao dịch mua bán đất vùng ven đang sôi động phần lớn là do giới đầu cơ tung ra chứ không hẳn là giao dịch có thực trên địa bàn các quận, huyện.
Trước tình trạng này, giới chuyên gia địa ốc cảnh báo, các nhà đầu tư nên thận trọng, không đổ tiền mua đất ồ ạt, cần phải bình tĩnh, tìm hiểu nhiều thông tin trước khi quyết định mua, đừng để mua rồi 2-3 năm không bán được.
Một bài học mà ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra là cách đây hơn 10 năm. Khi đó rộ lên thông tin Nhơn Trạch (Đồng Nai) được quy hoạch trở thành khu đô thị mới với nhiều dự án cầu đường kết nối với quận 9 (TP.HCM) song quy hoạch này chưa được công bố cụ thể. Lập tức, hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư và khách hàng đã đổ vào đây để đầu tư hàng loạt dự án lớn nhỏ. Đến nay, Nhơn Trạch vẫn chưa mang dáng dấp là một khu đô thị hiện đại như quy hoạch, ngược lại khách hàng “chết như rạ” vì ôm đất bán không được.
Để tránh tình trạng như trên, theo đại diện Sở TN&MT, hàng năm, từng quận huyện đều có kế hoạch sử dụng đất và công khai đến người dân về thời điểm triển khai, khu đất nào được chuyển đổi mục đích. Vì thế, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin để tránh rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận