23/09/2013 12:13 GMT+7

Đặt mìn nhà giám đốc công an: Y án 19 năm tù

DUY THANH
DUY THANH

TTO- Sáng 23-9, TAND tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Viết Trương (57 tuổi), người đặt mìn nhà đại tá Trần Ngọc Khánh - giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa.

Đặt mìn nhà giám đốc công an, bị phạt 23 năm tùKẻ mưu sát giám đốc Công an Khánh Hòa lãnh 23 năm tùVắng luật sư, hoãn xử người đặt mìn nhà giám đốc CA Khánh Hòa

27jbnUu8.jpgPhóng to
Nguyễn Viết Trương được tòa cho ngồi để trả lời thẩm vấn - Ảnh: DUY THANH

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt ông Trương 19 năm tù về tội “giết người”, 4 năm tù tội “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 23 năm tù.

Ngày 26-7, ông Trương có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng ông không phạm tội giết người, không mua bán vật liệu nổ trái phép.

Đại tá Trần Ngọc Khánh có đơn gửi tòa xin được xét xử vắng mặt vì lý do bận công tác. Mở đầu phiên tòa phúc thẩm, cũng giống như phiên sơ thẩm, ông Trương liên tục kêu mệt, đau quai hàm, không nói được, nhiều lần đề nghị hoãn tòa.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử vẫn quyết định tiếp tục phiên tòa vì cho rằng đề nghị của bị cáo không có căn cứ. Tòa cho phép ông Trương được ngồi trước vành móng ngựa.

Tại phiên phúc thẩm, ông Trương tiếp tục trình bày rằng ông quá bức xúc vì những khiếu nại của doanh nghiệp ông không được Công an tỉnh Khánh Hòa, trong đó ông Trần Ngọc Khánh là người đứng đầu chỉ đạo, nên đã đặt quả nổ trước cửa nhà ông Khánh để gây nổ nhằm tạo tiếng vang chứ không có ý định giết ông Khánh.

“Nếu tôi cố ý giết ông Khánh thì tôi đặt thuốc nổ ở vị trí khác, chứ không phải đặt trên panô phía trên cửa ra vào nhà ông, bởi nguyên tắc vật lý của quả nổ là nó chỉ bùng lên trên chứ không gây sát thương phía dưới” – ông Trương khai.

Ông Trương cũng nói ông chỉ đổi và mua của các công nhân làm đường Nha Trang – Đà Lạt thuốc nổ công nghiệp để cho nổ đá ở mỏ Suối Lau, không bán hoặc kinh doanh, ông đang làm hồ sơ xin mua và sử dụng thuốc nổ ở mỏ đá này nhưng chưa gửi cho cơ quan chức năng; việc truy tố và khép tội ông mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ là oan.

Luật sư Phan Tấn Hùng (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa), được chỉ định bào chữa cho bị cáo Trương, nêu luận cứ rằng quả nổ mà ông Trương đặt chỉ cách đầu ông Khánh 20cm và chỉ làm giám đốc Công an Khánh Hòa bị thương 41% vĩnh viễn nên không xem là mìn có tính sát thương cao được, mà chỉ là quả nổ thông thường để tạo tiếng vang.

Luật sư Hùng cũng đề nghị tòa xem xét động cơ dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo là vì phẫn uất trong suốt thời gian dài đối với ngành Công an tỉnh Khánh Hòa…

Ông Đinh Ngọc Kính – đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa – bác bỏ các lập luận của Trương, khẳng định việc truy tố bị cáo hai tội “giết người” và “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ” là có căn cứ pháp lý, kết quả xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đối với bị cáo là đúng người, đúng tội.

Ông Kính đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm bác đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Viết Trương, tuy nhiên cần xem xét áp dụng điều 18 Bộ luật hình sự về phạm tội chưa đạt để tuyên mức án phạt phù hợp đối với bị cáo.

Tại phần tuyên án, hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng khẳng định đủ cơ sở, chứng cứ kết luận bị cáo Nguyễn Viết Trương hai tội “giết người” và “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”.

Tòa nhận định rằng việc ông Trần Ngọc Khánh không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo; việc bị cáo nói đặt mìn gây nổ để tạo tiếng vang chỉ là biện hộ để giảm trách nhiệm.

Hành vi phạm tội của ông Trương là đặc biệt nguy hiểm, không những định tước đoạt tính mạng người khác mà còn gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng.

Công ty của ông Trương chưa có giấy phép mua bán, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ nhưng ông đã mua, sử dụng và cất giữ một lượng lớn kíp nổ, thuốc nổ là vi phạm pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không nêu được tình tiết gì mới để tòa xem xét, giảm án. Hội đồng xét xử nhận định án sơ thẩm đánh giá đúng tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra cũng như các tình tiết giảm nhẹ để xử phạt bị cáo Trương 19 năm tù về tội “giết người” và 4 năm tù về tội “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ” là tương xứng.

Do vậy, tòa tuyên bác kháng cáo của Nguyễn Viết Trương, tuyên y án sơ thẩm.

Một số diễn biến liên quan

- Năm 2005, ông Lê Viết Trương sau một thời gian làm các nghề phụ xe, lái xe tải ở TP.HCM đã về xã Suối Cát lập Công ty Song Mã. Công ty này hợp tác làm ăn với Công ty KV.

- Năm 2007, ông Trương tố cáo lãnh đạo Công ty KV chiếm đoạt hai chiếc xe đào của ông nhưng Công an huyện Cam Lâm không giải quyết, đề nghị khởi tố hình sự. Các xe này Công ty KV kéo về gửi tại trụ sở UBND xã Suối Cát.

- Năm 2009, ông Trương tố cáo hai điều tra viên Công an tỉnh Khánh Hòa lấy một chiếc xe cẩu là tài sản của ông để đưa cho Công ty H.Đ.D, doanh nghiệp mà ông hợp tác làm ăn từ năm 2003.

- Tháng 4-2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản khẳng định việc ông Trương tố cáo các điều tra viên là không có cơ sở; khẳng định lại đã nhiều lần trả lời ông Trương là không có cơ sở khởi tố hình sự vụ Công ty KV chiếm đoạt tài sản của ông.

- Tháng 7-2012, một trong hai chiếc xe đào gửi ở UBND xã Suối Cát bị đốt cháy, hư hỏng nhưng không rõ ai đốt.

- 6g15 ngày 30-7-2012: xảy ra vụ nổ nhà ông Trần Ngọc Khánh.

- Đêm 31-7-2012: ông Nguyễn Viết Trương bị bắt khẩn cấp

- Ngày 1-8-2012: ông Trương bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người, sau đó bị khởi tố tiếp tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ

- Ngày 24-6-2013: phiên tòa xét xử sơ thẩm phải hoãn vì luật sư chỉ định bào chữa cho ông Trương vắng mặt không rõ lý do.

- Ngày 15-7-2013: phiên tòa sơ thẩm được mở lại, tuyên phạt ông Trương tổng cộng 23 năm tù.

- Ngày 26-7-2013: ông Trương kháng cáo cho rằng mình không phạm tội giết người và mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên