Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 tại Hải Phòng:
![]() |
Hàng ngàn học sinh Hải Phòng đã đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 tại Hải Phòng - Ảnh Nguyễn Khánh |
Chương trình do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Hải Phòng, Trường ĐH Hàng hải phối hợp tổ chức.
Từ trước 8g sáng, hàng nghìn học sinh từ các trường THPT Hải Phòng đã có mặt tại Trường ĐH Hàng hải chờ đón được tư vấn chọn ngành, chọn nghề. Cả sân trường ĐH Hàng hải rộn ràng với ca khúc Nhật ký của mẹ từ giọng ca của bé Vũ Song Vũ - giọng ca nổi bật đặc biệt của Chương trình tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam's got talent - mùa giải trước.
“Bật mí” đề thi
Phần tư vấn chung của chương trình đã làm hàng nghìn học sinh nín thở chờ đợi khi “câu hỏi khai mạc” chính là đề thi - mối quan tâm của bất cứ thí sinh nào đang chuẩn bị hành trang trước khi bước vào kỳ thi ĐH, CĐ.
Câu hỏi đến từ một bạn học sinh Trường THPT Ngô Quyền: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là cuộc đua khốc liệt giữa các thí sinh trong cả nước nên việc ôn tập rất quan trọng. Em đang rất bối rối với khối lượng kiến thức khổng lồ của chương trình học. Vì vậy xin các thầy tiết lộ đề thi năm nay sẽ như thế nào?”.
Đáp lại câu hỏi được nhiều quan tâm, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT - khẳng định đề thi năm nay nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là ra trong chương trình lớp 12. Đề sẽ không ra đánh đố, không lắt léo. Bộ GD-ĐT chủ trương đề thi từng môn bảo đảm học sinh trung bình có thể đạt được 5 điểm/môn.
“Các em đừng quên trong mỗi đề thi đều có phần rất cơ bản để các em học lực trung bình có thể làm được. Ngay những em học sinh giỏi cũng phải rất cẩn trọng vì đã có những em làm tốt những bài khó nhưng lơ là bài dễ, dẫn đến việc mất điểm không đáng có” - PGS Nghĩa nhắc nhở.
![]() |
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí & kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - đưa ra những đánh giá, nhận định về kỳ thi ĐH, CĐ 2013 - Ảnh Nguyễn Khánh |
PGS Nghĩa đồng thời thông tin về một loạt điểm mới của kỳ thi tuyển sinh năm nay. Theo đó, thay vì nhận hai phiếu chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển (nếu không đỗ nguyện vọng đăng ký dự thi ban đầu), thí sinh dự thi năm 2013 sẽ nhận được ba giấy chứng nhận kết quả thi.
Một thay đổi lớn là thí sinh sẽ phải nộp bản gốc chứng nhận kết quả để xét tuyển, chứ không thể nộp bản sao như năm 2012 ở một số trường. Bộ GD-ĐT cũng mở rộng đối tượng tuyển thẳng là học sinh thuộc các đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.
Một số thí sinh vẫn tỏ ra băn khoăn về việc đăng ký dự thi khi thời hạn nộp hồ sơ đã cận kề. Theo lịch của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ ngày 11-3 các trường THPT sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của học sinh lớp 12. Một thí sinh không giấu được lo lắng khi dự định sẽ nộp đến 10 bộ hồ sơ vì chưa “chốt” được ngành học.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa khuyên: “Dù các em có nộp nhiều hồ sơ thì cũng chỉ có thể dự thi ba đợt: hai đợt thi ĐH và một đợt thi CĐ. Ngay trong những khối thi cùng đợt các em cũng chỉ có thể dự thi một khối thi. Sau đó ở từng khối thi các em dự thi, nếu không đỗ nguyện vọng ban đầu, em mới được cấp giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển vào nguyện vọng khác. Như vậy, các em hoàn toàn có thể nộp 10 bộ hồ sơ hoặc nhiều hơn, nhưng số cơ hội của các em là xác định. Vì vậy, rất mong các em cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký dự thi, nộp hồ sơ vào những trường em thực sự yêu thích, đam mê và phù hợp với năng lực của mình".
Nhà nước “đặt hàng” nhiều ngành “khát” nhân lực
Các thầy cô trong ban tư vấn cũng bật mí về một số ngành đào tạo khoa học cơ bản đang được hỗ trợ đặc biệt trong đào tạo, nhằm thu hút nhiều SV chất lượng theo học khi nhu cầu nhân lực rất cao nhưng việc đào tạo trong một số năm gần đây có dấu hiệu không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
TS Nguyễn Thị Thúy Giang, trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội), cho biết: sẽ có nhiều ưu tiên về học bổng, điều kiện học tập của các trường cho những ngành mà Nhà nước đang cần nhân lực.
“Tôi mong sẽ có nhiều bạn đăng ký học các ngành khoa học cơ bản, vì năm nay sẽ là năm Nhà nước có nhiều chính sách thu hút đối với người học và người tốt nghiệp ngành này” - cô Giang khẳng định.
Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2013 có đến 14 ngành đào tạo được nhà trường hỗ trợ đào tạo. Cụ thể, mức hỗ trợ tối thiểu sẽ bằng mức học phí sinh viên phải đóng theo chương trình đào tạo. Nghĩa là sinh viên vẫn đóng học phí bình thường nhưng được hỗ trợ trở lại, gần như không phải mất tiền cho chi phí đào tạo chính thức.
Nhiều thí sinh quan tâm đến các ngành đào tạo đang bị cảnh báo nguy cơ thừa nhân lực cũng được các thầy cô trong ban tư vấn giải đáp một cách thỏa đáng.
ThS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục ĐH - khẳng định việc Bộ GD-ĐT đưa ra cảnh báo về nhóm ngành kinh tế - quản lý không phải là cách để cắt giảm chỉ tiêu cụ thể từng trường mà chủ trương là hạn chế mở ngành mới là ngành kinh tế ở các trường không thực sự chuyên về kinh tế, hoặc mở trường mới mà có chủ trương phát triển thành các trường chuyên về kinh tế. Riêng các trường có truyền thống đào tạo nhóm ngành này lâu năm bộ sẽ không can thiệp vào chỉ tiêu, các trường vẫn xây dựng chỉ tiêu dựa trên năng lực thực tế của các trường.
"Có nhiều nơi không nhận bằng tốt nghiệp ĐH ngoài công lập. Vậy có nên thi vào các trường ngoài công lập không hay nên học trung cấp chuyên nghiệp?". ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ GD đại học, cho biết: xã hội hiện nay dần hướng tới việc tuyển dụng lao động theo năng lực của người dự tuyển và theo nhu cầu của các ngành nghề chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp.
“Các em có kiến thức, kỹ năng tốt và biết lựa chọn đúng những ngành nghề xã hội đang cần thì cơ hội việc làm sẽ cao”- thầy Hùng cho biết. Theo thầy Hùng, hiện nay có những trường ĐH ngoài công lập cũng có uy tín và chất lượng đào tạo còn tốt hơn công lập, nên thí sinh không quá lo ngại việc là sinh viên ngoài công lập.
Thầy Hùng cho biết thêm các trường đào tạo ngành nông, lâm nghiệp cũng nhiều nhưng nhiều học sinh lại không quan tâm, trong khi nhu cầu nhân lực ở VN của những ngành này đang rất cần. Bộ GD-ĐT có chủ trương hạ thấp 1 điểm tuyển vào các trường khối nông, lâm, ngư ở khối "3 Tây" (Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ). Đây là chính sách để thu hút người học vào các ngành này để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Thầy Hùng cũng cho biết đang nghiên cứu thêm các chính sách thu hút vào các ngành cần nhân lực như trên…, đồng thời sẽ co hẹp những ngành “hot” nhưng đang dư thừa.
![]() |
Tại gian hàng báo Tuổi Trẻ, rất nhiều tài liệu ôn thi ĐH được phát tận tay các học sinh Hải Phòng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Từ 10g, các nhóm tư vấn chuyên sâu gồm nhóm tư vấn kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại giao, ngoại ngữ; nhóm tư vấn kỹ thuật công nghệ, y, dược, nông, lâm; nhóm khoa học xã hội và nhân văn, công an, quân đội, khối TCCN, trường nghề…bắt đầu tư vấn chuyên sâu hơn cho thí sinh về việc lựa chọn các ngành nghề.
Ngành nào cho nữ?
ĐH Y Hải Phòng mở ngành dược Theo ThS Nguyễn Hải Ninh, phó đào tạo Trường ĐH Y Hải Phòng: do ít thí sinh biết thông tin này nên năm 2012 chỉ có 538 thí sinh đăng ký dự thi vào trường, lựa chọn được 98 thí sinh trúng tuyến. Thầy Ninh khẳng định: “Tốt nghiệp ngành dược của ĐH Y Hải Phòng có thể cạnh tranh với bất cứ sinh viên tốt nghiệp các ngành khác", đồng thời cho biết điểm chuẩn vào trường sẽ không dưới 21 điểm. “Kiến thức cần tích lũy trong cả một quá trình, sức khỏe và sự kiên nhẫn… là những yếu tố mà các em cần có nếu muốn lựa chọn ngành này” - thầy Ninh cho biết thêm. |
"Học công nghệ thông tin có hợp với con gái không?”. Với băn khoăn mà mùa tuyển sinh nào cũng có này, thầy Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội, trả lời: “Tại sao chúng ta phải phân biệt giữa nữ và nam, vì các bạn nữ cũng giỏi và năng động… Trong lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều bạn nữ làm rất tốt như thiết kế các trang web và ứng dụng công nghệ thông tin cho lĩnh vực giải trí".
Thầy Sơn nhận xét: “Các bạn nữ có sự tinh tế mà bạn nam không sánh được, đây là ưu điểm rất cần thiết trong lĩnh vực công nghệ thông tin".
Trong khi đó TS Trịnh Thúy Giang khiến các bạn học sinh thích thú khi cho biết mình cũng là một tiến sĩ ở lĩnh vực được xem là khô cứng nhưng vẫn không lo bị khô cứng. Cô Giang nhắc lại nhân vật “cá sấu chúa” trong phim Lập trình trái tim - một cô gái làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng tính cách lại rất thú vị để thấy con gái hoàn toàn có thể học và làm việc ở những lĩnh vực từng được xem chỉ có nam mới “thống soái”.
Nhiều thí sinh bất ngờ khi Trường ĐH Hàng hải có tới 24/26 ngành sẽ tuyển nữ và cơ hội công việc cho những ngành này cũng rất nhiều...
Nhiều băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành khoa học xã hội, cơ hội của nữ giới được đặt chân vào các trường công an, quân đội hay những bối rối tâm lý trước kỳ thi ĐH sắp tới được liên tục gửi về các chuyên gia tư vấn.
Thiếu tá Trần Văn Đồng chia sẻ: ngành công an ưu tiên cho con em của những người đang công tác trong ngành. Chỉ tiêu tuyển sinh nữ không có gì thay đổi. Tất cả học sinh nữ đều có quyền thi vào ngành công an không hạn chế, từ năm 2012. Tuy nhiên, nữ lấy từ 10-15% sinh viên đỗ đại học.
Chuyên sâu ngoại ngữ - cơ hội lớn
Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng về nguy cơ bão hòa ngành ngoại ngữ, bày tỏ những băn khoăn khi đăng ký dự thi vào các trường có ngành này.
![]() |
Các học sinh cảm thấy thích thú khi được các chuyên gia giải đáp thắc mắc liên quan đến kỳ thi ĐH, CĐ 2013 sắp tới - Ảnh: Nguyễn Khánh |
ThS Bùi Ngọc Kính - Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - chia sẻ một cách rất chân tình: “Ngoại ngữ trong những năm gần đây mang tính phổ thông, hầu như ai cũng biết ngoại ngữ. Số người giỏi ngoại ngữ cũng nhiều hơn. Do đó, đúng là nếu chỉ học riêng ngành ngoại ngữ sẽ có thể gặp khó khăn. Song nếu các em học chuyên sâu như sư phạm ngoại ngữ, ngoại thương thì cơ hội việc làm rất lớn. Mặt khác, nếu em theo học bằng kép như ngoại ngữ gắn với tài chính, ngoại ngữ gắn với quản trị kinh doanh thì nhu cầu nhân lực trên thị trường đang rất dồi dào” - ThS Kính nói.
Tại sân khấu tư vấn nhóm ngành kinh tế - tài chính, Trường ĐH Ngoại thương được sự quan tâm đặc biệt của thí sinh. TS Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - phải liên tục giải đáp những băn khoăn của thí sinh. Theo TS Thủy, năm nay Trường Ngoại thương không tuyển sinh trình độ CĐ nữa.
TS Thủy cũng chia sẻ chuyên ngành kinh tế đối ngoại thuộc ngành kinh tế là chuyên ngành có truyền thống đào tạo hơn 50 năm, là ngành có điểm đầu vào cao nhất, khối A 25-26, khối D 23-24 điểm. Đây là ngành vốn đào tạo làm chuyên môn về xuất nhập khẩu, nhưng hiện nay cơ hội việc làm của các em đa dạng hơn. Ngành kinh tế quốc tế hướng các em vào làm các cơ quan, tổ chức hoạch định chính sách, có tính vĩ mô, cả trong nước và nước ngoài.
"Nóng" những thắc mắc ngành quân đội, công an
![]() |
Các thành viên ban tư vấn nhóm ngành công an, quân đội đang giải đáp thắc mắc cho học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), cho biết: ĐH Phòng cháy chữa cháy chỉ tuyển 15% trong số 350 học viên. Vì ĐH Phòng cháy chữa cháy có những ngành đặc thù cần vận động thể lực cao, bơi lội trong những môi trường khắc nghiệt. Vấn đề ở đây chỉ là do đặc thù hoàn cảnh chứ không phải phân biệt đối xử gì cả.
Đại tá Nguyễn Văn Phùng tư vấn thêm: một số ngành quân đội chỉ tuyển nam. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay các trường đào tạo trong quân đội tuyển sinh 3 chung. Tuyển học sinh phổ thông vào học hệ dân sự thì tuyển sinh bình đẳng như các trường. Lúc ra trường các em có thể làm việc đáp ứng yêu cầu xã hội, một số khác cũng có thể thi tuyển vào các đơn vị quân đội. Toàn bộ phụ thuộc vào quá trình học tập và rèn luyện của các em trong nhà trường.
“Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì” là những yêu cầu dành cho những sinh viên tốt nghiệp ngành quân đội và công an mà đại tá Nguyễn Văn Phùng, thiếu tá Trần Văn Đồng cung cấp. Tuy nhiên, những sinh viên học trong hai hệ thống này sẽ được hưởng những ưu đãi mà hiếm sinh viên ở hệ ĐH bên ngoài có được. Đó là được rèn luyện một cách toàn diện, được cung cấp quân trang quân dụng, có trợ cấp hằng tháng. Bên cạnh đó, những sinh viên theo học ngành này còn được huấn luyện bởi các chuyên gia đến từ nước ngoài.
Chương trình kết thúc lúc 11g30. Ban tư vấn chương trình chia tay với HS đất cảng Hải Phòng và sẽ gặp lại các bạn HS phía Bắc trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 tại Hà Nội được tổ chức vào ngày 10-3 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hải Phòng * Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại giao, ngoại ngữ (tư vấn chuyên sâu về các ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, kế toán, chứng khoán, marketing, quan hệ quốc tế, du lịch, ngoại ngữ) -TS Đinh Xuân Mạnh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải; - PGS-TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT; - ThS Bùi Ngọc Kính, Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội; - TS Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương; * Nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, khoa học tự nhiên - y dược - nông lâm - PGS-TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo đại học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; - ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT; - TS Nguyễn Khắc Khiêm, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải; - TS Trịnh Thị Thúy Giang, trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội); - ThS Nguyễn Hải Ninh, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Hải Phòng; * Nhóm khoa học xã hội - nhân văn, sư phạm, báo chí, công an, quân đội, khối trường TCCN, trường nghề, các ngành có xu hướng đào tạo liên thông, tư vấn tâm lý, gỡ rối hướng nghiệp - TS Phạm Mạnh Hà, khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội; - ThS Phạm Như Nghệ, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT; - Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hải Phòng; - Thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an); -Đại tá - ThS Nguyễn Văn Phùng, phó trưởng phòng đào tạo Học viện Hậu cần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận