26/06/2012 02:20 GMT+7

Đất có về tay dân nghèo?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Vấn đề thật sự đằng sau “cuộc đảo chính” phế truất tổng thống Fernando Lugo của Quốc hội Paraguay chính là bất công xã hội khi mà 80% đất đai của đất nước Nam Mỹ này nằm trong tay của 1% địa chủ!

Tổng thống Paraguay bị truất quyềnParaguay bị cô lập vì phế truất tổng thống

BreHGk8k.jpgPhóng to

Nông dân Paraguay biểu tình phản đối tân Tổng thống Franco - Ảnh: Reuters

Cựu giám mục Thiên Chúa giáo Fernando Lugo, được bầu làm tổng thống năm 2008, đã chấm dứt 61 năm cầm quyền của Đảng Colorado, trong đó có 35 năm khủng khiếp dưới thời tướng Alfredo Stroessner. Người dân Paraguay đã gọi ông là “chiến sĩ bảo vệ dân nghèo” khi ông cam kết sẽ chống tham nhũng, xóa nghèo và ưu tiên phân phối lại ruộng đất cho người dân. Việc ông bị phế truất xem như đã kết thúc những hi vọng được nhìn thấy cuộc cải cách ruộng đất ở một đất nước bất công nhất tại Nam Mỹ. “Đơn giản là ông đã không có được sự hậu thuẫn cần thiết” của quốc hội do Đảng Colorado kiểm soát, như Dario Acosta (một nông dân 50 tuổi) nói.

Và chuyện phải đến đã đến. Thảm kịch ngày 15-6 đã đánh dấu chấm hết đối với ông Lugo sau bốn năm cầm quyền.

Một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và nông dân chiếm đất nổ ra ở trang trại rộng 2.000ha của chính trị gia Đảng Colorado Blas Riquelme, cựu thượng nghị sĩ và là một doanh nhân giàu có. Khoảng 150 nông dân không có đất đã chiếm giữ một phần khu trang trại ở thị trấn Curuguaty. Lực lượng cảnh sát đã xông vào trục xuất họ, các nông dân đã bắn trả. 11 nông dân và sáu cảnh sát thiệt mạng. Các chính trị gia Đảng Colorado, trong đó có Riquelme, cáo buộc các nhóm cánh tả do ông Lugo đứng sau đã cung cấp vũ khí cho nhóm nông dân nổi loạn này. Cảnh sát cáo buộc nhóm nông dân này đã chủ động tấn công, trong khi các nông dân lại khẳng định họ chỉ tự vệ khi bị cảnh sát xông vào đánh đập.

Thượng viện do Đảng Colorado kiểm soát đã nhanh chóng bỏ phiếu phế truất tổng thống vì tội “xử lý kém” vụ việc. Việc phế truất diễn ra chỉ trong 48 giờ và được mô tả là “một cuộc đảo chính của quốc hội”.

1% địa chủ kiểm soát 80% đất đai

“Nếu Paraguay tiếp tục đối diện với tình trạng tích tụ đất đai quá mức thì sẽ có rất nhiều cuộc khủng hoảng như vậy tiếp tục nổ ra” - tạp chí Time dẫn lời nhà báo Mabel Rehnfeldt của nhật báo ABC, một trong những phóng viên điều tra nổi tiếng nhất ở Paraguay.

Kể từ đầu thế kỷ 20, Paraguay là một trong những quốc gia có tình trạng bất công nghiêm trọng nhất Nam Mỹ. Dưới thời tướng Stroessner (nắm quyền từ năm 1954 đến 1989), các chính trị gia Đảng Colorado cùng gia đình, thân hữu đã chiếm đất vô tội vạ. Ở Paraguay, người ta nói các địa chủ nắm giữ đến 530.000km2 đất trong khi diện tích đất đai của nước này chỉ có 410.000km2!

Theo Liên đoàn Nông dân quốc gia (FNC), hiện 1% địa chủ giàu có và đầy quyền lực đang kiểm soát tới 80% đất nông nghiệp. Paraguay là nước xuất khẩu đỗ tương lớn thứ tư thế giới, nhưng nông dân chẳng được lợi lộc gì từ xuất khẩu đỗ tương. Chính vì vậy, các phong trào nông dân chiếm lại đất đai đã bị cướp từ tay địa chủ nổ ra khắp Paraguay, có khi là những cuộc đấu tranh bằng vũ lực.

Trên những mảnh đất thuộc quyền kiểm soát của giới nhà giàu, nông dân Paraguay làm cật lực với mức lương chưa đến 8 USD/ngày. “Những nông dân không có đất như chúng tôi chỉ hi vọng sẽ có ngày được sở hữu một mảnh đất, xây một ngôi nhà nhỏ, thiết lập một trang trại nhỏ” - AFP dẫn lời nông dân Martina Paredes, 33 tuổi, có hai em trai thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở Curuguaty.

Mất một đồng minh

Nhà phân tích chính trị và là giám đốc Viện nghiên cứu dư luận Francisco Capli cho rằng với việc ông Lugo bị phế truất, những nông dân không có đất ở Paraguay đã mất đi “một đồng minh chiến lược dù ông hầu như đã chẳng làm được gì” trong bốn năm cầm quyền, chủ yếu là do “thiếu sự hậu thuẫn của quốc hội”.

Các nông dân nghèo đang lo ngại sau khi ông Lugo bị lật đổ, Đảng Colorado sẽ mở chiến dịch đàn áp nông dân. “Họ sẽ báo thù và nông dân nghèo sẽ phải lãnh đủ trước những đòn sấm sét” - nông dân Dario Acosta lo lắng.

Jose Rodriguez, lãnh đạo phong trào nông dân không có đất ở Paraguay, tuyên bố sẽ mở chiến dịch gây sức ép buộc quốc hội phải đưa ông Lugo trở lại ghế tổng thống. “Chính phủ hiện tại là sản phẩm của cuộc tấn công từ quốc hội. Đối với chúng tôi, tổng thống vẫn là ông Lugo. Chúng tôi muốn ông ấy quay trở lại” - ông Rodriguez khẳng định.

Trong cuộc họp báo đầu tiên tối 22-6, ngay sau khi chính thức nhậm chức tổng thống, ông Federico Franco, đồng minh cũ của ông Lugo nhưng đã phản lại ông, nhìn nhận “tình hình (đất đai) đã rất khủng khiếp” và hứa hẹn sẽ “tìm ra giải pháp mới cho những vấn đề cũ”, nhưng không nêu rõ những giải pháp đó là gì.

Giới quan sát dự báo những cuộc đụng độ đẫm máu vì đất đai sẽ tiếp tục nổ ra ở Paraguay.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên