Phóng to |
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vỡ đập. Ảnh nhỏ: một phần đường dẫn nước bị vỡ lộ ra các kết cấu bêtông cốt thép bên trong Ảnh: B.Đ. |
Ông Bạch Đức Quang, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai - chủ đầu tư, cho biết sáng 13-6 ông đã gửi báo cáo khẩn tới các đơn vị chức năng tại tỉnh Gia Lai để báo cáo sự việc.
"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi chân thành xin lỗi đã gây ra những thiệt hại này. Cũng may là thời điểm vỡ đập xảy ra vào rạng sáng, chứ không thì không biết thế nào. Doanh nghiệp cam kết sẽ đền bù thiệt hại. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác cùng các cơ quan chức năng sớm kết luận nguyên nhân sự việc để sớm khắc phục lại công trình" Ông Bạch Đức Quang |
Về nguyên nhân sự việc, ông Quang cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra kỹ và xác định lý do dẫn đến việc vỡ đập là do sau khi lắp đặt xong đường ống dẫn nước ở đáy chân đập, lượng xe tải có trọng tải lớn qua lại nhiều trên thân đập đã gây ra những dư chấn nhất định. Để tạo độ chắc cho thân đập, chúng tôi sử dụng nhiều xe lu có công suất lớn (áp lực nén khoảng 35 tấn) nén đất trên thân đê, chính áp lực này trong quá trình dồn nén đã khiến đường ống bị rạn nứt, nước thấm vào và dẫn đến việc vỡ đập”.
Cũng theo ông Quang, đường ống dẫn nước được đổ trực tiếp xuống mặt đất bằng kết cấu bêtông cốt thép, đường ống có hình chữ nhật với bề rỗng mỗi chiều khoảng 3,5m, bề dày của vỏ ống dẫn này khoảng 35-40cm. “Chúng tôi nghĩ thiết kế như vậy là đảm bảo an toàn rồi nhưng không ngờ được sự việc nói trên” - ông Quang nói.
Trước câu hỏi về việc giám sát thi công lỏng lẻo, thiếu kiểm soát đã phát sinh những lỗi để không kiểm soát được, ông Quang cho rằng “việc giám sát được thực hiện chặt chẽ” nhưng “đơn vị thi công không tiên liệu được việc thành đập sẽ bị nứt”. “Phần thân đập rất lớn, trong khi đó thành đường ống chỉ dày 35-40cm, như vậy có đảm bảo an toàn?”. Ông Quang cho biết: “Tất cả các thiết kế chịu tải đã được tính toán kỹ lưỡng”.
Trong khi đó theo báo cáo của Sở Xây dựng Gia Lai: “Vào thời điểm 3g sáng ngày 12-6, đập thủy điện Ia Krêl bị vỡ một đoạn thân đập khoảng 40m, lượng nước chứa trong lòng hồ tràn về vùng hạ du. Đoạn thân đập bị vỡ khoảng 40m dọc mặt đập, bề mặt đập xuất hiện ba vết nứt ngang, một số điểm sụt lún bề mặt. Cống dẫn dòng bêtông cốt thép, miệng cống phía thượng lưu không thấy dấu hiệu biến dạng, chuyển vị; phần nắp dọc thân cống bị phá vỡ kết cấu bêtông cốt thép, phần cuối cống khoảng 10m bị cắt rời, đẩy trôi về hạ lưu. Mái thượng lưu, hạ lưu gần đoạn đập vỡ bị phá hủy, sụt lún”.
Về nguyên nhân sự cố, Sở Xây dựng Gia Lai nhận định tại đập tràn cao trình mực nước ở thời điểm xảy ra sự cố cách đỉnh tràn (cao trình 203m) khoảng 1,6m, tức là ở cao trình khoảng 201,4m, mực nước này thấp hơn mực nước chết. Do đó, yếu tố vỡ đập do lưu lượng tích nước vượt quá thiết kế được loại trừ.
Địa phương cấp phép và có trách nhiệm giám sát Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc đập thủy điện Ia Krêl ở Đức Cơ, Gia Lai bị vỡ, lộ chất lượng có vấn đề, ông Đỗ Đức Quân - vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương - cho biết dự án thủy điện Ia Krêl là thủy điện nhỏ, công suất thiết kế dưới 30MW nên do địa phương quy hoạch và quyết định cấp phép. Việc dư luận đặt câu hỏi chất lượng thủy điện có vấn đề, ông Quân cho rằng theo quy định hiện nay, sở xây dựng ở địa phương sẽ phải giám sát chất lượng công trình. Để công trình xảy ra sự cố vỡ đập có trách nhiệm của chủ đầu tư, nhưng ông Quân cho biết trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai sẽ còn cần phải xem xét tiếp xem tư vấn giám sát và chủ đầu tư đã thực hiện các quy định như thế nào. C.V.Kình |
Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI: May mà không thành thảm họa Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nói như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl. Ông Hải nói: - Đây không phải mùa lũ mà lại có chuyện như thế, chứng tỏ là thi công rất ẩu. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm. Hiện các cơ quan chức năng đã triển khai ngay việc kiểm tra kỹ các vấn đề liên quan tại hiện trường. Đây là đập đất đá, nhưng không phải vì vậy mà có vấn đề chất lượng, đập đất đá thì phải thi công theo đúng quy chuẩn của đập đất đá. Đây là một sự cố lớn, tuy không xảy ra thiệt hại về người nhưng đó là may thôi, nếu không thì sẽ trở thành thảm họa, cho nên phải rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc và xử lý nghiêm. Trên cơ sở đó các bộ ngành và địa phương tiếp tục kiểm tra, kiểm soát kỹ các dự án. Thật ra các đập nhỏ là đáng lo hơn vì thường có sự chủ quan, còn đập lớn thì hệ thống kiểm tra, kiểm soát cẩn thận hơn, cho nên cần phải rất lưu ý đập nhỏ. Mấy mùa lũ trước thì một số đập nhỏ cũng đã vỡ. * Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố về thủy điện, phải có giải pháp căn cơ nào, thưa Phó thủ tướng? - Thực tế mấy năm nay Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, Quốc hội cũng rất quan tâm, gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng có báo cáo về thủy điện. Năm nay Bộ Công thương vừa mới báo cáo một chương trình về thủy điện, cuối năm ngoái Bộ Xây dựng báo cáo chương trình đi kiểm tra an toàn tất cả các hồ đập, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc có giám sát về thủy điện hay không. Thực tế những việc đó đã được các cấp từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương hết sức quan tâm. Làm gian, làm ẩu ở đâu cũng có, nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thì nó vẫn có khả năng xảy ra. Cái chính là chúng ta phải nhìn được, phát hiện thấy nó để nó không xảy ra thảm họa. Các sự cố công nghiệp khi xảy ra, nếu dẫn đến thảm họa thì lúc đó không còn cơ hội để rút kinh nghiệm nữa. * Các cấp, các ngành quan tâm mà vẫn xảy ra sự cố, phải chăng do thủy điện phát triển ồ ạt quá, vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương và thậm chí cả với trung ương? - Thủy điện phát triển không đồng đều giữa các địa phương, có địa phương nhiều, nơi ít hơn, cũng có thể vượt quá sức quản lý. Việc này theo năng lực của địa phương. Đối với việc phát triển các hồ thủy điện, thủy lợi, ngay như tại kỳ họp này chúng ta cũng thấy đại biểu phản ảnh địa phương họ đang rất cần các hồ thủy lợi để lấy nước cho sản xuất nông nghiệp. Chúng ta là một quốc gia thiếu nước, nên việc xây dựng các hồ chứa nước vẫn phải làm. Chúng ta có nhu cầu, tuy vậy không có nghĩa là mình làm bừa, làm lấy được mà phải bảo đảm an toàn tối đa. V.V.Thành ghi |
____________
Tin bài liên quan:
Xác định nguyên nhân vỡ đập thủy điện khủng khiếp ở Gia LaiĐập thủy điện vỡ toang, dân hạ lưu "tưởng chết rồi"Khẩn cấp điều tra nguyên nhân vỡ đập Ia KrêlVỡ 40m đập thủy điện ở Gia Lai, hoa màu chìm trong nước
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận