Ngày 21-12, trên mạng xã hội xôn xao và có nhiều tranh cãi xoay quanh đáp án đề kiểm tra chính thức cuối học kỳ 1 của môn ngữ văn lớp 12 tại tỉnh An Giang.
Theo đó, ngày 19-12, học sinh lớp 12 tỉnh An Giang làm bài kiểm tra môn ngữ văn cuối học kỳ 1 năm học 2023-2024.
Trong phần đọc hiểu có tổng 3 điểm, các thí sinh được yêu cầu đọc bài thơ "Đêm nghe Dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo" của cố nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Sau đó trả lời 4 câu hỏi, trong đó có câu hỏi bài thơ được viết theo thể thơ nào? (0,75 điểm), Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì? (0,75 điểm)… Ở phần ghi chú trong đề cũng ghi rõ Dạ cổ hoài lang là một bản nhạc cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác.
Đáp án sau đó ghi "Dạ cổ hoài lang là bài ca cổ nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm" và bài "Đêm nghe Dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo" có thể thơ là tự do/lục bát cách điệu.
Đáp án này sau đó bị các phụ huynh học sinh, nhà văn, giảng viên và cư dân mạng bàn tán xôn xao, tranh cãi kịch liệt. Nhà văn, giảng viên Trương Chí Hùng cho biết đề thi và đáp án cần làm cẩn trọng và chính xác.
Ông Hùng cho rằng đề thi ngữ văn ngày 19-12 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang có phần lớn ý kiến lăn tăn đều nằm trong phần đọc hiểu. Bản thân ông cũng thấy đáng băn khoăn.
Theo ông, bài thơ "Đêm nghe Dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo" có đáp án là thể thơ tự do/lục bát cách điệu đã gây hoang mang cho thí sinh. Bởi đa số học sinh lớp 12 được dạy xác định thể thơ bằng cách "đếm chữ" ở từng câu.
Với một bài thơ mà có câu 1 chữ, có câu 2 chữ, có câu 4, câu 5 chữ như thế này thì các em khẳng định ngay đó là thể thơ tự do. Thêm lục bát cách điệu dễ gây nhầm lẫn.
Thứ hai, đáp án Dạ cổ hoài lang là bài ca cổ nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm dường như là chưa chính xác. Bởi trong cụm từ "Dạ cổ hoài lang", theo phép giải nghĩa "chiết tự" thì ta có "dạ" là ban đêm, "cổ" là trống/tiếng trống; "hoài" là nhớ; "lang" là chồng.
Giải thích đại ý cả cụm từ này là "trong đêm nghe tiếng trống (nên) nhớ chồng". Nhưng đáp án của Sở Giáo dục và Đào tạo sai ở chỗ cho rằng "dạ cổ" là "bài ca cổ trong đêm. "Cổ" ở đây bị biến thành "bài ca cổ".
Ở phần làm văn, ông Hùng cũng phân tích thêm, ở câu 1 yêu cầu học sinh dựa vào văn bản đọc hiểu để viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về bài Dạ cổ hoài lang là một yêu cầu có phần "đánh đố". Vì đa số học sinh bây giờ không biết bài Dạ cổ hoài lang.
Hai là theo ý kiến của giáo viên dạy ngữ văn 12, cấu trúc của đề thi lớp 12 (ma trận) thì câu này phải là câu nghị luận xã hội. Đề này lại yêu cầu kiểu bài "phát biểu cảm nghĩ", nghĩa là hướng dẫn ôn tập một đằng lại ra đề một nẻo. Tóm lại, một đề thi và đáp án như vậy có bất ổn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Tuấn Khanh - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang - cho biết đã nắm được dư luận trên mạng về đề kiểm tra ngữ văn lớp 12 vừa qua. "Đề và đáp án là đúng hướng, nhưng lúc làm có phát sinh thêm một số hướng ngoài đáp án. Sở sẽ xử lý phù hợp cho học sinh", ông Khanh nói.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đang làm báo cáo sự việc gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, đồng thời sẽ cung cấp việc xử lý cụ thể cho báo chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận