Phóng to |
Theo số liệu điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở 63.000 DNVVN, có tới 55,63% số chủ DN có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó có 43,3% số chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.
Nói cách khác, đa số chủ DN học vấn và chuyên môn nghiệp vụ thấp và đặc biệt là rất ít chủ DN được đào tạo cơ bản các kiến thức về quản trị kinh doanh.
Các DNVVN ở nông thôn chủ yếu sử dụng lao động của bản thân và gia đình. Hơn nữa trình độ tay nghề, học vấn của lao động ở khu vực này rất thấp. Số người có trình độ trung cấp trở lên chỉ chiếm 9,8%; số người là nghệ nhân trong các làng nghề chiếm 0,06%.
Theo điều tra thị trường lao động của Tổng cục dạy nghề, trong các DN được điều tra, số lao động được gọi là có trình độ cao và lao động lành nghề chỉ chiếm khoảng 23%, trong đó ở các DNVVN là 25%. Khả năng thích ứng và khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm của người lao động trong các DNVVN còn thấp. Mặt khác, người lao động lành nghề và cả lao động quản lý, khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ còn yếu, nên gặp nhiều khó khăn trong hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Bạch Hồng, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh của các DNVVN, ngoài việc nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ chủ DN, tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, các DN phải chú trọng đào tạo nguồn lao động trình độ cao, lành nghề.
Giải pháp phát triển đào tạo lao động trình độ cao, lao động lành nghề cho các DNVVN là: Phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa bao gồm (cơ sở đào tạo nghề công lập, ngoài công lập và cơ sở đào tạo nghề thuộc các DN); Tập trung đầu tư xây dựng, hiện đại hóa một số trường dạy nghề để đến năm 2010 có 40 trường dạy nghề chất lượng cao, trong đó có 3 trường (ở ba vùng kinh tế trọng điểm) đạt trình độ tiên tiến trong khu vực;
Khuyến khích phát triển cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập, tại các DN và cở sở đào tạo nghề có vốn đầu tư nước ngoài… Đa dạng hóa cấp độ đào tạo theo nhu cầu sử dụng của DN theo 3 trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Đây là cơ sở để đào tạo ra những lao động có trình độ cao, lao động lành nghề đáp ứng các nhu cầu của các DN và của các ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó là mở rộng quy mô và loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nguyện vọng học tập suốt đời của người lao động; đồng thời với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề để cung cấp lực lượng lao động trình độ cao, lao động lành nghề cho các DNVVN, cần chú trọng đào tạo lao động lành nghề ở một số ngành mà các DNVVN có nhu cầu cao là tài chính, kế toán; công nghệ thông tin, quản lý nhân lực… Gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng và với việc làm của các DNVVN;
Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa DNVVN và cơ sở dạy nghề trong từng địa bàn, từng khu vực, thông qua các hợp đồng cung ứng lao động, kế hoạch học tập tại trường và thực tập tại các DNVVN… Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý nhằm tạo ra bước đột phá trong lính vực đào tạo nghề, đáp ứng được sự phát triển của các DNVVN, đồng thời thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động để thường xuyên nắm bắt nhu cầu lao động, trong đó có lao động trình độ cao, lao động lành nghề theo từng nghề, từng nhóm cụ thể của các DNVVN để kịp thời có kế hoạch đào tạo, cung ứng lao động phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận