03/11/2016 10:06 GMT+7

Đào tạo bác sĩ đa khoa 
theo chương trình mới

TRẦN HUỲNH thực hiện
TRẦN HUỲNH thực hiện

TTO - Khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa công bố việc đã xây dựng xong năm 1 chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa mới, dựa trên năng lực, và bắt đầu triển khai giảng dạy trong năm học 2016-2017.

Một giờ học của sinh viên khoa y tại giảng đường thông minh Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Một giờ học của sinh viên khoa y tại giảng đường thông minh Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, PGS.TS Vũ Minh Phúc, phó trưởng khoa thường trực khoa y của trường, cho biết:

- Với chương trình cũ, đào tạo bác sĩ ra trường xã hội chưa hài lòng, qua rất nhiều vấn đề xảy ra với ngành y trong thời gian gần đây. Chương trình mới này theo đúng chủ trương của Bộ Y tế là đào tạo bác sĩ đa khoa dựa trên chuẩn năng lực. Với chuẩn năng lực này, người bác sĩ ra trường không chỉ có kiến thức mà thực hành các kỹ năng cũng phải giỏi, thái độ tốt với người bệnh và đồng nghiệp.

Chương trình sẽ tập trung nhiều hơn việc giảng dạy y đức và tính chuyên nghiệp cho sinh viên, giúp họ có thái độ tốt với người bệnh và có trách nhiệm với cộng đồng trong hành nghề y sau này. Như vậy, có thể xem đây là dấu mốc lịch sử trong đổi mới đào tạo và giáo dục y khoa

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Đưa sinh viên đến các trạm y tế

* Chương trình đào tạo mới này khác và có ưu điểm gì so với chương trình trước đây?

- Chương trình có ba đặc điểm chính: thứ nhất, dạy tích hợp. Theo đó, cùng một lúc sinh viên vừa được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ví dụ, trước đây khi sinh viên được học về bệnh ung thư phổi thì giảng viên chỉ dạy những nguyên nhân dẫn đến bệnh này và cách điều trị. Nhưng với chương trình mới, sinh viên sẽ được dạy thêm cách tham vấn cho người bệnh.

Tính tích hợp thể hiện qua việc sắp xếp cấu trúc chương trình theo hướng tích hợp, để sinh viên có thể áp dụng kiến thức khoa học cơ bản vào trong việc giải quyết các vấn đề thực tế trên bệnh nhân. Tính tích hợp biểu hiện qua phương pháp dạy lấy sinh viên làm trung tâm (chia nhóm sinh viên thảo luận tình huống thực tế). Trước đây, nhà trường chủ yếu đưa sinh viên vào các bệnh viện lớn, nhưng với chương trình mới, nhà trường sẽ đưa sinh viên đi lâm sàng sớm, đưa ra cộng đồng, đến các trạm y tế.

Chương trình thực hiện việc lượng giá sinh viên theo hướng tích hợp. Với cách này, sinh viên không chỉ thuộc bài là đạt mà đòi hỏi họ phải có năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ để giải quyết vấn đề. Thứ hai là tính nhân văn, y đức và tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc.

Trước đây vấn đề y đức sinh viên cũng được học, nhưng chủ yếu là lý thuyết, nay giảng viên đặt ra tình huống yêu cầu sinh viên xử lý. Sinh viên phải vận dụng hiểu biết về y dược, kiến thức xã hội, kỹ năng nghề nghiệp để giải quyết tình huống đó. Thứ ba, sinh viên có nhiều cơ hội nghiên cứu khoa học sớm từ năm thứ ba, với việc tham gia các dự án học thuật.

* Chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa kéo dài đến sáu năm, nhưng hiện trường mới xây dựng xong một năm. Tại sao trường không xây dựng chương trình toàn khóa mà lại thực hiện việc này theo từng năm?

- Hiện nay các trường ĐH lớn của Mỹ vẫn thực hiện việc thay đổi chương trình đào tạo hằng năm. Nếu phải đợi nhà trường xây dựng đủ chương trình của sáu năm thì chương trình đổi mới đã trở nên lạc hậu.

Nhà trường đã công bố khung chương trình đào tạo mới và chuẩn đầu ra của sinh viên trên website trường. Theo đó, khung chương trình đào tạo mới này vẫn theo khung của Bộ GD-ĐT, nhà trường chỉ thay đổi cấu trúc cho hợp lý hơn ở những môn học liên quan tới lĩnh vực y khoa.

Các thông tin chi tiết nội dung bài học của từng năm, nhà trường đang xây dựng trong quá trình đào tạo. Chương trình đổi mới sẽ được thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, bắt đầu từ năm nhất và hoàn tất trong vòng sáu năm.

* Nhà trường áp dụng chương trình đào tạo mới, nhưng giảng viên vẫn là những người cũ. Liệu các giảng viên có đáp ứng được mục tiêu của chương trình mới?

- Nhà trường đòi hỏi giảng viên phải thay đổi chủ yếu là kỹ năng và thái độ giảng dạy. Để hỗ trợ giảng viên việc này, nhà trường mời các chuyên gia của Trường Y Harvard sang tập huấn hai năm/lần.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đưa vào sử dụng các giảng đường thông minh, với nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại, giúp giảng viên dễ dàng tương tác với sinh viên và thuận tiện áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Các phòng thí nghiệm hiện đại cũng sẽ dần được đầu tư thay mới, tạo hiệu quả giảng dạy tốt hơn cho giảng viên.

Nhà trường đã hợp tác với các chuyên gia đến từ Trường Y Harvard (Hoa Kỳ) và khoa y Trường ĐH Geneva (Thụy Sĩ) để xây dựng chương trình, tập huấn thay đổi phương pháp giảng dạy.

Nhà trường cũng đưa giảng viên sang học tập kinh nghiệm ngắn hạn tại Trường Y Harvard, và trường bạn cũng cử chuyên gia sang VN để hỗ trợ nhà trường. Các chuyên gia hàng đầu của Trường Y Harvard còn làm việc thường xuyên với giảng viên ĐH Y dược TP.HCM qua mạng...

Sinh viên sẽ được huấn luyện kỹ hơn

* Thực tế hiện nay sinh viên y đa khoa có ít cơ hội thực hành lâm sàng, vì thế kỹ năng và năng lực khám chữa bệnh của các bác sĩ mới ra trường rất hạn chế. Chương trình đào tạo mới sẽ khắc phục việc này ra sao?

- Một trong những điểm yếu của sinh viên y đa khoa cần phải thay đổi là năng lực thực hành. Trước đây, sinh viên ít có cơ hội thực hành do quá đông sinh viên, trong khi giảng viên hướng dẫn lại ít. Vì vậy, giảng viên không theo dõi được năng lực của tất cả sinh viên để huấn luyện kỹ.

Hiện nay, các chương trình thực hành được nhà trường xây dựng rất kỹ, với những nội dung chi tiết từng năm, khi sinh viên đến bệnh viện phải có được những năng lực gì. Sau đó, sinh viên sẽ được huấn luyện kỹ hơn.

Đồng thời, nhà trường cũng huấn luyện người hướng dẫn sinh viên tại bệnh viện. Theo đó, không chỉ giảng viên cơ hữu của trường được huấn luyện, mà trường đang ký kết với các trạm y tế phường, xã để huấn luyện luôn cho những cán bộ y tế tại các đơn vị này.

Nhà trường đã chọn được năm bệnh viện tuyến quận và hơn 20 trạm y tế chuẩn. Sinh viên sẽ được thực hành nhiều hơn ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, đảm bảo số lượng sinh viên mỗi nhóm ít nhất có thể, để người hướng dẫn có thời gian chăm sóc, hướng dẫn sinh viên được nhiều hơn.

* Nguyễn Thị Như (sinh viên ngành y đa khoa khóa 2016):

Tôi rất thích thú với chương trình mới

Dù chỉ mới bắt đầu học chương trình mới, nhưng tôi đã cảm thấy thích thú với phương pháp học mới rất hiện đại này. Đặc biệt, với e-learning khi đến lớp giảng viên chỉ tổng hợp lại các kiến thức và giảng lại những phần sinh viên chưa hiểu. Sau buổi học đều có phần thảo luận nhóm, hoặc trắc nghiệm nhanh kiến thức vừa học.

Với cách học này, sinh viên không còn thấy buồn ngủ hay nhàm chán trong giờ học. Đối với sinh viên ngành y, việc thực tập, thực hành kỹ năng khám chữa bệnh rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn được sớm hướng dẫn, tiếp xúc với môi trường bệnh viện ngay từ những năm đầu tiên.

* Trần Hồng Nhung (sinh viên ngành y đa khoa khóa 2016):

Chúng tôi cảm thấy may mắn

Với việc bố trí chương trình học như vậy, tôi thấy mình dễ dàng tiếp cận kiến thức các môn học một cách xâu chuỗi, có hệ thống và dễ hiểu hơn. Tất cả bài giảng và tài liệu tham khảo của các môn học đều được giảng viên đưa lên mạng, để sinh viên tham khảo trước khi đến lớp. Nhờ được tham khảo nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, sinh viên tiếp cận được nhiều kiến thức y khoa mới.

TRẦN HUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên