Phóng to |
Theo tôi, bên cạnh việc rà soát chất lượng tour tuyến của các đơn vị lữ hành, các đơn vị hoạt động du lịch (công ty du lịch, khách sạn...) nên phổ biến Luật du lịch và đạo đức kinh doanh cho nhân viên của mình. Vì cốt lõi của vấn đề là đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp du lịch: phong cách phục vụ, chính sách quản lý chất lượng. Đây là điều các doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm đúng mức.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp vì muốn có lợi nhuận cao đã giảm bớt các dịch vụ mà du khách đáng ra phải được hưởng. Còn đối với không ít hướng dẫn viên du lịch, công tác phí của các doanh nghiệp trả cho họ không đủ sống nên họ buộc phải “mưu sinh” bằng cách gửi khách lấy hoa hồng và xem du khách là “bầu sữa” để nuôi sống họ. Mặt khác, vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà xe...
Vào dịp lễ, tết, trường hợp các khách sạn từ chối không bán giá hợp đồng cho hãng lữ hành mà giữ phòng chờ khách lẻ đến bán với giá công bố để hưởng lợi nhuận cao là chuyện diễn ra như cơm bữa. Khi ấy, dẫu các hãng lữ hành có “xin” được phòng thì giá tour cũng tăng cao và thiệt hại cuối cùng vẫn là du khách.
Để thể hiện hình ảnh đẹp của VN đối với du khách và vì sự phát triển bền vững của du lịch VN, thiết nghĩ các đơn vị kinh doanh du lịch nên ý thức về vấn đề đạo đức kinh doanh và thắt chặt hệ thống quản lý chất lượng hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận