30/06/2013 10:43 GMT+7

Đạo diễn Thế Ngữ: Để cười từ nhà ra phố

QUANG THI
QUANG THI

TT - Ðời người sống đến tuổi thất thập cổ lai hi hẳn có nhiều câu chuyện kể. Ðối với đạo diễn Thế Ngữ, vở kịch ly kỳ nhất đời ông hẳn là câu chuyện gần 60 năm làm nghệ thuật vẫn nghèo rạc, bỗng chốc phất đời vì một lý do chẳng liên quan gì đến nghề nghiệp...

SpuUTRUC.jpgPhóng to
Đạo diễn Thế Ngữ - Ảnh: Tr.T.D.
4FoUjgUW.jpgPhóng to
Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Nguyễn Sanh (từ trái qua) trong một tiết mục Trong nhà ngoài phố - Ảnh: N.C.

Bây giờ hỏi Thế Ngữ đã làm bao nhiêu chương trình sân khấu thì ngay bản thân ông cũng không nhớ nổi. Có người tìm đến ông để thống kê xác lập kỷ lục ông cũng xua tay, không đếm được. Hơn nữa, lão đạo diễn cũng ngại chuyện "kỷ lục" này lắm. Tính ra ông làm sân khấu truyền hình từ năm 1971, ngay từ những ngày đầu Ðài truyền hình VN manh nha thành lập. Năm 1973 ông đoạt giải thưởng chính thức về kịch bản của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN (NSSK). Vào những năm 1980, những chương trình truyền hình nổi tiếng khắc vào tâm khảm người xem một thời như Trong nhà ngoài phố, Chuyện đời thường, Táo quân... của Ðài truyền hình TP.HCM cũng gắn liền với tên tuổi Thế Ngữ và đạo diễn Trần Văn Sáu.

Lý lịch... đã gạt ông ra

Thế Ngữ kể ông được sinh ra trong gia đình có 14 anh em. Cha ông làm kỹ sư cầu cống thời Pháp, hễ Việt Minh phá cầu ở đâu là Pháp điều cha ông đến dựng lại cầu ở đó. Chính cái lý lịch này khiến tuổi trẻ của ông bị gạt khỏi trường đại học. Xuống thi trung cấp ông cũng rớt, không phải vì điểm số mà do lý lịch. Song vì chàng tuổi trẻ Thế Ngữ lúc ấy rất ngưỡng mộ những nhà văn được đào tạo từ trường đời như M.Gorki, Nguyên Hồng... nên vẫn hăm hở đăng ký làm công nhân tuyến đường sắt Nghệ An - Thanh Hóa. "Ban ngày làm cu li đường sắt mệt thật, nhưng đêm vẫn viết. Vì không viết thì buồn lắm!" - Thế Ngữ nhớ lại những ngày ấy.

Một hôm, ngành đường sắt thi diễn văn nghệ, Thế Ngữ viết kịch dựng cho đơn vị rồi đi thi. Ai ngờ tiết mục của ông đoạt giải nhất. Kỷ niệm đáng nhớ này của Thế Ngữ gắn liền với người thầy Thế Lữ: "Lúc ấy, nhà thơ Thế Lữ làm trưởng ban giám khảo có hỏi: "Cậu nào viết kịch này là có nghề đấy!". Có thể nói ông là người thầy đã phát hiện tôi. Cũng vì quý mến tôi mà nhà thơ Thế Lữ và nhà thơ Lưu Trọng Lư - tổng thư ký Hội NSSK - còn giúp đỡ tôi qua nhiều phen lận đận sau này".

Nhờ người thầy Thế Lữ giới thiệu, Thế Ngữ được học lớp biên kịch đầu tiên do Hội NSSK tổ chức, cùng những nhà viết kịch như Xuân Trình, Tất Ðạt... Thế Lữ và Lưu Trọng Lư còn xin giúp ông vô đội văn công tiền tuyến của quân đội. Nhưng một lần nữa, lý lịch lại gạt ông ra.

Thế Ngữ được lầm ra... Thế Lữ!

* NSND Hồng Vân:

Anh Thế Ngữ là người tạo ra tôi!

Đối với khán giả, anh Thế Ngữ là đạo diễn của những chương trình truyền hình ăn khách nổi tiếng một thời như Trong nhà ngoài phố, Táo quân, Chuyện thường ngày... Còn với tôi, phải nói anh Thế Ngữ là một trong những người đã tạo ra tên tuổi Hồng Vân của ngày hôm nay. Trước đây, nhờ chất hài duyên dáng của anh trong vở Bà mất gà, ông mất nết mà tôi được nhiều khán giả biết đến. Không những tôi mà các nghệ sĩ khác như Bảo Quốc, Phú Quý, Duy Phương, Mỹ Chi... cũng chịu nhiều ảnh hưởng của anh.

* NS Phú Quý:

Sống chan chứa tình người

Với tôi thì anh Thế Ngữ là đạo diễn, tác giả như phù thủy vậy. Những kịch bản của anh chưa đưa lên sàn tập đã thấy cười rồi! Tính cách của anh trong công việc thì thẳng thắn, không vị nể. Còn trong cuộc sống anh chứa chan tình cảm, thoải mái, không lấy sự giàu có nhà cao cửa rộng mà có khoảng cách với mọi người. Chương trình truyền hình tôi theo nhiều nhất vẫn là Trong nhà ngoài phố của anh Trần Văn Sáu và anh Thế Ngữ luân phiên nhau làm. Đến lúc này nhiều khán giả cũ gặp tôi vẫn nhận ra: “Kìa, Phú Quý của Trong nhà ngoài phố đó!”. Điều đó với tôi rất vui.

Năm 1971, Hội NSSK tổ chức một đoàn nghệ sĩ phục vụ tiền tuyến. Ðoàn có mấy chục người, ngày ngày cõng balô 40-50kg tập đi bộ từ trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật (51 Trần Hưng Ðạo) lên Hồ Tây (Hà Nội) chờ ngày vượt Trường Sơn đến Hạ Lào. Ðúng ngày lên đường, bên quân đội đưa đoàn xe đến đón thật long trọng thì đoàn lúc ấy chỉ còn mỗi Thế Ngữ. Những người khác đã lẳng lặng rút hết. Năm đó, vùng Hạ Lào là nơi của chiến sự ác liệt "mùa hè đỏ lửa"!

Thế rồi, một mình Thế Ngữ cũng được bốc lên xe đưa đi. Lúc đến Hạ Lào, bộ đội chiến trường chuẩn bị đón tiếp thật đình đám, nhưng thấy mỗi mình cậu thanh niên Thế Ngữ thì họ tiu nghỉu. Hóa ra người ta nghe lầm Thế Ngữ là... Thế Lữ (!). Cuối cùng ông vẫn ở lại binh trạm 11 đường 7 vùng Hạ Lào sáu tháng, sau về Hà Nội được người thầy Thế Lữ xin vào làm sân khấu cho Ðài truyền hình VN mới thành lập. Năm 1973, Thế Ngữ được giải kịch bản chính thức của Hội NSSK VN (không phân chia thứ bậc) cùng các nhà viết kịch như Ðào Hồng Cẩm, Xuân Trình, Tào Mạt, Minh Khoa...

Năm 1975, Thế Ngữ vô Sài Gòn. Vì mê Sài Gòn mà ông "lặn" luôn một năm, khi ra lại Hà Nội bị cơ quan kỷ luật. Hai bậc trưởng thượng Thế Lữ và Lưu Trọng Lư một lần nữa ra tay "cứu vớt", đưa Thế Ngữ về Hội NSSK. Nhưng lúc đó ông nói: "Dù sao tôi cũng phải vào Nam".

Những năm 1980, khi TP.HCM phát động phong trào Tiếng cười sân khấu, Thế Ngữ nổi danh với những chương trình như Trong nhà ngoài phố, Chuyện đời thường, Táo quân... Cười cợt vui đùa đến thế nhưng đời Thế Ngữ về sau vẫn rất nghèo. Nghèo đến mức người đàn bà đầu tiên ở với ông cũng không được nên ra đi.

Ðến khi người vợ sau sinh cho ông con gái đầu, đứa bé chỉ có 1,9kg, bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Có lon sữa Liên Xô từ Hà Nội gửi vào cho cũng không dám để con uống, ông đem bán để mua nếp về nấu cháo cho con. Những diễn viên như Lê Vũ Cầu, Nguyễn Dương... chia nhau đi bắt cóc về nấu cháo cho đứa trẻ. Còn diễn viên Trần Quang, Thương Tín tìm mối quán cà phê, sạp chợ Bến Thành để ông thiết kế trang trí kiếm tiền thêm. Rồi Thế Ngữ đi bán quần áo, làm báo... cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày.

Cảm ơn đời không quyền chức!

Ðó là những năm 1990 khi cơn sốt phim video đang lên, nghệ sĩ Bảo Quốc nói với Thế Ngữ: "Anh viết được, diễn viên thành phố anh nắm trong tay, tại sao anh không làm?". Thế là ông viết kịch bản Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Bảo Quốc nhẩm tính vốn đầu tư khoảng 80 triệu đồng, nói: "Anh phân nửa, em phân nửa". Nhưng Thế Ngữ nói với Bảo Quốc: "40 triệu đồng đối với em là chuyện nhỏ, nhưng trong nhà anh gom hết không được 2 triệu đồng, chắc được khoảng 1 triệu đồng". Nói vậy nhưng tối về nhà vắt tay lên trán suy nghĩ, ông quyết định vay nóng vay nguội gom tiền làm phim.

Phim ra mùa tết, có người trả giá 400 triệu đồng nhưng nghệ sĩ Bảo Quốc không bán. Sau tết, vì nợ nần thúc ép, ông giục Bảo Quốc bán nhưng phía mua nói: "Trước tết mua 400 triệu đồng, nhưng sau tết thì mua 300 triệu đồng", thế là Thế Ngữ và Bảo Quốc quyết định bán. Sau khi chia phần, trả nợ... số tiền còn lại Thế Ngữ mua được 5 lượng vàng. Khi xuống Linh Ðông (Thủ Ðức), thấy có mảnh đất rộng mà người bán rao 5 lượng vàng, Thế Ngữ trả giá 4 lượng vàng họ bán ngay. Vậy mà có người còn nói ông mua hớ. Thế Ngữ cải tạo mảnh đất thành một không gian có ao cá, chòi tranh, giậu mùng tơi... mang hơi hướng Bắc bộ như một cõi chơi của riêng mình.

Không ngờ một nhà buôn tranh tới thấy mảnh đất rất bằng lòng, trả luôn Thế Ngữ 55 lượng vàng, 20 lượng đưa trước đặt cọc. Cầm 20 lượng vàng mà chủ nhân miếng đất không dám tin. Vài tuần sau, ông xuống thăm nhà buôn tranh hỏi là... có mua thật không(!) Người này cười nói: "Anh có ý tưởng cải tạo mảnh đất này. Bây giờ có người trả tôi 75 lượng rồi đó". Ôm 55 lượng vàng, Thế Ngữ mua 15 mảnh đất khác ở Thủ Ðức. Lúc ấy có tin đồn có vị đạo diễn đầu cơ đất đai, cần phải thanh tra. Ông sợ quá liền bán tống bán tháo rồi đầu tư chỗ khác. Thế Ngữ nhớ đó là năm 1995, đất đai đang lên cơn sốt.

Tính ra, cái số Thế Ngữ gần đến 60 tuổi mới thoát nghèo. Năm nay 75 tuổi (ông sinh năm 1938), ông bấm đốt tay tự cho quỹ thời gian đời mình còn thêm năm năm nữa. Vậy nhưng không có chuyện hưởng đời hay dưỡng lão, phòng làm việc của Thế Ngữ vẫn kín đặc lịch làm việc. Trước mắt là bộ phim truyền hình 25 tập Ông ba mươi và nàng ngựa chứng cùng cả trăm chương trình kịch ngắn truyền hình ông viết và dựng cho công ty của nghệ sĩ Hoàng Sơn. "Tôi cảm ơn đời mình không quyền chức gì, có vậy tôi làm được những việc để có tôi ngày hôm nay. Bây giờ cuộc đời chỉ còn năm năm nữa, tôi bỏ hết chuyện đất đai hay kinh doanh ăn uống, chỉ dành hết thời gian cho nghệ thuật mà thôi. Tôi làm vì cái tình với nghệ sĩ Hoàng Sơn, vì cái nghề chứ tiền bạc không còn bận tâm nữa" - ông nói vậy và nhẹ nhõm cười.

Cuộc đời Thế Ngữ đã quá nhiều nỗi đắng cay, nhọc nhằn nào cũng từng nếm trải, vậy mà dư âm của tất cả lại là những tiếng cười, để cười được từ nhà ra phố...

QUANG THI

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên