04/06/2019 11:15 GMT+7

Đạo diễn Philippe Rostan: Tôi từng xấu hổ khi quên nguồn gốc Việt

NGỌC DIỆP thực hiện
NGỌC DIỆP thực hiện

TTO - Sự chia ly với quê mẹ sau năm 1954 để lại vết thương khắc sâu trong lòng hàng ngàn người con lai Pháp - Việt. Cho đến khi đạo diễn Philippe Rostan làm bộ phim Người lạ, giống Pháp; rất nhiều người, sau nửa đời im lặng, lần đầu nói ra sự thật.

Đạo diễn Philippe Rostan: Tôi từng xấu hổ khi quên nguồn gốc Việt - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu trong phim Người lạ, giống Pháp

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với đạo diễn Philippe Rostan xung quanh những thôi thúc khiến ông làm nên bộ phim Người lạ, giống Pháp - một trong những phim tài liệu được chờ đợi nhất tại LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam năm 2019.

"Đây là bộ phim xúc động nhất trong sự nghiệp làm phim của tôi. Khi đứng trước máy quay tôi không chỉ chứng kiến giọt nước mắt của anh họ mình mà còn là giọt nước mắt của nhiều người con lai khác. Tôi đã vô cùng xúc động.

Đạo diễn Philippe Rostan:

Đạo diễn Philippe Rostan: Tôi từng xấu hổ khi quên nguồn gốc Việt - Ảnh 3.

Đạo diễn Philippe Rostan

Họ muốn kể câu chuyện của mình

* Vì sao ông quyết định làm phim về con lai Pháp - Việt?

- Khi Pháp đô hộ Việt Nam, con lai trở thành vấn đề rất phức tạp. Năm 1954 khi Pháp rút, họ mang về 45.000 đứa con lai. 

Những người mẹ Việt vì không biết tiếng Pháp đã ký vào giấy tờ từ bỏ quyền làm mẹ. Con của họ bị đưa sang Pháp và sau đó sống trong trại trẻ mồ côi. 

Những đứa trẻ đó trở thành người không quốc tịch, không giấy tờ, không bên nào thừa nhận. Mãi đến sau này Pháp mới giải quyết vấn đề quốc tịch cho con lai.

Lúc tôi làm phim, những người con lai đã 60 tuổi. Tất cả họ đều giấu kỹ quá khứ của mình với gia đình. Tôi có một người anh họ tên Goege, mẹ của anh ấy là chị em ruột với mẹ của tôi. Tôi sang Pháp có đầy đủ cha mẹ, còn anh ấy sang Pháp và không được cha thừa nhận. Từ năm 1998 tôi đã muốn làm phim về anh nhưng đến năm 2008 anh mới đồng ý.

Đối với con lai, quá khứ là một vết thương lòng rất sâu mà họ không muốn gợi lại. Nhờ Goege, tôi tìm thấy cộng đồng những người con lai. Họ đều là những người không có gia đình, tụ tập thành nhóm bạn bè thân thiết. 

Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện xúc động. Khi đứng trước ống kính, nhiều người trong số họ như trở về là đứa trẻ 5-6 tuổi bị đưa ra khỏi Việt Nam. Có người vẫn nhớ và hát bài hát mẹ đã dạy mình thời thơ ấu.

* Thách thức lớn nhất ông gặp phải khi làm bộ phim này?

- Đối với người Pháp, đây là một vết nhơ trong lịch sử họ không còn muốn nhắc tới. Tôi rất cần quân đội hỗ trợ về tài liệu, trang thiết bị cũng như tài chính, rất tiếc họ từ chối vì không muốn nhắc lại câu chuyện này. Rất may, sau đó có ông Pierre Watrin - giám đốc Đài truyền hình Pháp - đã đồng ý hỗ trợ tôi thực hiện bộ phim. Sau đó, có nhiều đạo diễn khác làm về chủ đề này.

Im lặng nhiều năm, ngày càng có nhiều người lai Việt - Pháp muốn kể câu chuyện của mình. Có rất nhiều người đã giấu nguồn gốc với chính con cái họ. Nhiều người con sau khi xem phim này lần đầu mới hiểu được gốc tích của cha mẹ mình. Anh họ của tôi đã đưa phim cho con gái, nhưng đến 6 tháng sau cháu mới dám xem bộ phim.

Từ lúc quay phim, nhiều nhân vật được hỗ trợ tìm lại cha mẹ. Có vài người về Việt Nam tìm được mẹ. Còn những người cha Pháp của họ phần đông không muốn thừa nhận con, vì giờ họ đã có gia đình.

Làm phim chính là cách tôi hiểu chính mình

* Vì sao ông quay trở lại Việt Nam?

- Hồi bé tôi được học trường Pháp ở Đà Lạt, Sài Gòn. Qua Pháp, ra ngoài đường tôi nói tiếng Pháp, về nhà tôi nói tiếng Việt với mẹ. 

Tôi đã tưởng tiếng Việt của mình khá tốt. Rồi tôi nhận được công việc làm trợ lý cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer khi ông sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ. Tôi hỗ trợ phiên dịch, nhưng đến khi đụng đến vốn từ quân đội, tôi không biết một từ nào hết. 

Sau bộ phim này, tôi quyết định quay trở lại Việt Nam học 6 tháng tiếng Việt. Cũng chính từ bộ phim này, tôi nhận thấy nhiều chủ đề để làm phim ở Việt Nam.

* Khi đặt chân đến Việt Nam, điều gì khiến ông cảm thấy được kết nối với mảnh đất này?

- Bước xuống máy bay, cảm nhận cái nóng ẩm, mồ hôi chảy ròng ròng, rồi đồ ăn thức uống... đưa tôi trở về thời thơ ấu. Ở Pháp, mọi người thường có thói quen nói "đi Paris", nhưng khi sang đó rồi tôi thỉnh thoảng vẫn quên, thay vì nói "đi Paris" thì tôi nói "đi Buôn Mê Thuột".

Tôi qua Pháp năm 11 tuổi. Có lần tôi được cha mẹ gửi đi trại hè một tháng với toàn trẻ em Pháp. Lúc về nhà, đi qua cái kiếng tôi chợt nhận ra đã quên mình là người Việt Nam. Bỗng nhiên tôi cảm thấy rất xấu hổ, bởi vì mình đã sống quá hòa đồng với người Pháp và quên mất mình là người Việt. Tôi đã giấu cha mẹ điều đó. 

Mười mấy năm sau, nói chuyện với một người chị họ, chị ấy nói cũng từng có cảm giác giống hệt tôi. Lúc đó tôi mới thấy nhẹ nhàng hơn. 

Đến giờ tôi hiểu chuyện đó bình thường thôi. Tôi đã mất nhiều thời gian để cân bằng, hòa hợp giữa hai thế giới với nhau. Làm phim chính là cách tôi hiểu chính mình.

Đạo diễn Philippe Rostan giao lưu với khán giả

Philippe Rostan có cha là một chủ đồn điền cao su người Pháp tại Việt Nam, mẹ là người Việt.

Ông rời Việt Nam sang Pháp cùng gia đình vào năm 1975, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn của Đại học Paris Vincennes.

Philippe Rostan từng thực hiện nhiều phim xoay quanh chủ đề Việt Nam như Chiếc bánh ít (2001), Nước Việt Nam thân yêu (2007), Người lạ, giống Pháp (2009), Hoa sen (2011), Chợ tình (2011)...

Bộ phim Người lạ, giống Pháp đoạt giải hình ảnh đa chiều của Trung tâm phim và hoạt hình quốc gia; giải phim xuất sắc do công chúng bình chọn tại LHP Tours năm 2010.

Phim sẽ ra mắt khán giả Hà Nội lúc 19h45 ngày 4-6 và tại TP.HCM vào 19h45 ngày 5-6 trong LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam. Đạo diễn Philippe Rostan sẽ giao lưu với khán giả sau buổi chiếu.

'Ăn ngủ' cùng Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam

TTO - Có theo sát Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam mới thấy mức độ đam mê của khán giả liên hoan phim này thật sự khác thường.

NGỌC DIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên