Đạo diễn Lê Văn Tĩnh - Ảnh: THANH HIỆP
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh sinh năm 1936 tại Phan Rang (Ninh Thuận). Ông đã sớm vào chiến khu từ năm 9, 10 tuổi. Có năng khiếu ca hát nên ông thường văn nghệ giúp vui cho các chiến sĩ.
Sau đó, ông tập kết ra Bắc rồi được đi nước ngoài tu nghiệp 6 năm chuyên ngành đạo diễn. Khi về nước, ông từng làm quản lý các đoàn Bông Hồng, Phước Chung…
Ông còn đảm trách việc giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (hiện nay là Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), từng là thầy dạy và hướng dẫn cho nhiều nghệ sĩ như Trần Ngọc Giàu, Thành Lộc, Phước Sang, Ái Như, Quyền Linh…
Nghệ sĩ Phước Sang rất đau xót khi nghe tin đạo diễn Lê Văn Tĩnh qua đời. Anh chia sẻ, với anh, đạo diễn Lê Văn Tĩnh có vị trí hết sức quan trọng. Ông là người hướng dẫn, góp phần xây dựng nên sân khấu hài 135, Hai Bà Trưng và sân khấu Kịch Sài Gòn.
"Thầy hết sức tận tình, chỉ bảo học trò từng li từng tí. Mỗi lần tập tuồng, nghệ sĩ chỉ cần ngồi ở dưới xem thầy dựng, thầy thị phạm là học được quá trời điều hay. Mỗi lần lên kế hoạch dựng vở, không bao giờ thầy đề cập tới chuyện tiền bạc, cứ nói để xong vở coi thành công tới đâu rồi tính.
Đến khi về già, dù gia đình khó khăn nhưng thầy rất tự trọng, không bao giờ nhờ vả học trò, đứa nào biết thì đến thăm chứ thầy không làm phiền ai hết!" - Phước Sang nghẹn ngào nói với Tuổi Trẻ Online.
Từ trái qua: tác giả Trương Huyền, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nghệ sĩ Quế Trân sau buổi diễn vở cải lương 'Vụ án trộm trứng gà' - Ảnh: HOÀNG DUẨN
Với đạo diễn Hoàng Duẩn, anh cho rằng phải gọi thầy Tĩnh là Vua hài dân gian Nam Bộ trên sân khấu mới xứng đáng.
"Thầy không chỉ giỏi đạo diễn mà viết kịch bản hài rất sắc bén. Cách viết của thầy hài hước, châm biếm sâu sắc, không ngại đụng chạm và rất thời sự. Thầy viết rất nhiều kịch bản cho Siêu thị cười, Chuyện bốn mùa trên truyền hình. Không chỉ viết những vở kịch dài, thầy còn viết hài kịch ngắn, kịch video.
Thầy giỏi nghề, lại còn vui vẻ, luôn giúp đỡ học trò, nhớ có thời gian thầy còn dẫn tôi, Việt Hương xuống Vũng Tàu quay cho đài truyền hình. Nhìn thầy tập trên sân khấu mê lắm, rất sung, như truyền lửa cho diễn viên vậy đó!" - Hoàng Duẩn kể.
Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Lê Văn Tĩnh đã viết và dàn dựng hàng trăm vở kịch như Vụ án trộm trứng gà, Quẫn, Hôn lễ đảo chìm, Lý Ngư vọng nguyệt, Bản tình ca quê mẹ, Cái bóng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận