08/06/2004 05:01 GMT+7

Lê Văn Tĩnh - sống giữa dân gian

HOÀI HƯƠNG
HOÀI HƯƠNG

TT - Cho dù ông làm kịch hiện đại, cho dù ông đã đổi ngược tên mình thành lạ hoắc “Vĩnh Tăng” thì nét dân gian rất đậm đà trong kịch vẫn khiến mọi người phát hiện tác giả, đạo diễn của vở diễn đích thị là Lê Văn Tĩnh.

krG7h21K.jpgPhóng to
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh và diễn viên Thúy Diệp - Ảnh: T.L.
TT - Cho dù ông làm kịch hiện đại, cho dù ông đã đổi ngược tên mình thành lạ hoắc “Vĩnh Tăng” thì nét dân gian rất đậm đà trong kịch vẫn khiến mọi người phát hiện tác giả, đạo diễn của vở diễn đích thị là Lê Văn Tĩnh.

Quả bom điếc diễn gần 20 suất nhưng suất nào cũng đông nghẹt khán giả; Chuyện đùa như thật đang làm cho 5B; bốn kịch bản phải đọc để chọn dựng cho Kịch Sài Gòn; đề dẫn chuyên môn cho Sân khấu thường thức VTV; dựng loạt kịch bốn tập Chuyện Trạng Quỳnh cho chương trình Siêu thị cười, hai tập Xóa cầu khỉ cho Chuyện bốn mùa của HTV; làm Trên vườn dưới ruộng cho BTV và giảng dạy khóa biên kịch cho cán bộ Quân khu 7...

Ông "đạo diễn bán than"...

Lê Văn Tĩnh gốc Bình Định. Cha ông là liệt sĩ hồi ông 10 tuổi và từ đó ông theo bộ đội cho đến lớn, từng du học Bulgaria, về làm chỉ đạo nghệ thuật, trưởng đoàn văn công, trưởng khoa kịch ở trường sân khấu, trưởng Đoàn kịch nói Bông Hồng, nhưng khi về hưu thì thất nghiệp không có nổi tiền cho con trai đóng học phí vào đại học, đành bấm bụng cho con theo ngành khác, chứng kiến nó vừa học vừa phải chạy xe ôm, học sửa xe gắn máy.

Từng phải bán sách mang từ nước ngoài về lấy tiền mua gạo, cho nên hiểu rằng con người ta, ngay cả những người bé mọn nhất, cũng có những hoàn cảnh riêng đưa đẩy. Từng tận mắt chứng kiến cảnh người cha bảo người mẹ nấu cháo gà mời anh chàng ăn trộm đang trốn trên mái nhà xuống ăn, rồi khuyên anh ta bỏ nghề, nếu không lỡ gặp người khác họ đánh đập thì tội, nên bản thân cũng có lần trong túi bọc theo vỏn vẹn 9.000 đồng mà biết anh chàng ngồi cạnh đang tính móc, bèn rút ra chia cho anh ta 4.500 đồng, nói “tui giữ phân nửa về xe”, khiến anh ta đã chụp số tiền bỏ chạy rồi mà còn hồi tâm quay lại dúi trả. Giờ đây, trong con hẻm lao động dưới chân cầu số 2 Bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM), nhiều người biết ông là “ông thầy đạo diễn”, nhưng cũng nhiều người chỉ biết ông là ông già nhà có bán tạp hóa và bán... than.

“Có bữa đang viết kịch bản tới đoạn giám đốc biểu nhân viên chi cả chục triệu thì thằng nhỏ hàng xóm kêu í ới: ông ơi bán con hai cục than, thế là tiêu tan ý tưởng”, ông cười. “Đạo diễn bán than” này có lẽ nhờ sống với bao nhiêu thăng trầm nên chất dân gian rất đậm đà trong tác phẩm chăng?

Chuyên trị kịch dân gian

Sống gần gũi người lao động, các vở diễn của ông đi vào khai thác sâu những mối quan hệ nhân tình thế thái, cái hài, cái cay, cái giễu. Ngay cả các mảng miếng dựng, đơn cử như miếng nhân vật ông Tám trong Quả bom điếc gần đây, lột hết những cánh cửa của sự vô cảm, cũng là để đi vào hiệu quả tâm lý hơn là hiệu quả nhìn.

* Ông không mơ những vở diễn hoành tráng trên những sân khấu hiện đại hơn sao?

- Có chứ, nhưng thực tế là điều kiện không “tới”, cho nên càng cố “hoành tráng” càng thất bại nặng. Cái cần nhất giờ đây theo tôi vẫn là đi vào chiều sâu tâm lý quần chúng, vào những vấn đề xã hội.

* Ông có ngại không khi vở diễn của mình đụng chạm tiêu cực?

- Lời đề tựa vở Lý ngư vọng nguyệt tôi đã viết: nếu xã hội mà toàn tham quan ô lại thì lấy đâu ông cha ta xây nên giang san gấm vóc ngày nay? Mà bọn tham quan ô lại, bọn sâu mọt đục khoét nhân dân thì thời nào chẳng có! Tác phẩm nghệ thuật đưa ra những liều thuốc “trị bệnh xã hội”. Mà thuốc thì không phải ai cũng chịu uống, vậy phải tạo điều kiện để người ta uống.

Cũng như đả phá là để xây, không xây thì xã hội trở lại cảnh hoang tàn. Các đề tài dân gian hay hình thức dân gian là một trong những cách nói dễ “vào” hơn. Thí dụ Quả bom điếc nếu đi vào chính kịch phê phán nặng nề lập tức sẽ thành quá sức chịu đựng.

* Quan niệm của ông về nghề nghiệp?

- Cái nghề đòi hỏi sức sáng tạo ghê gớm. Nếu không có khả năng sáng tạo thì tốt nhất đừng làm. Và phải tự tin. Nếu không tự tin thì cũng không nên làm. Giống như người lính khi xung phong mà ngập ngừng là chết trước. Cứ làm, 10 cái có thể hỏng năm nhưng cũng còn năm, chứ cứ sợ hãi ngần ngừ là không có gì hết.

HOÀI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên