Không ngờ phim Mưa trên cánh bướm chẳng những giành một giải mà hai giải quan trọng là Phim hay nhất và Phim sáng tạo nhất.
Đạo diễn Dương Diệu Linh nói với Tuổi Trẻ: "Có lẽ sẽ phải mất một thời gian tôi mới có thể cân bằng lại cảm xúc. Mọi thứ đến quá nhanh và bất ngờ, như đang lướt qua một giấc mơ".
Sau Mưa trên cánh bướm, kịch bản phim ngắn vẫn xếp hàng
* Mưa trên cánh bướm là phim dài đầu tay của Linh sau nhiều phim ngắn trước đó. Làm phim dài "đã" hơn phim ngắn không?
- Với tôi, phim ngắn và phim dài là hai thể loại khác nhau, có những ưu điểm riêng, đều truyền tải cảm xúc hiệu quả. Cả hai đều có sự "đã" riêng.
Phim ngắn cho tôi nhiều tự do, tập trung vào một thông điệp đơn giản.
Còn phim dài cho phép tôi khai thác các cung bậc phức tạp của nội tâm nhân vật và xây dựng thế giới quan một cách trọn vẹn hơn, song yêu cầu về tính thống nhất chặt chẽ của kịch bản và tất cả các khâu trong quá trình sáng tạo cũng cao hơn.
Tôi yêu thích cả hai. Như người ta viết tiểu thuyết vẫn có thể sáng tác truyện ngắn hay làm thơ ấy. Tôi vẫn có một vài kịch bản phim ngắn xếp hàng đây, nếu có ai đầu tư thì tôi sẽ làm.
* Mưa trên cánh bướm khám phá các chủ đề về nữ tính, mối quan hệ gia đình và truyền thống văn hóa. Đây là những câu chuyện ra sao trong suy nghĩ của một đạo diễn trẻ như bạn?
- Tôi lớn lên trong một giai đoạn khá thú vị, khi mà xã hội có sự chuyển giao từ những tư tưởng phong kiến phụ hệ sang việc tiếp cận những giá trị phương Tây, bao gồm cả sự giải phóng phụ nữ. Tôi nghĩ những người phụ nữ cùng thế hệ với tôi đều ít nhiều có khát vọng được bứt ra khỏi những ràng buộc và kỳ vọng của xã hội từng bó buộc thế hệ bà và mẹ tôi.
Tuy nhiên, những "nỗi đau liên thế hệ" (generational trauma) không phải là thứ có thể biến mất trong ngày một ngày hai, và nó không chỉ áp dụng đối với phụ nữ mà cả những người đàn ông.
Một người trụ cột gia đình kiểu mẫu thì phải thể hiện như thế nào? Một người vợ kiểu mẫu thì phải hành xử như thế nào? Một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu thì phải trông như thế nào?
Những khuôn mẫu từ một xã hội vốn đã sẵn phức tạp khiến những cá nhân trong một gia đình luôn phải gồng mình lên để đáp ứng chúng, thay vì thực sự kết nối với nhau và ngay chính bản thân mình bằng những cảm xúc thuần khiết của một con người.
Cảm xúc của con người không có "căn tính"
* Với những phim gần đây của các nhà làm phim trẻ, có cảm giác các bạn không "nệ" vào mấy chữ "căn tính Việt" quá. Có thể lấy nó làm chất liệu nhưng thoát khỏi những mặc định lâu nay để kể những câu chuyện phóng khoáng hơn, rộng mở hơn và sòng phẳng hơn...
- Tôi không rõ "căn tính Việt" cụ thể là gì và hình dáng nó ra sao. Tôi chỉ kể câu chuyện mình muốn kể một cách chân thành nhất và xây dựng thế giới của nhân vật chi tiết, sống động nhất có thể, dựa trên những ký ức và trải nghiệm của mình về nơi mình sinh ra và vô cùng yêu mến (Hà Nội).
Tôi tin cảm xúc của con người không có biên giới, không có "căn tính", không bị giới hạn bởi những giá trị văn hóa khác nhau. Nếu bộ phim của mình đủ chân thành về mặt cảm xúc thì sẽ có thể chạm đến trái tim của khán giả dù họ đến từ bất cứ đâu trên thế giới.
* Tờ IndieWire đánh giá "Dương Diệu Linh đã tạo nên nhiều hình ảnh khó quên trong bộ phim đầu tay, khiến cô trở thành một nhà làm phim tiếp nối thời kỳ bùng nổ của điện ảnh Việt Nam". Việt Nam đang có "làn sóng mới" trong điện ảnh. Nói vậy có hơi quá?
- Tôi thực sự rất vui và tự hào vì được là một cơn gió nhỏ trong làn gió điện ảnh Việt đang dần được công nhận, tiếp nối những cố gắng của các nhà làm phim đi trước một thập niên trở lại đây.
Khi chiếu Mưa trên cánh bướm ở Venice, có nhiều khán giả nói đây là lần đầu họ được xem một bộ phim đến từ Việt Nam khiến tôi hơi... ngạc nhiên. Điện ảnh Việt Nam nhiều phim hay vậy cơ mà.
Hy vọng mỗi năm ta sẽ có thêm thật nhiều phim góp mặt tại những liên hoan phim lớn nhỏ, tạo nên một cơn bão càn quét trái tim khán giả trên toàn thế giới.
* Phim sẽ phát hành tại Việt Nam. Trước đó, Công ty Barunson E&A của Hàn Quốc cũng đã mua quyền phân phối toàn cầu cho bộ phim này. Bạn có hồi hộp không?
- Tôi khá hồi hộp vì có một vài yếu tố mang tính ẩn dụ hơi trừu tượng trong phim. Hy vọng bộ phim có thể chạm đến cảm xúc của người xem và được đón nhận một cách dịu dàng.
* Dương Diệu Linh thần tượng hay có bị ảnh hưởng bởi một tác giả nào không? Những khi không làm phim, bạn làm gì?
- Tôi không chịu ảnh hưởng phong cách từ một tác giả nhất định. Tôi xem nhiều phim và đặc biệt thích xem thể loại body horror, các bộ phim thuộc dòng Asia Extreme đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hong Kong những thập niên 60 - 90 ở thế kỷ trước.
Còn sở thích của tôi thì... nhiều lắm và chẳng cái nào liên quan đến cái nào. Tôi tập múa ballet nhưng cũng đam mê đấm bốc. Tôi cũng thích nhạc cụ nhưng không có thời gian đi học nên chỉ tự tập đàn ở nhà những lúc rảnh rỗi.
Ngoài ra tôi có niềm đam mê lớn với ẩm thực năm châu, nên lúc nào làm việc căng thẳng tôi lại lôi đồ nghề ra nấu nướng. Với tôi, việc nấu ăn giống như một cách "thiền", giúp mình sắp xếp lại mớ hỗn độn trong đầu, tương tự như việc dọn nhà vậy.
"Tôi rất biết ơn dự án phim ngắn CJ"
Dương Diệu Linh là một trong ba nhà làm phim trẻ có phim giành giải cao tại các liên hoan phim uy tín thế giới bước ra từ dự án phim ngắn CJ.
Linh chia sẻ ở Philippines hay Singapore năm nào cũng có tác phẩm phim ngắn dài dự thi tại các liên hoan phim quốc tế lớn.
Một phần chính nhờ những quỹ hỗ trợ dành riêng cho phim ngắn, giúp các nhà làm phim của họ có thể sản xuất phim ngắn liên tục.
"Việc có phim ngắn đi liên hoan phim quốc tế sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình xin đầu tư phim dài, thậm chí có thể nói đây là chiến dịch lâu dài giúp thúc đẩy nền điện ảnh độc lập của họ".
Dương Diệu Linh nói so với các nước, các nhà làm phim trẻ Việt Nam "hơi thiệt thòi vì không có nhiều quỹ hỗ trợ như vậy".
"Tôi rất biết ơn, không chỉ sự hỗ trợ về kinh phí mà vì nhờ bộ phim ngắn Ngọt, mặn mà tôi mới được làm việc với diễn viên Tú Oanh để đi tiếp cùng nhau đến với Mưa trên cánh bướm", Linh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận