Phóng to |
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (trái) đang chỉ đạo thực hiện phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa (ảnh do Đặng Nhật Minh cung cấp) |
Bao giờ cho đến tháng 10 - một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại
* Bao giờ cho đến tháng 10, bộ phim xuất sắc của ông vừa được kênh CNN (Mỹ) bầu chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Đây cũng là bộ phim duy nhất của VN lọt vào danh sách này. Cảm giác của ông thế nào khi nghe tin này?
- NSND Đặng Nhật Minh: Tôi được biết tin này do anh Nguyễn Đắc Xuân ở Huế gọi ra, bảo tôi nên tìm mua báo ngay. Khi cầm tờ báo trên tay, tôi hết sức ngạc nhiên. Một bộ phim làm ra cách đây 23 năm mà bên ngoài vẫn còn nhớ đến, lại còn được bình chọn là một trong 18 phim châu Á xuất sắc, điều đó làm tôi thật bất ngờ và cảm động.
* Đã có lần ông tâm sự, ông viết kịch bản Bao giờ cho đến tháng 10 xuất phát từ nỗi đau của gia đình mình. Ông có thể chia sẻ thêm cùng độc giả những thông tin này?
- Vâng, chính xác như vậy, không chỉ nỗi đau của gia đình tôi mà là của hàng triệu, hàng triệu gia đình khác trên dải đất hình chữ S này. Mất mát trong chiến tranh là không tránh khỏi. Chuyện viết thư giả để giấu người thân, trong kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều, mô-típ này ở điện ảnh Liên Xô, Trung Quốc cũng có. Ở đâu có chiến tranh thì ở đó có chuyện viết thư giả để tránh làm cho người thân của họ đau khổ.
* Cảnh cô Duyên đi tìm chồng đã hy sinh ở chợ âm phủ có thể coi là trường đoạn đặc sắc, xúc động nhất trong phim. Nhưng những năm trước đổi mới, đó có thể lại là chi tiết rất “nhạy cảm” khiến phim gặp nhiều khó khăn. Kỷ niệm ông nhớ nhất ở Bao giờ cho đến tháng 10 là gì, có phải chính là trường đoạn này?
- Chuyện rắc rối trong khâu duyệt liên quan đến trường đoạn này chỉ là một trong những kỷ niệm thôi (kỷ niệm không vui và cũng không phải là kỷ niệm nhớ nhất). Hồi đó, thoạt đầu người ta yêu cầu tôi bỏ hẳn trường đoạn này, rồi sau rút xuống yêu cầu cắt ngắn bớt vì sợ khi phim ra bị phê phán là “duy tâm, mê tín”. Nhưng nay thì tình hình khác rồi. Tôi vừa xem một phim truyện VN mới hoàn thành, trong đó có những trường đoạn dài miêu tả tỉ mỉ chuyện lên đồng, gọi hồn... mà không bị ai bắt cắt vì cho là mê tín dị đoan. Thậm chí còn được khen là đậm đà bản sắc dân tộc.
Gia đình tôi sống ở Huế, từ bé, đời sống tâm linh ăn sâu vào con người tôi. Từ lâu lắm, tôi có đọc trong kho tàng truyện cổ VN câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ, không may người chồng chết một cách oan ức. Anh báo mộng dặn chị chờ đến phiên chợ Mạch Ma thì đến để anh gặp. Tại phiên chợ đó, hai người đã gặp được nhau, người chồng đã nói rõ sự oan ức của mình để vợ kêu lên cửa quan. Sau này lên Hà Bắc, tình cờ tôi cầm trên tay cuốn Địa dư chí Hà Bắc. Trong sách đó, ở mục chợ Hà Bắc có ghi rõ những thôn nào, xã nào, ngày giờ nào, có những phiên chợ âm dương. Trong tâm thức của người VN không có sự cách biệt giữa cõi âm và cõi dương, giữa người sống và người đã mất.
* Bao giờ cho đến tháng 10, Mùa ổi và gần đây nhất là Đừng đốt, trong đó đã có lửa..., hầu hết Đặng Nhật Minh đều kiêm luôn tác giả kịch bản. Điều gì khiến ông luôn muốn đảm nhận hai vai trò?
- Nếu có ai đó viết kịch bản cho tôi làm phim thì có lẽ năng suất của tôi có thể sẽ cao hơn. Tiếc rằng, tôi không được như đạo diễn Trương Nghệ Mưu, có người chuyên viết kịch bản cho ông làm, nên vừa xong phim này đã có thể bắt tay vào làm ngay phim khác. Tôi phải tự viết kịch bản cho mình nên trung bình phải đến ba, bốn năm hoặc lâu hơn mới làm được một phim. Hơn nữa, việc duyệt kịch bản ở nước mình lâu lắm, nhất là muốn xin kinh phí của Nhà nước để sản xuất.
* Ông có thể nói gì về bộ phim mình đang làm: Đừng đốt, trong đó đã có lửa, ông có tin phim mình đáp ứng được sự kỳ vọng của những người yêu mến cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm?
- Có đến hàng triệu triệu người yêu mến cuốn sách này, tôi không nghĩ là sẽ đáp ứng được sự chờ đợi của tất cả. Tôi chỉ cố gắng cùng anh chị em trong đoàn phim làm hết sức mình với hy vọng người xem có đôi chỗ cảm động và xem xong thì suy nghĩ ít nhiều.
Theo tiến độ sản xuất thì đến cuối năm nay phim sẽ hoàn thành. Có lẽ đến lúc đó mới có thể nói được cái gì hài lòng và cái gì chưa hài lòng.
* Tuổi đã nhiều, giải thưởng danh giá cũng không ít, liệu Đặng Nhật Minh có còn điều gì nuối tiếc trong sự nghiệp của mình? Trong tương lai gần, ông có dự án nào không?
- Tôi chỉ tiếc là làm còn ít phim, trong khi khả năng có thể làm nhiều hơn thế. Đạo diễn Hàn Quốc Im Kwon Teak, tuổi đời có lẽ bằng hoặc hơn tôi chút ít, đến nay đã làm được hơn 100 phim, có khi làm 2 phim một lúc. Sở dĩ ông có được năng suất như vậy vì ông có một đội ngũ đông đảo những trợ lý, biên kịch và những người tổ chức sản xuất hết lòng tạo điều kiện để ông thực hiện trọn vẹn những dự định sáng tác của mình.
Đạo diễn Im Kwon Teak cũng có một phim được CNN bình chọn trong dịp này, phim Mandala. Trong tương lai, nếu có cơ hội, tôi vẫn tiếp tục làm phim... Trong lúc chờ, tôi sẽ cầm bút. Biết đâu viết văn lại là công việc chính của tôi sau này, bởi công việc đó từ lâu không xa lạ đối với tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận