Công nhân môi trường đào hơn 100 tấn chất thải của Formosa chôn tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, để đưa về kho lưu trữ chờ xử lý - Ảnh: HỒ VĂN |
Từ vụ Formosa cho thấy các cơ quan chức năng của Việt Nam thiếu năng lực trong việc thành lập và quản lý báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Vấn đề ở đây là họ thiếu nguồn lực, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình |
Ông Joep Janssen |
Gần đây nhất là vụ Formosa, chính Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã nhìn nhận: “Qua vụ việc Formosa, có thể thấy ĐTM mang tính chất chung chung quá”.
Về quy chuẩn thông thường mà các quốc gia thường áp dụng, ĐTM có một số mục tiêu quan trọng như: tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi cho dự án; nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường cho tất cả các bên, trong đó có người dân; chia sẻ kinh nghiệm và thông tin một cách hiệu quả và bảo đảm rằng môi trường phải là một thành tố quan trọng trong quá trình ra quyết định liên quan đến dự án.
|
Tôi cho rằng trong vụ bê bối môi trường do Tập đoàn Formosa gây ra, tất cả những mục tiêu nói trên đều bị phớt lờ.
Trong khi đó, lẽ ra những tập đoàn đa quốc gia như Formosa phải hoạt động dựa trên những tiêu chuẩn môi trường quốc tế và phải làm gương tốt.
Từ vụ Formosa, tôi nghĩ ngoài việc đền bù, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam cải thiện khung pháp lý cho ĐTM mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận là một trong những điểm bất cập của Luật bảo vệ môi trường Việt Nam.
Khung pháp lý dành cho ĐTM cần phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn. Các bên tư vấn, hội đồng độc lập về ĐTM và người dân cần được tham gia vào quá trình thành lập ĐTM.
Tất cả các bên cần phải đảm bảo có một ĐTM thật hiệu quả để bảo đảm không có sự nguy hại nào đối với môi trường xảy ra.
Ở Hà Lan, ĐTM gồm năm thành tố: 1. Chính phủ phải có trách nhiệm, đi tiên phong và ra quyết định cuối cùng, 2. Người khởi xướng (một tổ chức công hoặc tư) muốn khởi xướng ĐTM, 3. Bên cố vấn; 4. Một hội đồng quốc gia độc lập phụ trách về ĐTM chuyên cung cấp lời khuyên, tư vấn cho các lãnh đạo bộ, tỉnh thành về nội dung và chất lượng thông tin trong ĐTM, và 5. Người dân và các bên liên quan.
Đầu tiên, bên khởi xướng ĐTM phải bảo đảm rằng họ đưa ra tuyên bố thành lập báo cáo và chính phủ cũng có tuyên bố chính thức. Kế đến, bản mô tả dự án phải sẵn có và chính phủ cũng như người dân có thể góp ý về nội dung này.
Sau đó, các cơ quan chính phủ (bao gồm nhiều bộ ngành khác nhau) và các bên tư vấn đưa ra nhận xét và kiến nghị làm sao để hoàn thành ĐTM. Bước đi kế tiếp là bên khởi xướng thành lập ĐTM.
Sau khi ĐTM đã có sẵn và chính phủ đã quyết định thì người dân và các bên liên quan có thể tiếp cận ĐTM. Cuối cùng, các bên sẽ có sự đánh giá toàn diện về ĐTM.
Nhìn một cách tổng thể, trong suốt quá trình thành lập ĐTM, có rất nhiều lần kiểm tra và tham vấn để tất cả các bên, bao gồm người dân, được cảnh báo về các hậu quả môi trường có thể xảy ra.
Ví dụ như hội đồng độc lập phụ trách ĐTM có website riêng và người dân có thể truy cập website này để xem tất cả những lời tư vấn. Sau khi ĐTM hoàn tất và được duyệt, chủ đầu tư dự án có thể được cấp phép xây dựng dự án.
Tuy nhiên, các quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc thành lập ĐTM là chưa đủ, mà các cơ quan chức năng còn phải giám sát kỹ càng về việc thực hiện theo ĐTM. Trường hợp công ty liên quan không tuân thủ luật lệ (chẳng hạn như xả chất thải ra biển không theo quy định) thì phải phạt thích đáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận