Khách sạn Caravelle nhìn từ đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi - Ảnh: Tư liệu |
Kỳ 1: Khám phá "kỳ quan" khách sạn Caravelle, Kỳ 2: Công phu xây "kỳ quan" khách sạn và cái tên Caravelle, Kỳ 3: Tuyên cáo của Nhóm Caravelle làm chấn động chánh trường, Kỳ 4: Đảo chính Ngô Đình Diệm bắt đầu từ khách sạn Caravelle?
11g58 phút ngày 25-8-1964, một trái bom phát nổ ở phòng 514 từng thứ 5 của khách sạn Caravelle làm kiếng bể văng tung tóe ở vài ngã tư đông đúc của thành phố.
Không ai bị tổn thương nghiêm trọng nhưng cấu trúc của khách sạn bị tổn hại nặng nề ở các từng 5, 6 và 7. Và lớn hơn là vụ nổ đã gây ra một sự xúc động mạnh về tâm lý trong cả thành phố.
Người trong cuộc bà Trần Thị Minh Nguyệt đã kể lại.
Đánh bom để đối phương không đắc chí
Bấy giờ khách sạn Caravelle cao 10 tầng được xem là địa chỉ tráng lệ, sang trọng bậc nhất Sài Gòn, nơi quan chức Mỹ và Việt Nam cộng hòa thường lui tới hội họp.
Thậm chí Mỹ lấy Caravelle làm điểm trú ngụ của nhóm ê kíp đảo chính Ngô Đình Diệm trước đó, lãnh sự các nước đồng minh với Mỹ cũng đóng tại toà khách sạn 10 từng này.
Trong con mắt người Mỹ, Caravelle như một “pháo đài kiên cố”, thách đố lực lượng Biệt động Sài Gòn. Bên ngoài khách sạn luôn đầy ắp lính gác và hàng trăm mật thám canh chừng. Muốn đánh bom mục tiêu này quả là không đơn giản.
Tuy nhiên Biệt động Sài Gòn phải đánh khách sạn này, không để đối phương đắc chí mạnh mồm tuyên bố “Sài Gòn sạch bóng Việt Cộng”, “đã bình định xong miền Nam”.
Người trực tiếp nhận nhiệm vụ là Bảy Bê (Nguyễn Thanh Xuân) với sự trợ giúp của Minh Nguyệt (tên đầy đủ Trần Thị Minh Nguyệt) và Năm Bắc.
Chuẩn bị kế hoạch xong xuôi, tờ mờ sáng 24-10-1964, Bảy Bê và Minh Nguyệt ăn mặc sang trọng, đón taxi ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Đợi gần trưa có máy bay hạ cánh, hai chiến sĩ biệt động liền nhập vào đám hành khách đi xuống cổng, đón taxi về mục tiêu.
Sở dĩ phải “nhiêu khê” như vậy bởi khách sạn Caravelle chỉ đón khách từ sân bay đến. Mọi khách hàng nếu xuất phát từ bất kì địa điểm nào khác, nhất định bị nghi vấn, điều tra ngay lập tức.
Tại sao lực lượng biệt động nắm rõ điều này? Ông Nguyễn Văn Thân, ủy viên CLB truyền thống vũ trang biệt động Tp HCM giải thích, nhờ có Năm Bắc làm điệp viên, ta mới hiểu rõ những quy tắc ngầm trên.
Năm Bắc tên thật là Nguyễn Nông, lúc bấy giờ là nhân viên phục vụ trong khách sạn đã nhiều năm. Chính điệp viên này là người “cố vấn” cho Bảy Bê và Minh Nguyệt từ cách ăn mặc đến dáng đi, những câu ngoại ngữ để thật giống với “đại gia” giới thượng lưu.
Thậm chí trước đó Bảy Bê còn được đưa sang một số khách sạn khác để thực tập. Sau này trong buổi chuyện trò với đồng đội, Bảy Bê cười sảng khoái: “Mình suốt ngày ăn cơm với muối rang, vậy mà lúc vào khách sạn, người phục vụ mang lên phòng lon Coca cola ngon lắm mà chỉ uống có một nửa. Anh Năm dặn rồi, phải ăn uống theo kiểu đại gia như thế mới không bị phát hiện. Tuy vậy, nhìn mà… tiếc”.
Trận đánh ghi dấu lịch sử
Nhờ có “quân sư” hướng dẫn cặn kẽ đường đi nước bước, hai chiến sĩ biệt động trong vai người nhà sĩ quan Việt Nam cộng hòa dễ dàng qua mắt bọn mật thám với hai va ly đầy ắp thuốc nổ. Minh Nguyệt lấy tên Kim Chi, là tình nhân của một thiếu tá, còn Bảy Bê là lái xe.
Bước vào toà nhà tráng lệ, Bảy Bê có phần choáng ngợp nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tự nhiên tới quầy lễ tân làm thủ tục thuê phòng. Khách sạn chỉ trống một phòng duy nhất ở lầu 5. Thở phào hú vía, chỉ chậm chân 5 phút là có người khác đến thuê phòng, lúc đó hết cơ hội.
“Người đẹp tình nhân thiếu tá” phì phào điếu thuốc rồi rút lui an toàn. Riêng Bảy Bê hì hục mang hai valy lên tầng 5 khách sạn, chuẩn bị cho trận đánh ghi dấu lịch sử. Đồng hồ chỉ mới điểm 10 giờ sáng, trong khi theo kế hoạch cấp trên giao, là phải làm nổ tung Caravelle tầm 6 giờ chiều, bởi thời điểm này mới có đông tướng lĩnh Mỹ tập trung tại khách sạn. Nằm đợi đến 4 giờ chiều, Bảy Bê chốt cửa cẩn thận rồi mang thuốc nổ vào phòng tắm sửa soạn.
Khách sạn Caravelle cao 10 tầng được xem là địa chỉ tráng lệ, sang trọng bậc nhất Sài Gòn thời bấy giờ |
Anh nhanh chóng hợp các bánh thuốc nổ TNT thành một với tổng trọng lượng 37kg, đặt ngay ngắn vào tủ quần áo, vặn kim đồng hồ hẹn 6 giờ, rồi chỉnh sửa lại bộ vest đi ra ngoài. Rời khách sạn sang trọng, Bảy Bê đến nơi đồng đội đang đợi sẵn chờ kết quả.
Kim đồng hồ điểm đúng số 6, vẫn không nghe tiếng nổ. Đợi thêm 10, rồi 15 phút nữa, mọi thứ vẫn yên ắng. Đầu óc Bảy Bê rối bời, anh vò đầu trách mình, nhiệm vụ đã chắc ăn tới 90% mà vẫn để bại lộ. Đắn đo mãi, anh chợt nảy ra ý tưởng: “Sao không gọi điện về khách sạn xem sự thể thế nào”.
Từ đầu dây bên kia, nhân viên lễ tân trả lời giọng bình thản, chứng tỏ hoạt động của khách sạn hoàn toàn bình thường. Vậy là mọi chuyện chưa lộ. Bảy Bê vội hỏi qua loa xem còn phòng thuê không rồi cúp máy, trở lại mục tiêu.
Nhận chìa khoá từ quầy lễ tân, chiến sĩ biệt động đi vội lên phòng, mở tủ kiểm tra. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Thì ra nguyên nhân không nổ là do Bảy Bê đã hẹn giờ nhưng quên bấm nút lên dây cót.
Bảy Bê hẹn 10 phút nữa rồi bấm nút dứt khoát, nghe kim đồng hồ nhảy lách tách mới rời phòng. Xuống nửa đường, anh chợt nhận ra sau nhiều giờ đồng hồ chờ đợi tiếng bom, lang thang khắp nơi, bộ dạng chỉnh chu lúc chiều nay đã thành lôi thôi, tóc tai bù xù. Nếu chẳng may bọn mật thám nghi ngờ, phát hiện khối thuốc nổ thì sao? Anh quay ngược lại phòng, giật nhanh sợi dây điện hoãn nổ. Chỉ chậm vài bước chân, Bảy Bê đã nổ tung cùng khách sạn”.
Không ai biết mục đích
Tờ New York Times tường thuật vụ nổ và cho rằng quả bom được gài từ 2 ngày trước bởi một người Việt Nam thuê phòng bằng giấy căn cước giả và không ai biết chắc về nhân thân, mục đích của thủ phạm.
Vụ nổ đã khiến Bộ ngoại giao Úc “di tản” thân nhân và nhân viên phụ nữ của phái đoàn ngoại giao Úc sang Singapore.
Còn đại sứ Úc khi đó, ông Anderson suy đoán “vụ nổ bom có thể là một phần của một chiến dịch do sinh viên chống chánh quyền, hoặc Việt cộng chống người Mỹ, người Úc và những người ngoại quốc khác để chứng minh khả năng hoạt động của họ ngay trong lòng Sài Gòn”.
Ông ta đã suy đoán đúng về Việt cộng, tất nhiên mãi về sau nầy mới được chứng minh.
Có điều việc nổ bom hôm đó đã không như dự kiến bởi hầu hết các nhà báo ở khách sạn Caravelle thay vì đi ăn trưa và sẽ lãnh trọn sức nổ của trái bom, thì họ lại bận rộn theo dõi và tường thuật vụ sinh viên đòi Nguyễn Khánh phải từ chức!
Ông Nguyễn Văn Hòa, người thiết kế và xây dựng khách sạn được mời đến để đánh giá thiệt hại của vụ nổ bom, đã không tính hết được mức độ thiệt hại của cấu trúc khách sạn.
Riêng từng 7, việc hư hại liên quan đến sứ quán Úc phải sửa chữa tốn kém khoảng 5 triệu đồng, một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Giá vàng thời ấy khoảng 50 USD/lượng, 35 đồng đổi được 1 đô la.
Dù bị đặt bom nhưng Caravelle vẫn là nơi tin cậy của các nhà báo nước ngoài. Hãng truyền hình CBS News, NBC, AP, ABC đã đặt hẳn văn phòng thường trú tại khách sạn. Đối với CBS, thì các tin chiến sự diễn ra ở Việt Nam chỉ sau 24 tiếng đồng hồ là được lên truyền hình. Hằng ngày, nhân viên của hãng phải di chuyển từ khách sạn Caravelle ra sân bay Tân Sơn Nhứt để chuyển phim về Mỹ. Các cuộc họp báo hàng ngày của quân đội Mỹ đã diễn ra ở đây trước khi dời sang phía đối diện, Câu lạc bộ báo chí ở số 15 Lê Lợi khai trương năm 1959. Tháng 12-1966, nhà văn đoạt giải Nobel John Steinbeck đã cùng vợ đến Sài Gòn và cư ngụ tại khách sạn Caravelle để thực hiện chuyên mục “chuyện hàng tuần” (Letter to Alicia). Ông muốn thực sự được “sống” trong cái không khí của chiến tranh. Suốt sáu tuần lễ đầu tiên, ông lao ra chiến trường phỏng vấn các chàng lính GI, bắn thử bằng vũ khí của họ và tất nhiên cũng chứng kiến các trận đọ súng của họ. Ông được chính con trai ông là chuyên viên hạng tư Cục truyền thanh truyền hình quân lực Mỹ hướng dẫn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận