03/03/2019 08:36 GMT+7

Đặng Văn Khai Nguyên - người chơi được nhiều loại đàn môi nhất

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Với Đặng Văn Khai Nguyên, thách thức lớn nhất bây giờ là cuộc đua cùng thời gian để có thể hoàn thành sứ mệnh và cũng là tâm huyết: xây dựng bộ tư liệu hệ thống hóa đầy đủ, phong phú và cũng sẽ là đầu tiên về đàn môi của Việt Nam.

Đặng Văn Khai Nguyên - người chơi được nhiều loại đàn môi nhất - Ảnh 1.

Khai Nguyên biểu diễn đàn môi tại nhà GS Trần Văn Khê - Ảnh: NGỌC HÂN

Tôi rất may mắn tìm được một người trẻ tuổi, có năng khiếu và đam mê đàn môi sau nhiều năm đi khắp nơi trên thế giới và hơn 10 năm về Việt Nam (2002-2014).

GS Trần Quang Hải (Pháp)

27 tuổi, cuộc đời rất dài và rất rộng sẵn sàng chờ Nguyên thực hiện nhiều ước mơ, nhưng với đàn môi Việt Nam, theo chia sẻ của anh, thời gian để thực hiện bộ tư liệu khảo cứu thực sự không còn bao nhiêu.

Số nghệ nhân còn biết chơi và làm đàn môi ở các vùng miền trên cả nước gần như đã qua đời. Có những cây đàn môi khi tới tay Nguyên chỉ còn là hiện vật lưu giữ chứng tích thời gian, không ai biết nó từng được chơi nguyên bản như thế nào.

Đặng Văn Khai Nguyên biễu diễn đàn môi tại trường mầm non Hoa Hồng Đỏ

Ngày thay đổi cuộc đời

Bốn năm trước, tại buổi sinh hoạt nghệ thuật chuyên đề ở nhà GS Trần Văn Khê, con trai GS Khê là GS.TS Trần Quang Hải giới thiệu người học trò được ông coi như truyền nhân về đàn môi là Đặng Văn Khai Nguyên, lúc đó mới 23 tuổi.

Buổi hôm đó cũng là ngày đầu tiên Nguyên gặp mặt thầy Hải sau hai năm thọ giáo, học hỏi thầy qua Internet.

Có lẽ ngay lúc đó chính Nguyên cũng không nghĩ buổi sinh hoạt chuyên đề tại nhà thầy Trần Văn Khê là bước ngoặt lớn trong đời anh, một điều mà sau này nhìn lại anh mới nhận ra. Tất cả những thay đổi lớn lao, cả trong lựa chọn công việc sau này lẫn quyết tâm theo đuổi con đường gắn bó với đàn môi của Nguyên, đều bắt đầu từ buổi đó.

Kể từ năm 2014 Nguyên bắt đầu lao vào hành trình xuyên Việt để tới những khu vực còn có đàn môi và nghệ nhân chơi đàn môi ở Việt Nam. Ngoại trừ miền Tây Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ không có đàn môi, các vùng miền còn lại trong nước đều có thông tin về nhạc cụ đặc biệt này.

Có những năm Nguyên dành vài tháng trời di chuyển, lúc bằng xe máy, xe đò, khi xe lửa, máy bay, tới những nơi đó để gặp gỡ các nghệ nhân, ghi hình tư liệu, chụp ảnh các công đoạn chế tác đàn môi và tập hợp hồ sơ theo từng loại cụ thể gắn với mỗi cộng đồng tại các địa phương.

Để có thể chủ động thời gian cho công việc, Nguyên quyết định nghỉ việc tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, mở đại lý cấp một cung cấp nước giải khát tại nhà và chăn nuôi, trồng trọt để có thu nhập.

Mọi thời gian còn lại Nguyên chủ động dành cho công việc sưu tầm, khảo cứu tư liệu về đàn môi. Mặc dù người thầy của anh, GS Trần Quang Hải, mong muốn học trò sẽ tiến xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học, song mục tiêu của Nguyên lúc này chỉ khiêm nhường và giản dị, trước hết phục vụ cho niềm đam mê của bản thân, sau để chia sẻ kiến thức với những người có chung đam mê về đàn môi.

Chạy đua với thời gian...

Ngày trước, trong những năm đầu chơi và làm đàn môi, Nguyên rất tò mò, háo hức muốn tìm hiểu về các loại đàn môi trên thế giới. Anh lập tài khoản Facebook để giao lưu, kết bạn với những người chung sở thích để trao đổi đàn môi, tặng đàn môi Việt Nam tự tay anh làm cho họ và tìm hiểu sự độc đáo, khác biệt ở đàn môi các nước.

Nhưng sau cái ngày ở nhà thầy Khê ấy, Nguyên đã tự vạch ra một lối đi "cấp thiết" là quay về tìm hiểu các loại đàn môi của chính người Việt, nhưng việc này ở trong nước lại khó khăn và rất nhiều thách thức, nhất là khi loại hình nghệ thuật truyền thống này đang có nguy cơ mai một, thất truyền.

Ngay tại Đồng Nai quê Nguyên, mặc dù cũng có một chiếc đàn môi nhưng cho tới nay anh không thể tìm được nghệ nhân nào biết chơi và làm nó nữa.

Thêm một động lực để Nguyên thấy cần phải làm ngay là bởi ở Việt Nam cho tới nay chưa có bất cứ tài liệu nào nghiên cứu đầy đủ, chi tiết về đàn môi. Trong khi với những người chơi đàn môi thế giới, đàn môi của Việt Nam thực sự rất nổi tiếng, thì ở trong nước không nhiều người biết đến đàn môi.

Tài liệu duy nhất đầy đủ hơn cả cho tới nay về đàn môi Việt Nam lại là một tài liệu đã in từ ít nhất nửa thế kỷ trước của người Pháp.

Hành trình quay về với giá trị văn hóa hồn cốt của dân tộc ở đàn môi của Nguyên có ảnh hưởng rất lớn từ cố GS Trần Văn Khê. Lúc sinh thời, GS Khê từng nhiều lần trò chuyện với Nguyên, và ông đã nhóm lên ở chàng trai này một niềm tin mạnh mẽ: cần phải vun đắp vốn quý văn hóa của dân tộc trước khi tìm hiểu về những điều khác.

Đó là gốc rễ, là nền tảng vững chắc để có thể đi sâu và đi xa trong hành trình cuộc đời mỗi người.

Cho tới thời điểm này Nguyên đã có được trong tay 10 loại đàn môi của Việt Nam. Tiếc là 6 loại trong đó (tìm thấy ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum và Đồng Nai) giờ chỉ còn là những hiện vật thiếu sinh khí.

Bởi khi Nguyên có chúng trong tay, anh đã không thể tìm ra nghệ nhân nào còn biết chơi, cũng như không còn ai có thể chỉ cho anh thấy nó đã được tạo tác thế nào, gắn bó ra sao với không gian văn hóa, không gian diễn xướng và không gian cộng đồng của các chủ nhân nhạc cụ.

Nguyên chỉ có thể tìm gặp và thu thập được tư liệu hình ảnh về 4 loại đàn môi của Việt Nam. Đó là chiếc đàn môi Trzáng của người Mông ở Lào Cai, vùng giáp ranh biên giới Trung Quốc; là chiếc đàn môi Ưng Koái làm bằng sắt và đồng của nghệ nhân Quỳnh Hoàng vốn rất nổi tiếng của người Tà Ôi ở A Lưới (Huế); là chiếc đàn môi Ra Ngói của cụ Phạm Văn Nguyên ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) và chiếc đàn môi của người Tà Mun ở Tây Ninh.

Đặng Văn Khai Nguyên - người chơi được nhiều loại đàn môi nhất - Ảnh 4.

Một số chiếc đàn môi trong bộ sưu tập của Khai Nguyên - Ảnh: NVCC

Khát vọng phổ biến đàn môi

Điều trăn trở lâu nay của Nguyên là người nước ngoài biết về đàn môi Việt Nam nhiều hơn người Việt. Sự thật này cũng đã được thể hiện qua hoạt động xuất khẩu đàn môi của một cơ sở sản xuất đàn môi duy nhất và lớn nhất Việt Nam của chủ tiệm Thái Khuê ở phố Hàng Mành, Hà Nội.

Nếu tính về số lượng, với hàng vạn chiếc đàn môi được Thái Khuê xuất sang các thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ và Nam Mỹ mỗi năm, có thể khẳng định chắc chắn đàn môi là nhạc cụ truyền thống được xuất khẩu nhiều hơn mọi loại nhạc cụ truyền thống khác của Việt Nam hiện nay.

Trong khi nhiều người trên thế giới biết và tìm mua đàn môi Việt Nam thì người Việt Nam lại không mặn mà với nhạc cụ này. Vì vậy Nguyên tự "giao phó" cho mình trách nhiệm phổ biến đàn môi và cách chơi nó tới nhiều người Việt hơn nữa, nhất là các bạn trẻ.

Nhiều năm qua, Nguyên đã tổ chức dạy đàn môi tại nhà cho các em nhỏ tuổi từ 9-15. Các em đều chơi thành thạo các loại đàn môi và có nhiều em biết làm đàn môi tre.

Cây đàn nhỏ bé, nhưng...

Để đàn môi tự mình tạo nên sức hấp dẫn của nó, Nguyên thường xuyên tham gia các chương trình lưu diễn đàn môi và các sự kiện âm nhạc truyền thống Việt Nam khi có cơ hội.

Lần gần nhất là tour lưu diễn cùng các nghệ sĩ Tuyết Mai và Hải Phượng tại Hàn Quốc cuối năm 2017 nhân dịp mừng quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Hàn Quốc. Trước đó là đợt biểu diễn đàn môi tại Nga năm 2015, tại Ý năm 2016.

Không chỉ biểu diễn trên sân khấu trong tư cách một nghệ sĩ đàn môi, Nguyên cũng ký kết nhiều hợp đồng thu âm, dùng đàn môi để lồng tiếng, tạo hiệu ứng âm thanh cho các phim, chương trình truyền hình, tham gia các dự án âm nhạc thử nghiệm với đàn môi...

Với Nguyên, cây đàn môi nhỏ bé, giản dị nhưng có thể làm được tất cả những gì một nhạc cụ truyền thống có thể thực hiện. Nó có thể chơi solo, trình diễn trong nhạc thính phòng cũng như âm nhạc đường phố, có thể hòa tấu trong dàn nhạc dân tộc và cả dàn nhạc hiện đại, những điều này không phải ai cũng biết và Nguyên muốn góp sức mình để nhiều người hơn nữa biết về chúng.

Kỷ lục "người chơi được nhiều loại đàn môi nhất"

Năm 2016, Đặng Văn Khai Nguyên được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là người chơi được nhiều loại đàn môi nhất Việt Nam.

Nguyên cũng đang giữ kỷ lục (chưa xác lập) là người có bộ sưu tập đàn môi lớn nhất Việt Nam, khoảng hơn 600 cái.

Nhạc điện tử, đàn môi và đàn tranh hội ngộ Nhạc điện tử, đàn môi và đàn tranh hội ngộ

TT - Âm nhạc đương đại sẽ gặp nhạc truyền thống Việt Nam trong chương trình hòa nhạc ngoài trời “Hòa nhạc điện tử Nhật Bản với đàn môi và đàn tranh Việt Nam” tại Hà Nội vào ngày 19-10.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên