26/11/2010 02:11 GMT+7

Đặng Phong kể chuyện một con đường

THU HÀ
THU HÀ

TT - GS Đặng Phong không kịp nhìn thấy cuốn sách mới nhất của mình, ông mất trước khi nó ra đời gần ba tháng. Nhưng món quà ông dành tặng Hà Nội - thành phố mà ông lớn lên và gắn bó - thật ý nghĩa và cảm động.

(Đọc Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố - GS Đặng Phong)

WN7XwmLZ.jpgPhóng to
Sách do NXB Tri Thức ấn hành

Nếu đã quen với việc biết về Đặng Phong như một nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, người đọc sẽ ngạc nhiên và rất thú vị khi đọc Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố - một lát cắt về lịch sử Hà Nội và cũng là một lát cắt ngẫu hứng trong sự nghiệp nghiên cứu của GS Đặng Phong. Chọn một góc nhìn, một chỗ đứng, một câu chuyện để kể về Hà Nội ngàn năm, ông đã chọn một con đường ít ai ngờ nhất: đường Lê Duẩn.

Rồi với sự từng trải và tinh tế của một nhà nghiên cứu nhiều mơ mộng, ông dẫn dắt người đọc theo suốt chiều dài lịch sử và chiều dài địa lý của con đường. Lịch sử, vì ông tìm hiểu và đưa ra những tư liệu về nó từ lúc còn là đường nối cửa Nam hoàng thành với đường cái quan hướng thẳng về phương Nam Tổ quốc, đến khi nó chính thức được đặt tên đường Cái Quan, rồi chuyển sang tên của viên tướng thời thuộc địa, đến khi đổi tên sang đường Nam Bộ - con đường máu chảy về tim - cả miền Bắc hướng về miền Nam thời chống Mỹ. Cuối cùng dừng lại với cái tên Lê Duẩn - người dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Địa lý, vì ông nhẩn nha đi từ đầu phố đến cuối phố tìm hiểu từng công trình kiến trúc, di tích lịch sử, từ đình chùa miếu mạo, đài thiên văn, đến chợ bán cỏ, vườn hoa của người trồng rau, nhạc viện đầu tiên của Đông Dương, sở nhà dầu, xưởng in tiền... và ga Hàng Cỏ trĩu nặng những sự kiện và nhân vật lịch sử, những đoàn người di cư vào Nam và những chuyến tàu chở quân ra tiền tuyến, nhưng chuyển hàng “lậu” thời cải tạo tư sản và thời bao cấp cấm chợ ngăn sông.

Đã quen với sự điềm đạm, thâm trầm trong văn phong nghiên cứu và giọng bình sử của GS Đặng Phong, người đọc có thể gặp lại cốt cách đó trong cuốn sách này nhưng nhẹ nhàng hơn, tung tẩy hơn.

Và nếu có thời gian đọc kỹ thêm một chút, có thể thấy ông vẫn “tranh thủ” thêm những nhận xét rất tình cảm nhưng cũng đầy chủ kiến về những nhân vật lịch sử, như khi ông viết những dòng cuối cuốn sách, về Lê Duẩn - người đã được lấy tên để đặt cho con đường: “Có một sự liên quan nữa giữa Lê Duẩn và con đường này: ông đã làm nhân viên đường sắt ở đây vào những năm 1927-1928, đó cũng là lúc ông đang giữ cương vị cán bộ Ban tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ.

Sau này ông có kể lại rằng vào thời kỳ ông làm nhân viên đường sắt ở ga Hàng Cỏ... những ngày nghỉ ông thường ra hồ Tây thuê một chiếc thuyền nhỏ, một mình chèo ra giữa hồ rồi nằm nhìn lên trời suy nghĩ lan man về triết lý đạo Phật, cách mạng vô sản, con đường của VN, của thế giới...

Nhưng dù giàu trí tưởng tượng đến mấy, ông cũng không thể nghĩ rằng hơn nửa thế kỷ sau, hậu thế đã lấy tên ông để đặt cho con đường - phố này, nơi mà vào cái thuở hàn vi ấy ông đã từng sống, đi về, làm việc, suy nghĩ và mơ tưởng”.

Ông Đặng Phong đã mất. Đọc cuốn sách này có bao nhiêu người Hà Nội và chưa từng đến Hà Nội thầm ước giá mà mỗi con phố, con đường Hà Nội có một nhà viết sử “của mình” như Đặng Phong.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên