04/02/2025 18:53 GMT+7

Đảng dám nhìn thẳng điểm yếu để cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy

Chủ trương cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hiện nay do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động cho thấy Đảng dám nhìn thẳng và không che giấu những điểm yếu của Việt Nam.

Cuộc cải cách thể  - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Ảnh: TIẾN LONG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online đầu năm, PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN - Trường Kinh doanh UEH, Đại học Kinh tế TP.HCM - nhìn nhận Việt Nam đang có thời cơ rất lớn để vươn mình phát triển.

Những định hướng cải cách của Đảng hiện nay rất toàn diện, quyết liệt và có thể giúp đất nước đạt được ba yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Dám nhìn thẳng hạn chế để cải cách, tinh gọn bộ máy

* Ông nói đến ba yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Vậy những yếu tố được nhìn nhận như thế nào hiện nay?

- Trước hết nước ta đang có thời cơ rất lớn để vươn mình bởi chúng ta có thiên thời và nhân hòa. Thiên thời có được khi tình hình địa chính trị của thế giới biến động. 

Mặc dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng không ít nhưng nhờ vào sự ổn định chính trị, nước ta đang có lợi trong dòng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi yếu tố nhân hòa có được khi lực lượng lao động sau quá trình học tập, rèn luyện và phát triển đã đạt được bước thay đổi nhất định về cả chất và lượng. Chính lực lượng này sẽ tạo sự bứt phá trong giai đoạn mới.

Dù vậy chúng ta thiếu yếu tố địa lợi, tức là thể chế. Đất lành chim mới đậu nhưng những hạn chế trong thể chế chưa thật sự tạo đất lành để thu hút nhiều đại bàng đến làm tổ. 

Thể chế chưa thông thoáng, quy trình và thủ tục đầu tư còn rườm rà, phức tạp, cùng với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn là những tồn tại rất lớn.

Do đó chủ trương cải cách thể chế mạnh mẽ của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất có vai trò rất quan trọng giúp nước ta đạt được yếu tố về địa lợi.

Đảng dám nhìn thẳng điểm yếu để cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy - Ảnh 2.

Việt Nam cần cuộc cải cách mới để vươn mình thành cường quốc của khu vực, thậm chí thế giới trong 10 năm - 20 năm nữa - Ảnh: HỮU HẠNH

Vậy vai trò định hướng của Đảng trong "cuộc cách mạng" thể chế này như thế nào?

- Cuộc cải cách thể chế của Đảng hiện nay có thể so sánh với thời kỳ đất nước đổi mới sau Đại hội Đảng lần VI năm 1986. 

Chính sách đổi mới được Đảng đưa ra từ sau năm 1986 giúp Việt Nam từ nghèo đói, lạc hậu thành đất nước có thu nhập trung bình thấp, đang chuyển sang thu nhập trung bình cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc các quốc gia cao nhất thế giới.

Hiện tại khi "cơm no áo ấm" rồi, đất nước cần cuộc cải cách mới để vươn mình thành cường quốc của khu vực, thậm chí thế giới trong 10 năm - 20 năm nữa. Các chủ trương, chính sách của Đảng mà Tổng Bí thư Tô Lâm là người phát động cũng hướng đến mục tiêu này.

Thực hiện cuộc cải cách này một lần nữa cho thấy Đảng dám nhìn thẳng vào những điểm yếu, không che giấu để cải cách. Ví dụ như vấn đề nước ta đang có tăng trưởng kinh tế tốt nhưng nhìn vào cơ cấu tăng trưởng kinh tế mình đang phụ thuộc nhiều vào khối ngoại và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Vừa qua, những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề này tôi rất tâm đắc. Người đứng đầu của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận tỉ lệ nội địa hóa của nước ta rất thấp, xuất khẩu chủ yếu 72% thuộc khu vực FDI, hàng xuất khẩu chủ yếu gia công, lắp ráp. Khi dám nhìn thẳng vào điểm yếu sẽ giúp chúng ta có những giải pháp để xử lý.

Quyết liệt hành động để cải cách

* Vấn đề cải cách thể chế không phải bây giờ mới được đề cập, nhưng theo ông, điểm mới của lần này là gì?

- Điểm mới lần này nằm ở sự quyết liệt, lãnh đạo quyết và triển khai chứ không bàn tới bàn lui, bàn ra bàn vào như những lần trước cứ xin ý kiến, bàn luận kéo dài. Cuộc cải cách nào cũng cần sự quyết liệt, dũng cảm từ lãnh đạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới thành công được.

Nội chuyện nhân sự xin ý kiến, bàn tới bàn lui chắc chắn không bao giờ thành công được. Như việc tinh giản biên chế, cắt giảm bộ máy nhân sự khu vực công lâu nay đã thấy rõ thực trạng cồng kềnh, chồng chéo của bộ máy nhưng chưa dám cải cách vì sợ đụng chạm rất nhiều.

Hiện nay với tinh thần quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đã thấy rõ ràng cuộc cải cách đang thực sự diễn ra hằng ngày. Đợt tinh giản biên chế hiện nay có thể đánh giá mạnh mẽ nhất trong lịch sử.

Việc này sẽ giúp bộ máy gọn nhẹ và thể chế thông thoáng hơn rất nhiều, từ đó tập trung nguồn lực để có thể phát triển đất nước. Hiếm có quốc gia phát triển nào 9 người dân nuôi 1 công chức.

Đảng dám nhìn thẳng điểm yếu để cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy - Ảnh 3.

Hiện nay xuất khẩu nước ta chủ yếu 72% thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hàng xuất khẩu chủ yếu gia công, lắp ráp - Ảnh: HỮU HẠNH

* Theo ông, để "xây dựng đường băng" thật tốt cần những giải pháp nào?

- Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được đánh giá rất cao nhưng sau sự sắp xếp về số lượng, người dân và doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm sự thay đổi thêm về chất để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với doanh nghiệp. Việc tinh gọn phải đi cùng với việc giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

Đặc biệt cùng với tinh gọn số lượng cần sử dụng nguồn lực tiết kiệm được tăng lương cho khu vực công. Khi đã tăng lương sẽ giảm thiểu vấn đề tham nhũng, chứ hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng lương không đủ nuôi sống gia đình, vợ con, sẽ dễ sinh ra tiêu cực.

Vậy bây giờ phải làm sao lương của khu vực công ngang bằng với khu vực tư, thậm chí cao hơn để kích thích sự năng động, sáng tạo, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào.

Một trong những yếu tố người dân, doanh nghiệp đang than vãn là có nhiều thủ tục và các tầng nấc thủ tục. Bây giờ phải chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để giảm thiểu khối lượng công việc cho khu vực công, gánh vác công việc của người đã bị tinh giản.

Mặt khác, hiện chúng ta chưa có quá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, nhất là khối tư nhân. Trong khi doanh nghiệp FDI được hỗ trợ đất đai, ưu đãi thuế… để phát triển.

Điều đó làm cho 98% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này khá yếu. Trong thời gian tới, chúng ta cần chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước.

Tập trung cải cách thể chế và đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng

* Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn từ nay đến 2030, đây là thời kỳ mang tính chiến lược, có thể quyết định sự phát triển của đất nước. Ông đánh giá, nhìn nhận thế nào về những định hướng này?

- Định hướng này hết sức đúng đắn, muốn cất cánh phải có giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn này rất quan trọng, tạo tiền đề để chuẩn bị cho kinh tế đất nước cất cánh. Chúng ta cần ít nhất 5 năm chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế. Trong giai đoạn này phải tập trung cải cách thể chế tuyệt đối, mạnh mẽ.

Trong cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại" của ba nhà kinh tế Mỹ thắng giải Nobel 2024 chỉ ra nguyên nhân các quốc gia thất bại, nghèo đói không do nguồn nhân lực hay tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu do thể chế. Như vậy lãnh đạo Đảng đã nhìn nhận đúng "tử huyệt" để cải cách.

Trong giai đoạn 5 năm tới rất quan trọng, chúng ta phải tập trung cải cách thể chế và đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Để chiếc máy bay bay được, chúng ta phải xây dựng đường băng thật tốt để nó cất cánh mượt mà.

Đảng dám nhìn thẳng điểm yếu để cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy - Ảnh 4.Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn bộ máy là vấn đề khó, phải khách quan, thận trọng, dân chủ

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ phải làm tốt công tác tham mưu, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên