01/06/2014 08:52 GMT+7

Dâng con cho Tổ quốc

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT -“Nước Việt Nam mình bao đời rồi vẫn vậy. Không phải dễ mà ăn hiếp được đâu” - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đó.

Cái miệng móm xọm hay cười, hàm răng rụng hết chỉ còn một chiếc, mái đầu tóc bạc lơ thơ bới củ tỏi đằng sau ót, mẹ Trần Thị Đó (85 tuổi, ngụ P.13, Q.4, TP.HCM) tạo cho người tiếp xúc sự ấm áp, yên bình.

sXpmnX0f.jpgPhóng to
Mẹ Trần Thị Đó vui cùng cháu ngoại ở P.13, Q.4, TP.HCM trong ngày nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: T.T.D.
ReI2mMbt.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Nguyễn Kim Hoa (ngụ tại P.9, Q.5) - Ảnh: T.T.D.

Đó là sự yên bình lắng lại sau nỗi đau tột cùng của ba lần nhận giấy báo tử con trai.

7QQGMzlK.jpg
Giọt nước mắt của một bà mẹ Việt Nam anh hùng trong ngày được vinh danh - Ảnh: T.T.D

Ba lần nhận giấy báo tử

“Thằng con lớn tham gia đánh Mỹ năm Mậu Thân. Nó muốn đi tui cho nó đi vì biết không thể cản được. Nó đi rồi, tui ở nhà làm đủ thứ chuyện nuôi cả bầy con. Hồi đó tui đi bốc dỡ hàng cho tàu thuyền, vác mỗi bao hàng nặng 50-60 kg là thường. Mấy người làm chung nói tui là coi bả ốm nhách vậy chớ đàn ông làm không bằng. Hôm hay tin nó chết, tui đang gánh nước mà chết sững cả người, đôi thùng nước rớt xuống đổ hết trơn” - mẹ Đó bồi hồi nhớ lại.

"Tui già rồi, bữa rày cũng nghe đài, báo nói chuyện ngoài biển rần rần. Nhưng không ăn nhằm gì đâu. Nước VN mình bao đời rồi vẫn vậy. Không phải dễ mà ăn hiếp được đâu"

Mẹ Trần Thị Đó

Rồi đất nước thống nhất. Tưởng đau thương sẽ nguôi ngoai nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra.

Người con trai thứ hai của mẹ là Bùi Văn Hiến vừa tròn 18 tuổi lại nắm tay từ biệt mẹ lên đường. Anh vào quân ngũ năm 1978 thì chỉ một năm sau, mẹ Đó nhận được giấy báo tử.

Mẹ kể: “Cầm cái giấy báo tử của nó, tui như muốn phát điên mà không biết làm sao, khóc cạn nước mắt, xỉu lên xỉu xuống không biết bao nhiêu lần”.

Điều lạ lùng là đến năm 1980, anh Hiến khoác balô về nhà. Anh Hiến kể: “Về tới nhà, tôi không hiểu tại sao bà con xóm giềng, rồi các chị cứ ôm tôi khóc. Còn mẹ đứng chết lặng không nói được tiếng nào, hai hàng nước mắt tuôn ướt đầm vạt áo. Hỏi ra mới biết người ta báo tử nhầm vì năm 1979 là năm chiến trường Tây Nam cực kỳ ác liệt. Chuyến đó bạn bè anh em cùng đi với tôi hi sinh hết, chỉ còn tôi may mắn trở về”. Lần ấy, mẹ Đó như chết đi sống lại.

Nhưng nỗi đau dường như chưa chịu tan khi tiếng súng còn nổ. Năm 1980, khi anh Hiến trở về thì người con trai út là Bùi Văn Hiếu xin mẹ lên đường sang chiến trường Campuchia. Mẹ Đó lại để con đi. Đến năm 1982, tấm giấy báo tử thứ ba được gửi đến tay mẹ.

“Sao lần này mắt tui ráo hoảnh. Nghe đau nhói trong tim, đau xé trong ngực mà hình như tui đã cạn nước mắt để khóc rồi” - mẹ Đó nói.

Ngồi bên cạnh mẹ, anh Hiến góp lời: “Một thời gian dài sau đó, mẹ tôi vẫn nuôi hi vọng người ta báo tử nhầm giống như tôi, rồi thằng út sẽ về. Nhưng chờ hoài không thấy. Hồi nó xin đi, mẹ lo lắm. Nhưng ở nhà này như đã thành cái nghiệp - đã theo cách mạng rồi thì theo đến tận cùng. Năm thằng Út đi, nó cũng mới tròn 18 tuổi”.

Kể chuyện xưa giữa căn nhà chật, trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đản, Q.4, mẹ Đó còn khoe thằng Hùng - cháu nội của bà, con trai anh Hiến - đã tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự và đang công tác ở Quân đoàn 4. Mấy bữa rồi, nóng chuyện giàn khoan Trung Quốc, nghe đâu Hùng cũng phải cấm trại suốt ở đơn vị.

Mẹ ôn tồn: “Tui già rồi, bữa rày cũng nghe đài, báo nói chuyện ngoài biển rần rần. Nhưng không ăn nhằm gì đâu. Nước Việt Nam mình bao đời rồi vẫn vậy. Không phải dễ mà ăn hiếp được đâu”.

Còn anh Hiến ngồi bên cạnh mẹ mình thì nói: “Bây giờ nếu đất nước cần, cha con tôi sẵn sàng ra trận. Còn sức còn chiến đấu. Đất nước mình, đâu dễ buông tay”.

1G9B0bt3.jpg
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lan phải ngồi xe lăn để đến dự lễ vinh danh - Ảnh: T.T.D.

“Ráng mà giữ nước!”

“Thằng Năm nhà tui hi sinh hồi chống Mỹ. Thằng Sáu thì đi năm 1979, chết năm 1981. Còn ông chồng tui thì hi sinh năm 1968 nhưng tui không khai trong hồ sơ, chỉ khai hai thằng con vì thấy nhà có hai liệt sĩ là đủ rồi” - mẹ Phạm Thị Cục (92 tuổi, nhà ở phường Bình Trưng Tây, Q.2) cười hiền nói khẽ.

"Nó là con trai, nó đi việc nước mình sao cản được. Mình chỉ biết ở nhà vái trời cho nó đánh giặc mạnh giỏi. Rồi khi nó bỏ mình đi trước thì mình chỉ biết buồn, biết ráng gượng chứ biết làm sao. Nhưng mà mẹ không hối hận đâu"

Mẹ Phạm Thị Cục

Tôi hỏi mẹ: Đất nước thống nhất rồi, sao mẹ không giữ anh Sáu lại nhà? Mẹ trả lời: “Nó là con trai, nó đi việc nước mình sao cản được. Mình chỉ biết ở nhà vái trời cho nó đánh giặc mạnh giỏi. Rồi khi nó bỏ mình đi trước thì mình chỉ biết buồn, biết ráng gượng chứ biết làm sao. Nhưng mà mẹ không hối hận đâu”.

Già yếu rồi, không đi lại được nhiều nhưng ngày nào mẹ Cục cũng nghe con cháu bàn chuyện Trung Quốc đem tàu, đem máy bay vô lấn biển của Việt Nam.

Mẹ bực mình: “Đất nước của người ta mà qua lấn hoài”. Rồi mẹ nói: “Giờ mà Nhà nước kêu đi, con cháu tui đứa nào còn trẻ khỏe thì tui cho nó đi chớ để ở nhà làm chi. Ráng mà giữ nước chứ mất nước rồi cực lắm con ơi!”.

Cùng nỗi lòng như mẹ Cục, mẹ Nguyễn Thị Thời (84 tuổi, nhà ở Q.6, TP.HCM) dù đã lãng tai nhưng mắt còn sáng nên hằng ngày vẫn đọc được báo, biết chuyện Trung Quốc đang làm.

Mẹ nhắn nhủ: “Tui biết chiến tranh khổ lắm. Nhiều người khổ cả đời rồi. Hồi đó bắn nhau, con tui chết, nhà tui cháy. Nhưng có khổ cỡ nào cũng phải giữ được nước. Bởi nước mà mất thì nhà tan”.

Mẹ nói chiến tranh, chết chóc, đau thương mất mát mẹ nếm cả rồi, còn gì mà sợ nữa. Mà mẹ tin con cháu lớp sau cũng vững vàng như cha, như anh, như mẹ. Chỉ cần các con cháu của mẹ giữ được niềm tin.

Sự hi sinh của mẹ là tài sản vô giá

Ngày 31-5, Thành ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 89 bà mẹ có nhiều người thân hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (trong đó có 40 mẹ còn sống, 49 mẹ đã hi sinh và từ trần).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng: “Khi đất nước lâm vào đêm trường nô lệ, khi nước mất nhà tan, mẹ là điểm tựa, là niềm tin vững bền, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho chồi non, lộc biếc lớn lên thành những người con ưu tú cho đất nước. Sự cống hiến hi sinh của các mẹ là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn của dân tộc. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hi sinh tất cả không đòi hỏi gì cho riêng mình. Chỉ có mong muốn bình dị tột cùng là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với nhân dân”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên