14/06/2013 10:32 GMT+7

Dán tem bia để bảo vệ... người uống?

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Từ ngày 1-1-2014, theo quy định, rượu sản xuất trong nước phải dán tem. Bộ Công thương đang xây dựng đề án dán tem... bia. Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát đề xuất dán tem cả đồ uống, trong đó có bia.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Việt - chủ tịch hiệp hội - cho rằng việc này nhằm bảo vệ người tiêu dùng và chống thất thu thuế (!?)...

V7wmcgzD.jpgPhóng to
Tới đây tất cả loại bia khi ra thị trường phải được dán... tem Ảnh: CHÂU ANH

Ông Việt nói: “Dán tem rượu, bia sẽ có lợi cho cả Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, bên cạnh hàng chính hãng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thì hàng lậu ở VN rất nhiều. Chúng tôi tính toán riêng rượu “cuốc lủi” sản xuất nhỏ, lẻ mỗi năm lên tới 300 triệu lít. Trong khi đó, rượu sản xuất theo giấy phép chỉ khoảng 1/3 số đó, tức 100 triệu lít/năm. Thất thu thuế rất lớn. Rượu, bia là mặt hàng đồ uống cho con người, nên đã đến lúc cần phải đưa vào quản lý, vừa tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng vừa có cơ sở quản lý kiểm tra. Những năm vừa rồi đã dán tem rượu nhập khẩu. Quy định mới thì từ ngày 1-1-2014 rượu sản xuất trong nước cũng phải dán tem. Vì vậy, mở rộng dán tem bia cũng cần tính đến”.

* Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện dán tem rượu nhập khẩu nhưng chúng ta có quản lý được đâu?

- Nói thế thì vô cùng. Nếu tuân thủ hoàn toàn thì chẳng cần cơ quan nhà nước đi kiểm tra, xử lý. Có nhiều biện pháp khác để quản lý chứ không chỉ dán tem. Khâu nào chưa tốt thì tới đây phải tính toán để làm tốt hơn. Còn biện pháp dán tem là biện pháp tốt, nhiều nước áp dụng. Đã có bao nhiêu người chết vì uống rượu kém chất lượng nên theo tôi cần phải làm. Nói không quản được thì không làm nữa là không được.

* Dán tem sẽ giúp Nhà nước tăng thu thuế?

- Ngân sách nhà nước mỗi năm hiện chỉ thu được từ ngành rượu 400-500 tỉ đồng tiền thuế. Nếu dán tem, theo chúng tôi, có thể tăng lên gấp 10 lần. Tôi nghĩ dán tem chủ yếu doanh nghiệp kêu, còn người tiêu dùng không bị thiệt gì.

* Việc dán tem cả bia, với số lượng rất lớn chai và lon, sẽ gây tăng chi phí cho doanh nghiệp?

- Chắc chắn sẽ khiến tăng chi phí. Như một chai bia bình thường hiện giá thành khoảng 10.000 đồng thì dán tem sẽ mất thêm khoảng 100 đồng/chai. Nếu so tỉ lệ thì không lớn. Nhưng cái được ở nhiều khía cạnh. Hiện nay hàng lậu nhiều, có thể doanh nghiệp bị mất lòng tin, Nhà nước thì mất ngân sách. Cái nữa là doanh nghiệp sẽ phải minh bạch hơn sản lượng. Hiện có doanh nghiệp khi khoe thành tích thì nói sản lượng, lợi nhuận rất lớn. Nhưng khi khai thuế thì sản lượng lại ít đi. Dán tem sẽ góp phần khắc phục dần chuyện này.

Nhưng dán tem cũng cần tham khảo kinh nghiệm một số nước. Chúng tôi biết một số nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco... có dán tem nhưng ứng dụng công nghệ cao, như hình thức in chìm vào chai. Nên ứng dụng công nghệ cao để tăng tính hiệu quả của việc dán tem, giảm chi phí cho doanh nghiệp bởi hiện nay có doanh nghiệp quy mô rất lớn, công suất vài chục ngàn chai/giờ... Cơ quan nhà nước ban đầu có thể cần thí điểm ở một số vùng, sau đó rút kinh nghiệm để áp dụng đại trà.

* Ông BÙI TRƯỜNG THẮNG (vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương):

Cần sự đồng thuận của doanh nghiệp

Đề án mới ở giai đoạn soạn thảo, đang xin ý kiến các bộ ngành chứ chưa trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dán tem bia sẽ có những điểm khác dán tem mũ bảo hiểm. Định hướng chung là cơ quan nhà nước sẽ đứng ra cấp tem. Doanh nghiệp nào đăng ký sản xuất bao nhiêu, nếu đảm bảo các quy định của Nhà nước về chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật thì sẽ cấp, chứ không thể có việc doanh nghiệp tự in tem và dán tem. Việc dán tem này sẽ đảm bảo nhiều nhiệm vụ chứ không chỉ quản lý thuế hay chống hàng giả.

Việc dán tem với rượu (sản xuất trong nước) đang được Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chủ trì. Còn đề án dán tem bia hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu.

* Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG (vụ phó Vụ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương):

Thế giới không ai dán tem bia

Các sản phẩm đồ uống về nguyên tắc muốn được bán ra thị trường đương nhiên phải đảm bảo chất lượng, an toàn theo yêu cầu. Nhà nước đang quản lý các sản phẩm này bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng và các hàng hóa. Vì vậy việc dán tem chủ yếu để quản lý thuế, quản lý các mặt hàng nhập khẩu. Chứ thế giới không ai dán tem an toàn cả.

* Ông PHAN ĐĂNG TUẤT (chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn):

Cân nhắc chi phí và hiệu quả

Hiện nay, ở VN tiêu thụ trên 3 tỉ lít bia/năm, tương đương khoảng 7 tỉ chai bia/năm. Nếu dán tem cần tính toán xem nền kinh tế sẽ phải chi ra bao nhiêu và dán tem như thế, chi phí như thế có đảm bảo quản lý được không? Khoảng 7 tỉ chai cần dán tem, phải tính cần bao nhiêu người để đi dán tem, bao nhiêu người để quản lý cái tem ấy nữa. Nếu nói dán tem để có cơ sở quản lý thì theo tôi có thể có nhiều cách gọn nhẹ hơn, tập trung hơn. Hãy so sánh với hiệu quả trước khi quyết định.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên