25/09/2012 03:30 GMT+7

Dân tái sản xuất tại dự án "treo"

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Tại tỉnh Sóc Trăng, dự án khu công nghiệp (KCN) Cái Côn (ấp An Bình, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách) “treo” quá lâu. KCN này được công bố ra dân từ năm 2006, năm 2007 được đổi thành cụm công nghiệp Cái Côn nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.

Do chờ mãi không thấy bóng dáng KCN ở đâu, người dân địa phương đã vào những khu đất họ đã bàn giao cho chủ đầu tư để canh tác trở lại vì “thấy đất bỏ trống tiếc quá”.

gFyaJKCp.jpgPhóng to

Bà Nguyễn Thị Hoàng Em (vợ ông Phạm Văn Nhớ) thu hoạch đậu bắp trên phần đất đã giao cho chủ đầu tư cụm công nghiệp Cái Côn - Ảnh: C.Q.

Ông Phạm Văn Nhớ - một người dân địa phương - cho biết từ năm 2008 ông đã giao hơn ba công đất cặp quốc lộ Nam Sông Hậu và nhận tiền đền bù 318 triệu đồng, nhưng chủ đầu tư bỏ trống đến nay. Thấy đất bỏ quá lâu cũng tiếc, năm rồi ông Nhớ đã phát cỏ trồng đậu bắp bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Gặp chúng tôi, ông Nhớ còn phản ảnh khi ông giao hơn ba công đất nói trên, cơ quan chức năng của huyện đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 13 công đất của ông mà không cấp “giấy đỏ” mới cho phần đất còn lại, khiến ông mất quyền lợi ngay trên mảnh đất mình sở hữu vốn không bị ảnh hưởng bởi dự án cụm công nghiệp. Không có giấy đỏ thế chấp vay tiền nuôi con đang học đại học năm 4 ở TP Cần Thơ, ông Nhớ đang tính phương án cầm chiếc xe máy vốn là tài sản quý giá duy nhất của mình để đóng học phí cho con.

Một người dân ở đây là ông Hà Hữu Tiếp cho biết ông có 68 công đất trồng lúa bị dính vào dự án này nhưng chưa đồng ý giao đất. Tuy nhiên, hiện nay ông chỉ còn trồng được hơn 10 công lúa do phần lớn đất đai đã bị chủ đầu tư làm bờ bao để làm cụm công nghiệp. Ngoài đất trồng lúa, phần đất còn lại ông Tiếp chuyển sang trồng dưa hấu, cam, quýt trong khi không rành kỹ thuật trồng cây ăn trái nên nhiều lần bị thất thu, thu nhập giảm khoảng một nửa so với trước đây.

Theo ông Nguyễn Văn Đen - chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn, dự án cụm công nghiệp Cái Côn có diện tích 148ha, ảnh hưởng hơn 180 hộ dân, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án tỉnh Sóc Trăng. Ông Đen cho biết người dân địa phương đã phản ảnh nhiều lần về việc dự án “treo” và xã đã có kiến nghị, nhắc nhở nhiều lần với cấp trên về việc triển khai nhanh dự án này. Cũng theo ông Đen, dù đã có quyết định thu hồi đất đối với tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng nhưng hiện chủ đầu tư cụm công nghiệp Cái Côn vẫn chưa giao được cho các doanh nghiệp thuê đất vì nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa đồng ý giao đất.

Giám sát chặt những dự án “treo” quyền lợi người dân

“Người dân đã mất quyền lợi tám năm nay, không mua bán, xây dựng, sửa chữa nhà được. Thử đặt hoàn cảnh của mình vào vị trí người dân xem thái độ, cư xử sẽ như thế nào” - ông Dương Bá Diện, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ, phát biểu như vậy tại buổi giám sát của HĐND TP Cần Thơ ngày 24-9 về dự án xây dựng khu dân cư Tây Nam của Công ty cổ phần Liên Minh. Ông Diện đề nghị các cơ quan chức năng TP cần giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh dự án, triển khai quy hoạch điều chỉnh để không tiếp tục làm hàng trăm hộ dân bị thiệt thòi.

Dự án Tây Nam có chủ trương đầu tư từ năm 2002, đến năm 2004 có quyết định thu hồi đất. Từ đó đến nay dự án triển khai đền bù cho người dân rất ít theo kiểu da beo, không có khu tái định cư, giá thương lượng bồi thường dựa vào khung giá đất của UBND địa phương ban hành nhưng không cùng thời điểm thỏa thuận... nên người dân không đồng ý. Sau tám năm “treo” quyền lợi người dân, tháng 7-2012 UBND TP Cần Thơ mới ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này theo hướng giảm diện tích từ 22ha còn 9,6ha. Tuy nhiên, đến nay quyết định phê duyệt quy hoạch mới cũng chưa được ban hành. Liên quan đến dự án này, gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên