16/09/2014 07:39 GMT+7

​Dân số già, loãng xương tăng

LÊ THANH HÀ ghi
LÊ THANH HÀ ghi

TT - Đó là cảnh báo của các bác sĩ tại hội nghị khoa học “Loãng xương, các bệnh liên quan và phòng chống loãng xương” vừa tổ chức tại Đắk Lắk.

Tập thể dục, ăn uống đủ canxi và vận động hợp lý để ngăn ngừa loãng xương - Ảnh: Hữu Khoa
Tập thể dục, ăn uống đủ canxi và vận động hợp lý để ngăn ngừa loãng xương - Ảnh: Hữu Khoa

Theo PGS.TS Lê Anh Thư - chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, do thời gian chuyển đổi cơ cấu dân số rất nhanh, đến năm 2017 VN sẽ bước vào giai đoạn “thời kỳ già hóa dân số” và sau đó sẽ bước vào giai đoạn dân số “già” trong hai thập kỷ tới.

Nữ loãng xương nhiều hơn nam

Về sự liên quan giữa loãng xương, gãy xương và tử vong, thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Văn Khoa cho biết loãng xương đang là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và là thách thức lớn cho ngành y tế. 

Theo bác sĩ Khoa, biến chứng gãy cổ xương đùi do loãng xương gây ra cái chết cho khoảng 23,5% bệnh nhân, còn tỉ lệ tử vong sau gãy xương chậu lên tới 33,3% đối với nam và 15% đối với nữ sau năm năm theo dõi. Tỉ lệ bệnh nhân tử vong cao hơn trong những tháng đầu và năm đầu tiên sau gãy xương.

Gãy xương đốt sống cũng gây ra tử vong cho 18,2% nam giới và 15,7% đối với nữ. Ngoài ra, gãy cổ xương đùi và gãy xương đốt sống còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và giảm tuổi thọ của bệnh nhân.

Bà Lê Anh Thư cho biết VN hiện có đến 3,2 triệu người bị loãng xương, trong đó 76% là phụ nữ. Dự báo đến năm 2030, số người loãng xương ở VN là 4,5 triệu người. Trong số những người bị loãng xương có 15-20% trường hợp bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong sau một năm bị gãy xương. Nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ.

Đặc biệt 6-10% trường hợp bị gãy cổ xương đùi tử vong ngay trong khi nằm viện hoặc sau phẫu thuật. Người bị loãng xương còn có nguy cơ bị gãy xương đốt sống, thậm chí gãy xương đầu dưới hai xương cẳng tay...

Hiện nay chi phí trực tiếp cho việc nằm điều trị tại bệnh viện do biến chứng gãy xương đã khiến loãng xương trở thành một trong các bệnh mãn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất.

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Khoa - khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, sau gãy xương nếu bệnh nhân được điều trị tích cực sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không được phẫu thuật sau gãy cổ xương đùi và không được điều trị loãng xương bằng thuốc còn khá phổ biến.

Trong khi các yếu tố liên quan đến nguy cơ tử vong sau gãy xương do loãng xương ở bệnh nhân là độ tuổi và giới tính, vị trí gãy xương và mức độ gãy xương. Bệnh nhân càng lớn tuổi khi bị gãy xương càng có nguy cơ tử vong cao. Giảm tuổi thọ sau gãy xương cũng được ghi nhận.

Cụ thể, sau gãy lún đốt sống bị giảm tuổi thọ trung bình 2-6 năm cho cả nam và nữ ở độ tuổi 60-64. Tỉ lệ tử vong tức thì ngay sau gãy cổ xương đùi là 2-15% tùy theo tuổi (tuổi càng lớn tỉ lệ tử vong càng cao). Các nguyên nhân chính đưa đến tử vong sau gãy xương do loãng xương là nhiễm trùng, bệnh tim mạch, hô hấp...

Khẩu phần ăn thiếu canxi

“Trong chế độ ăn của người dân VN, các yếu tố dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D, thường không được cung cấp đủ cho quá trình cốt hóa. Khẩu phần ăn của trẻ dưới 5 tuổi mới chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi mỗi ngày. Ngoài ra còn có 54-62% trẻ em và 56-59% phụ nữ có nồng độ vitamin D trong huyết thanh thấp” - PGS.TS Lê Bạch Mai - Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết. 

Theo bà Bạch Mai, ở người trưởng thành, khối xương chiếm 14% tổng trọng lượng cơ thể. Sự tạo lập, phát triển và duy trì khối xương tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, vận động cơ thể và lượng hormone estrogen của mỗi người. Trong đó, canxi và vitamin D đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình này.

Do vậy, việc cung cấp đủ nhu cầu canxi của cơ thể, hoạt động thể lực hợp lý và sự tiếp xúc trực tiếp của da với ánh nắng mặt trời ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời có ảnh hưởng lớn đến tỉ trọng của xương, tốc độ mất xương và các tiến triển của chấn thương hoặc gãy xương.

Theo bà Bạch Mai, các thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho quá trình tạo lập và phát triển khối xương như protein; vitamin C, D, K; các chất khoáng: canxi, phosphor, đồng, mangan và kẽm.

98% tổng lượng canxi trong cơ thể được dự trữ ở xương, tạo cho xương rắn chắc và 1% lưu hành trong máu. Khi canxi trong máu giảm xuống dưới mức nhu cầu thì canxi từ xương sẽ được huy động để duy trì nồng độ canxi trong máu, nhưng sự “mượn” canxi này thường khó được bù đắp lại một cách hiệu quả.

Cung cấp đủ canxi cho cơ thể mỗi ngày

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhu cầu canxi phụ thuộc vào tuổi và tình trạng sinh lý của cơ thể: trẻ em 7-9 tuổi là 700 mg/ngày, người trưởng thành là 1.000 mg/ngày. Nhu cầu này tăng cao hơn ở phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú, phụ nữ sau mãn kinh và không khác biệt giữa hai giới.

Ở một số đối tượng có nhu cầu canxi cao cần bổ sung là trẻ em, thanh thiếu niên để tối ưu hóa việc tạo lập và phát triển khối xương.

Nguồn cung cấp canxi của cơ thể từ thức ăn và từ uống canxi bổ sung. Những thực phẩm giàu canxi như sữa tăng cường canxi, sữa bò, phomát, sữa chua, đậu nành, bánh mì; các loại rau xanh như rau cải, rau bó xôi, đậu khô, trái cây (nhất là trái cây có múi như bưởi, cam); các loại thức ăn nhiều đạm (cá hộp, thịt, sò, ốc).

Đặc biệt, sữa là thức ăn động vật duy nhất chứa nhiều canxi và là nguồn canxi tối ưu cho cơ thể để tạo lập, phát triển một bộ xương vững chắc.

LÊ THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên