Phóng to |
Bị cáo Nguyễn Thị Hoa |
Xét xử "cò" dịch vụ ngân hàng lừa đảo 33 tỉ đồng “Cò” Hoa lừa “vay ké” hơn 29 tỉ đồngLập hồ sơ khống, chiếm đoạt hơn 565 tỉ của ngân hàng
Số tiền lừa đảo thì “cò” Hoa chiếm hưởng, còn trách nhiệm phải trả nợ ngân hàng lại thuộc phần của người dân, dù các hợp đồng vay vốn được thực hiện không đúng quy trình, thủ tục.
Từ năm 2005 đến tháng 9-2009, Nguyễn Thị Hoa lợi dụng sự quen biết với một số cán bộ phòng giao dịch Tân Lợi (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Lắk) và cán bộ của xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) đã đứng ra làm “cò” thủ tục vay vốn, đáo hạn ngân hàng cho những người dân có nhu cầu.
Vì bao trọn thủ tục nên Hoa dễ dàng ghi thêm, vay ké từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vào các hồ sơ vay vốn. Trong vòng bốn năm, Hoa đã lừa vay và chiếm đoạt tổng số tiền là 33,2 tỉ đồng, trong đó người nhiều nhất là 8,8 tỉ đồng, người ít nhất là 39 triệu đồng.
Trong các nạn nhân của Hoa (60 người), đau lòng hơn cả là vợ chồng anh Nguyễn Hậu và chị Đào Thị Phúc ở buôn Sang B, xã Ea H’Đinh, Cư M’Gar, Đắk Lắk (xem bài Một chữ ký sai, hai cái chết uất).
Giữa năm 2008, cần tiền mua rẫy, đôi vợ chồng trẻ tìm đến “cò” Hoa nhờ vay giúp 110 triệu đồng. Hoa đồng ý với điều kiện anh Hậu - chị Phúc phải trích hoa hồng 10% và cho Hoa vay ké thêm 90 triệu đồng.
Số tiền vay là 200 triệu đồng nhưng Hoa chỉ đưa cho vợ chồng anh Hậu 80 triệu đồng, vì 30 triệu đồng là “chi phí hoa hồng” và tiền lãi trước ba tháng.
Cuối năm 2009, đến hẹn trả nợ Hoa đã khất lần không chịu trả, trong khi đó ngân hàng thúc ép anh Hậu - chị Phúc nếu không trả nợ sẽ bị phạt 150% tiền lãi.
Chị Phúc đã treo cổ tự tử vào tháng 8-2010. Đau đớn vì mất vợ và gánh nặng ngân hàng còn đó mà “cò” Hoa vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, anh Hậu đã tìm đến cái chết ngày 3-4-2011, bỏ lại hai đứa con thơ.
Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, anh Hậu viết: “...Nếu như sự ra đi của con mà làm lay động được chính quyền giúp đỡ, mà bà Hoa trả tiền thì hai má hãy lấy số tiền đó nuôi giùm hai cháu cho nó nên người...”.
Ông Đinh Thế Nghiêm (65 tuổi), một nạn nhân khác của “cò” Hoa, đã chết vì đột quỵ. Ông Nghiêm nhờ Hoa vay 120 triệu đồng, Hoa “ké” thêm 80 triệu đồng.
Bà Lê Thị Oanh ở buôn Sang B mang bìa đỏ bốn lô đất đến nhờ Hoa vay giúp 700 triệu đồng. Đoàn Thị Thu An, nguyên thủ quỹ phòng giao dịch Tân Lợi, chỉ đưa cho bà Oanh 230 triệu đồng lấy lý do quỹ cạn tiền, hẹn hôm sau tới.
Y hẹn, bà Oanh tới thì được An thông báo Hoa đã lấy tiền giúp rồi! Sau nhiều lần đòi, Hoa chỉ đưa thêm bà Oanh 100 triệu đồng và ghi giấy nợ 300 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao HĐXX nhận định trong bản án rằng người dân bị “cò” Hoa và các đồng phạm lừa vay nhưng vẫn bị buộc phải trả tiền cho ngân hàng, ông Nguyễn Duy Hữu - chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk - nói: “Người dân không thể hoàn toàn cho rằng mình bị lừa, vì có chữ ký nhận tiền của người dân thì ngân hàng mới xuất tiền, còn các cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật thì cứ xử lý theo pháp luật, sao bắt ngân hàng chịu được!”.
Một số vấn đề khác trong vụ án này như việc các luật sư cho rằng các hồ sơ vay vốn của người dân thông qua Hoa là các hợp đồng vô hiệu, ngân hàng phải được xem là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không thể là “bị hại” thì ông Hữu không bình luận thêm. Trong khi đó, ông Trần Đình Sơn, viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, cũng từ chối bình luận về vụ án.
Hợp đồng vay vốn là vô hiệu Theo quy định của điều 132 và 134 Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự được xem là vô hiệu khi một bên tham gia bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị ép buộc hoặc các bên không tuân thủ quy định về hình thức. Nguyễn Thị Hoa làm thủ tục vay cho các hộ gia đình mà không có bất kỳ sự ủy quyền bằng giấy tờ hay bằng miệng nhưng phòng giao dịch Tân Lợi vẫn trao tiền cho Hoa - mà không giao trực tiếp cho người vay như các bà Lê Thị Oanh, Trần Thị Quý và rất nhiều hộ khác. Trường hợp của bà Trần Thị Quý, giấy tờ nhà đất đứng tên chồng bà Quý, không có chữ ký đồng ý của ông này nhưng Hoa đã tự mạo chữ ký thay thế và một vài trường hợp khác đã không có đủ chữ ký của các chủ đồng sở hữu, nhưng phòng giao dịch Tân Lợi vẫn tiến hành thủ tục cấp vốn vay và giao tiền cho Hoa. Theo quy định của Luật công chứng tại điều 41: “1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng phải ký vào văn bản công chứng trước mặt công chứng viên”, thế nhưng phần lớn các hộ làm thủ tục vay vốn của phòng giao dịch Tân Lợi thì các giấy tờ công chứng về tài sản giao dịch là đất đai nhà cửa đều do Hoa tự ý làm. Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau tiền bạc, tài sản mình nhận được. Theo đó, những phần tiền Hoa nhận từ ngân hàng thì Hoa phải có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng. Thế nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk lại tuyên buộc các hộ dân là những người bị hại lại phải thay Hoa hoàn trả số tiền này là không đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa phòng giao dịch Tân Lợi không thể vô can trong vụ án này vì các bị cáo nguyên là cán bộ tín dụng của phòng giao dịch là đồng phạm giúp sức để Hoa lừa đảo nên phải chịu trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận