Phóng to |
Công trình nước sạch Đức Trung xây từ năm 2003 đến nay chưa được sử dụng - Ảnh: V.Minh |
Từ năm 2006-2010, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 161 công trình bể lọc, bể chứa nước, giếng khoan, cung cấp nước sạch cho dân.
Xuống cấp
Hồ chứa nước xóm Ông Trường (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) giờ đây đã thành hồ chứa... rác, cây cối bao phủ kín hồ. Đây là công trình được Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) Quảng Ngãi đầu tư 290 triệu đồng vào năm 2000 để cung cấp nước sạch cho người dân xã Sơn Dung. Anh Đinh Văn Niên, xã Sơn Dung, bức xúc: “Mấy năm nay, dân ở đây phải uống nước suối. Mùa nắng suối cạn nước, mùa mưa nước suối đục ngầu. Hồ xây xong bỏ không, thấy tiếc lắm”.
Ở huyện Sơn Hà, hàng trăm hộ dân xóm Làng Vơm (xã Sơn Thượng) bị cắt nước từ công trình nước sạch nhiều tháng nay do đường ống hư hỏng. Tại xã Sơn Kỳ, nơi nguồn nước suối bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, nước sinh hoạt cũng lúc có lúc không. Ông Đinh Tấn Bắc, phó chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, cho biết sau khi Trung tâm NSH&VSMTNT xây dựng xong thì công trình bị xuống cấp, hư hỏng nên huyện bỏ khoảng 2,5 tỉ đồng sửa chữa lại. “Địa phương đã kiến nghị huyện tiếp tục đầu tư để có nước ổn định cho dân sinh hoạt hằng ngày nhưng chưa có vốn”, ông Bắc nói.
Công trình nước sạch Đức Trung (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) được xây dựng năm 2003 với kinh phí giai đoạn 1 (bể xử lý nước và đường ống cấp) là 2,2 tỉ đồng do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Đến năm 2005, huyện Nghĩa Hành được bố trí thêm 1 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 các hạng mục còn lại, như đường ống nước cấp 2 về đến nhà dân. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Hiện công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, cây cối che phủ, hệ thống máy móc gỉ sét, dây điện bị cắt trộm. Tương tự, công trình nước sạch Hà - Sơn (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) được đầu tư trên 3 tỉ đồng, cũng bị xuống cấp trầm trọng, cửa đóng then cài, trong khi bà con đang khát nước sạch.
Lại hứa, lại chờ
Ông Bùi Bình, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, cho biết huyện được đầu tư tám công trình nước sạch nhưng phân nửa không phát huy hiệu quả. “Chúng tôi đang tìm các biện pháp khắc phục để có nước cho dân sử dụng”, ông Bình nói.
Về công trình nước sạch Đức Trung, lãnh đạo địa phương cho biết do hai năm sau mới đầu tư giai đoạn 2 nên đường ống làm trước đó bị hư hỏng, các thiết bị hư không mua được để thay thế nên thiếu đồng bộ. “Chúng tôi đang kiến nghị với tỉnh xem xét bố trí thêm vốn để khắc phục công trình nước này”, ông Lê Quang Tịnh, phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cho biết.
Đối với 13 công trình nước sạch ở sáu huyện miền núi do Trung tâm NSH&VSMTNT đầu tư, nhưng hiện có gần một nửa trong số đó bị hư hỏng, ông Nguyễn Văn Thuộc, giám đốc trung tâm, cho biết: “Các công trình nước sạch hư hỏng có nhiều nguyên nhân như không có kinh phí sửa chữa, do nạn phá rừng làm biến đổi dòng chảy, cạn kiệt nguồn nước dẫn xuống các bể chứa. Song nguyên nhân chính là do ý thức người dân không biết bảo vệ, phá hỏng, gây hư hại công trình”.
Các công trình xây dựng xong thì bàn giao về cho địa phương và địa phương giao cho cộng đồng quản lý, khai thác, sử dụng. Ông Thuộc cho rằng giao cho cộng đồng quản lý, khai thác là không còn phù hợp nữa vì “cha chung không ai khóc”, nên hầu hết công trình hư hỏng, không được khắc phục kịp thời, càng ngày sẽ hỏng thêm và không có tiền để đầu tư sửa chữa lại. “Chúng tôi đang tập trung khắc phục những công trình nước bị hư hỏng để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho dân, ưu tiên giải quyết trước mắt những vùng thật sự khó khăn về nước mà người dân không thể tự khai thác nguồn nước được”, ông Thuộc cam kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận