19/05/2018 15:27 GMT+7

Dân 'cay xè mắt' vì ớt chín đầy ruộng không ai mua

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Hàng trăm hộ nông dân tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị đang lao đao vì doanh nghiệp không thu mua ớt như cam kết, địa phương lại nói đến việc "vận động giải cứu".

Dân cay xè mắt vì ớt chín đầy ruộng không ai mua - Ảnh 1.

Nông dân Cam Lộ “cay xè mắt” vì tin dự án trồng ớt - Ảnh: QUỐC NAM

Cuối tháng 10-2017, công ty cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An (có trụ sở tại Hải Phòng) vào đề nghị huyện Cam Lộ (Quảng Trị) triển khai cho dân trồng ớt kèm cam kết sẽ thu mua ớt với giá cao. Đến khi hàng trăm hộ dân ở Cam Lộ trồng ớt theo dự án, ớt chín rụng rồi mới ngã ngửa vì doanh nghiệp đã "chạy làng".

Vẽ dự án trồng ớt rồi biến mất

Về các xã Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Thủy, và thị trấn Cam Lộ những ngày này người dân toàn nói chuyện ớt. Có tất cả hơn 17 hecta đất đã được hàng trăm hộ dân ở bốn địa phương nói trên triển khai trồng ớt từ cuối năm 2017 theo dự án trồng ớt của UBND huyện Cam Lộ ký kết với công ty cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An.

Theo cam kết, công ty này sẽ thu mua toàn bộ ớt của người dân khi ớt chín với giá 5.500 đồng/kg. Ba tháng trôi qua, đến cuối tháng 4 vừa rồi toàn bộ diện tích trồng ớt theo dự án ở huyện này đã chín rộ. Người dân ngóng từng ngày bóng dáng của đơn vị chủ dự án về thu mua, nhưng ngày qua tháng lại, ớt đã chín rục mà doanh nghiệp thì vẫn bặt vô âm tính.

Ớt dự án của nông dân Cam Lộ đã chín rục trên cây nhưng doanh nghiệp không về thu mua như cam kết - Video: QUỐC NAM

Ông Mai Quốc Phong, trú khu phố Đông Định, thị trấn Cam Lộ là một trong số hàng trăm hộ tham gia dự án trồng ớt này. Theo khuyến cáo của chủ dự án, ông trồng đến nửa hecta ớt gồm cả giống ớt chỉ thiên và ớt sừng trâu. 

Ngày 17-5, trời nắng gắt nhưng ông Phong cùng vợ và mẹ vẫn phải lặn lội ra ruộng ớt để thu hoạch trước khi ớt khô rụng.

"Giờ phải hái về phơi mà vớt vát chút tiền trả cho nhân công chớ không biết phải làm răng", ông quệt mồ hôi than thở.

Cũng như hàng trăm hộ dân khác tham gia dự án, khi mới trồng, ông Phong được khuyến khích trồng càng nhiều càng tốt. Huyện hỗ trợ một phần trong chi phí mua bạt trải trên luống đất để trồng ớt, còn gia đình ông phải lo phần chi phí nhân công cày bừa, trồng, chăm sóc.

Phía công ty cho ứng trước phần chi phí phân, giống và sẽ trừ dần vào tiền mua ớt của nông dân khi hoàn thành dự án. Ông Phong nói tính đến hiện tại đã đổ vào nửa hecta ớt này 26 triệu đồng tiền đầu tư. Số tiền này có nguy cơ "trôi sông" phần lớn.

"Ớt chín hơn nửa tháng rồi mà không thấy người mua ớt đâu. Tui gọi lên UBDN thị trấn thì thị trấn nói chờ huyện. Tui gọi lên Ủy ban huyện thì huyện nói chờ doanh nghiệp. Tui gọi ra công ty thì không liên lạc được nữa", ông Phong thở dài.

Dân cay xè mắt vì ớt chín đầy ruộng không ai mua - Ảnh 3.

Nhiều diện tích trồng ớt theo dự án của nông dân xã Cam Hiếu đã chín rục vì chờ doanh nghiệp về thu mua - Ảnh: QUỐC NAM

Vận động giải cứu

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 19-5, ông Ngô Quang Chiến - chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, xác nhận đúng là công ty cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An đã chính thức thông báo sẽ không thu mua ớt của người dân nữa. Công ty này giải thích là do việc tiêu thụ ớt hiện đang gặp khó khăn nên không thể thu mua cho người dân.

Ông Chiến nói doanh nghiệp cũng đã bỏ ra đến hơn 500 triệu đồng để đầu tư phân và giống triển khai dự án tại Cam Lộ nên khi bỏ đi, bản thân doanh nghiệp cũng bị mất luôn số tiền đầu tư này. 

"Đây là sự cố không mong muốn. Thị trường không thuận lợi nên doanh nghiệp cũng khó khăn", ông Chiến nói.

Cũng trong ngày 18-5, UBND huyện Cam Lộ đã có văn bản gửi các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện để cùng tham gia "giải cứu" ớt cho người dân. Ngoài việc vận động tìm đầu mối tiêu thụ ớt cho dân, UBND huyện còn kêu gọi cán bộ công chức trên địa bàn mua ớt giúp người dân.

Ngoài ra, ông Chiến còn cho biết huyện cũng sẽ hỗ trợ giống chuyển đổi cây trồng cho những hộ tham gia dự án trồng ớt này. "Ngay cả tôi cũng vừa mua giúp dân một tạ ớt", ông Chiến cho hay.

Giải cứu nông sản, rồi sao nữa? Giải cứu nông sản, rồi sao nữa?

TTO - Nếu "giải cứu" hồ tiêu trong nước thì doanh nghiệp sẽ nhập hồ tiêu từ Campuchia, Brazil về, vô tình ta "giải cứu" luôn cho các nước. Cho nên cứ "giải cứu" thì không biết đến bao giờ.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên