11/01/2015 07:49 GMT+7

Dân canh gác không cho xe tải chở than

ĐỨC BÌNH - TIẾN THẮNG
ĐỨC BÌNH - TIẾN THẮNG

TT - Từ ngày 5-1 đến nay, hàng trăm người dân thuộc hai thôn Đá Bạc và Bạch Đằng tiếp tục dựng lều bạt, làm hàng rào đá, thay phiên nhau canh gác không cho xe tải chở than ra vào khu vực đê Đá Bạc.

Người dân căng bạt chặn xe tải chở than đi vào khu vực hai thôn thuộc xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) - Ảnh: Tiến Thắng

Sáng 10-1, ông Đào Xuân Lợi - chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) - cho biết từ năm 2004 các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến than bắt đầu mọc lên tại đây. Đến nay có 15 doanh nghiệp.

Mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải di chuyển suốt ngày đêm khiến tiếng ồn cùng bụi than phủ kín mặt đường, cây cối, nhà cửa của dân. Tình trạng ô nhiễm khiến gần 400 hộ dân (trên 1.000 dân) trong khu vực bức xúc.

Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2007 các công ty có hỗ trợ người dân tiền để hằng ngày thuê xe phun nước trên tuyến đường nhằm giảm bụi. Tuy nhiên, hơn 10 ngày trở lại đây, phía đơn vị phun nước đã ngừng dịch vụ vì các doanh nghiệp không trả đủ số tiền công.

Ông Phạm Khắc An (80 tuổi), một người dân ở thôn Đá Bạc, cho biết: “Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền và yêu cầu các công ty kinh doanh than trong khu vực phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm do bụi than gây ra, nhưng cả chục năm vẫn không ai đứng ra giải quyết”.

Tại hiện trường, trên tuyến đường đê dài gần 2km (từ quốc lộ 10 dẫn vào thôn), người dân dựng 5-6 lớp đá tảng chắn ngang đường nhằm ngăn xe tải đi lại. Hai lều bạt lớn được dựng lên trên mặt đường đê cách nhau khoảng 500m ở đầu mỗi thôn.

Còn bên ngoài đê, các “núi than” vẫn cao lừng lững trên 10m thi thoảng lại tung bụi mịt mù theo từng luồng gió.

Theo ông Lợi, từ năm 2009, sau mỗi lần người dân, xã kiến nghị, huyện cũng chỉ đạo các phòng ban liên quan tổ chức họp với doanh nghiệp và người dân.

Tại các cuộc họp, dân yêu cầu giảm ô nhiễm, hoạt động không quá 22g đêm, hạ độ cao các đống than xuống 3-5m, hằng ngày phun nước tưới đường và có chính sách bồi thường thiệt hại về sức khỏe, về kinh tế với mức 2-3 triệu đồng/hộ/tháng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không đáp ứng hết các yêu cầu trên và tình hình chỉ được cải thiện một thời gian ngắn sau cuộc họp rồi tình trạng ô nhiễm lại tăng. Mới đây, sau khi dân chặn xe ngày 6-1, phòng tài nguyên - môi trường huyện cùng xã, doanh nghiệp họp bàn về việc này.

Tại cuộc họp, một lần nữa xã lại nêu kiến nghị. Và đặc biệt các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm y tế cho toàn bộ dân hai thôn, đồng thời phải bồi thường 2-3 triệu đồng/hộ/tháng cho những thiệt hại về sức khỏe, môi trường, kinh tế mà dân đã, đang và sẽ phải hứng chịu.

“Xã ủng hộ dân, nhưng phía doanh nghiệp chỉ hứa đáp ứng một số yêu cầu về giảm thiểu ô nhiễm, còn việc đền bù thì chưa nhắc đến” - ông Lợi nói.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Trần Lanh, chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, khẳng định chỉ khi nào các doanh nghiệp thống nhất cách xử lý, giải quyết được với xã, với dân thì họ mới được hoạt động trở lại.

Trường hợp các bên không thống nhất, những doanh nghiệp vẫn để tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến dân thì khi đó huyện sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp.

ĐỨC BÌNH - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên