Hát ví trên sông Lam (Nghệ An) - Ảnh: Sỹ Minh |
Ngày 27-11, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ở Paris (Pháp), bà Ðinh Thị Lệ Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đã phát biểu: “Dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO vinh danh là cơ may cho cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian được dịp nâng cao nhận thức và tiếp tục tìm tòi phát hiện thêm những ý nghĩa bổ ích nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này”.
Nhớ lại năm tháng dân ca ví, dặm bị mai một về không gian diễn xướng thay vì được người dân quê “phô diễn” trong những buổi lao động như trèo non hái củi, chèo đò ngược sông, thợ thuyền ra đồng gặt hái và quay tơ dệt vải... để đỡ mệt nhọc, người dân xứ Nghệ không quên ơn những người có tâm huyết với loại hình nghệ thuật này.
Trong số đó có ông Phạm Xuân Cần - phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ. Năm 2002, khi đang làm phó bí thư Thành ủy Vinh, một lần về làm việc với chi bộ cơ sở tại Nhà hát Dân ca Nghệ - Tĩnh, ông Cần nêu ý kiến trăn trở: “Ví, dặm của mình là một di sản quý bởi phong phú về đề tài lao động và có giá trị nghệ thuật cao. Hàng trăm năm nay có hàng triệu người dân biết đến ví, dặm Nghệ - Tĩnh. Không gian diễn xướng của ví, dặm rất khác với nhạc cung đình ở Huế hoặc cồng chiêng Tây nguyên. Nay không gian diễn xướng đang bị mai một dần nên chúng ta cần khẩn cấp xây dựng đề án khôi phục và phát huy vốn dân ca ví, dặm tiến tới làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại”.
Lúc đó ý kiến của ông Cần vấp phải một số phản ứng “dân ca ví, dặm có gì mà di sản, di siếc”. Thế nhưng những người tâm huyết với dân ca vẫn âm thầm “tái tạo” lời ca câu hát của người nông dân từ ngàn xưa.
NSND Trịnh Hồng Lựu - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - không giấu được cảm xúc khi biết tin dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO vinh danh: “Là một ca sĩ trưởng thành từ phong trào hát dân ca ví, dặm, tôi thấy hạnh phúc vô bờ. Hạnh phúc bởi cả một chặng đường dân ca ví, dặm với nhiều thế hệ từ ngàn xưa biết bao thăng trầm nay đã đi xa, giờ đã được cả thế giới biết đến.
Dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh có ưu điểm tiếng địa phương rất rõ. Ngôn ngữ của nó chỉ có người Nghệ - Tĩnh hát được, thực hành được và truyền dạy được. UNESCO vinh danh có nghĩa giao trách nhiệm cho chúng tôi làm sao để loại hình nghệ thuật này sống mãi trong không gian mới, để người sau nhớ về cha ông mình đã lao động và sáng tạo như thế”.
TS Trương Quốc Bình - ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia VN, người trực tiếp tham gia thẩm định hồ sơ đề cử dân ca ví, dặm trước khi trình UNESCO - không giấu được niềm vui trong đêm 27-11: “Tôi rất bồi hồi, xúc động. Tình cảm lạ lắm khi dân tộc mình có thêm được một thành tựu để góp phần tôn vinh các di sản văn hóa của VN”. Tuy nhiên, ông cho rằng bên cạnh “vầng hào quang” còn phải đi liền với các trách nhiệm quản lý, bảo tồn và phát huy, làm sao cho những di sản có thể sống được, nhất là những di sản văn hóa phi vật thể. “Vì đó là những di sản phi vật thể nên rất dễ bị biến dạng, bị tan loãng, bị những tác động hoặc bị lãng quên. Chúng ta đang đứng trước thách thức rất to lớn là muốn duy trì, phát huy di sản thì phải chăm lo cho đội ngũ nghệ nhân cao tuổi. Hiện nay chúng ta đang làm không tốt việc chăm lo, đãi ngộ các nghệ nhân dân gian. Chúng ta phải biết trân trọng những nghệ nhân còn sống thì mới hi vọng 20 năm nữa, chúng ta có một thế hệ biết và hiểu về di sản âm nhạc dân gian truyền thống” - TS Trương Quốc Bình trăn trở. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận