TTO - Họ là những người ăn cơm trần thế nhưng đam mê khám phá thế giới dưới lòng đất, cốt để thỏa mãn đam mê, chiêm ngưỡng những kỳ quan do thiên nhiên tạo ra trong các hang động.

Đeo trên người chiếc balô đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ sơ cứu, đồ ăn thức uống, quần áo... với trọng lượng 30-40kg, các thành viên Hội Thám hiểm hang động Việt Nam bắt đầu đi vào hang tối.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 1.
Đam mê trong lòng đất - Ảnh 2.


* Có rất nhiều môn thể thao thú vị trên mặt đất, vì sao anh lại chơi môn thể thao mạo hiểm là thám hiểm hang động?

- Tôi là người có lối sống phóng khoáng, đam mê trải nghiệm và chơi rất nhiều môn thể thao: chạy bộ, leo núi, xê dịch bằng xe máy.

Gia đình tôi có truyền thống làm ngành y, tôi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, nhưng sau khi ra trường không làm bác sĩ mà mở một công ty công nghệ, đến nay vẫn theo đuổi lĩnh vực này.

Năm 2014 tôi đi phượt ở Thanh Hóa và đến nhà một người bạn. Bạn tôi nói là gần đó có một cái hang nước rất đẹp nhưng dân ở đó không ai dám đi sâu vào trong vì sợ. Hang đó là nguồn cung cấp nước cho cả bản.

Thấy thú vị nên tôi đã rủ bạn đi vào hang để khám phá xem có gì hay, cuộc thám hiểm diễn ra từ 8h sáng tới 2h chiều và những gì tôi nhìn thấy thật không gì diễn tả được. Cảnh sắc trong hang tuyệt đẹp với các nhũ đá khổng lồ và những hồ nước trong vắt.

Những điều tôi trông thấy thật khác xa với những hang khai thác du lịch, lắp nhiều đèn xanh đỏ nhấp nháy lòe loẹt.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 3.

* Anh kết nối thế nào với những người có cùng đam mê khi mà việc thám hiểm hang động quá mới mẻ với nhiều người Việt Nam, ngay cả với dân mê thể thao mạo hiểm?

- Sau chuyến thám hiểm đầu tiên, tôi đã chủ động lên Facebook cá nhân kêu gọi, tìm kiếm những người có cùng niềm yêu thích đi thám hiểm các hang động chơi cùng tôi.

Người có cùng đam mê với tôi không phải ít, chúng tôi đã thành lập Hội Thám hiểm hang động Việt Nam vào năm 2014. Hội hoạt động trên Facebook và cùng nhau đi thám hiểm rất nhiều hang động ở khắp mọi miền đất nước suốt 5 năm qua.

Đi thám hiểm hang động một người thì không được vì rất nguy hiểm, nhưng nếu vào một hang đi quá đông cũng nguy hiểm.

Hội chúng tôi hiện có hơn 3.000 thành viên, trong đó có 20-30 thành viên hoạt động thường xuyên. Trung bình mỗi tháng hội tổ chức một chuyến thám hiểm và trước khi đi có đội ngũ đi tiền trạm (thường là tôi).

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 4.
Đam mê trong lòng đất - Ảnh 5.


* Để có thể bước vào hang tối, sâu, có khi ngập nước vài kilômet, người đi thám hiểm hang động cần những điều kiện gì?

- Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là phải có bản lĩnh vượt qua nỗi sợ hãi. Có nhiều hang cạn (không có nước) việc đi lại không quá tốn sức, không đòi hỏi nhiều kỹ năng hay phải có sức khỏe vạm vỡ, người bình thường cũng có thể đi được.

Dụng cụ tối thiểu để mang vào hang gồm mũ bảo hiểm, đèn chiếu sáng, quần áo và giày dép cho người đi hang. Các thiết bị cho dân đi hang ở VN không nhiều nên chúng tôi thường phải đặt từ nước ngoài mang về.

Đồ cũng tương đối đắt nên có điều kiện thì mua một lúc, không thì mua dần dần. Nếu đi một lần thì bạn có thể thuê dụng cụ của hội chứ không nhất thiết phải mua trang thiết bị đi hang.

Các thành viên Hội thám hiểm hang động Việt Nam đi thám hiểm các hang động ở khắp Bắc, Trung, Nam. Để thám hiểm họ phải bơi, trèo, luồn lách... qua những hố sâu, vách cao, hồ rộng vô cùng nguy hiểm

* Sau 5 năm anh và các đồng đội của mình đã đi thám hiểm bao nhiêu hang, cái gì thu hút các anh nhất trong những hang tối đó?

- Cá nhân tôi đã thám hiểm trên 30 hang khắp mọi miền đất nước, từ những hang đá vôi sâu thẳm ở miền Bắc, tới những hang nước tuyệt đẹp ở miền Trung hay những hang núi lửa bụi bặm ở miền Nam.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 7.

Sức hút của các hang động với tôi chính là vẻ đẹp tuyệt vời nhưng tối tăm và tĩnh lặng của nó. Không bút mực nào có thể diễn tả được cảnh đẹp trong hang với những nhũ đá, hồ nước trong xanh, không khí trong lành và các sinh vật mà ngoài mặt đất không bao giờ nhìn thấy.

Khi đi vào hang, tôi có cảm giác như mình được sống ở một thế giới khác, mọi thứ bên ngoài kia đã bị bỏ lại phía sau cửa hang.

Hang sâu thật tối tăm và tĩnh lặng, hầu như chỉ có tiếng tí tách của những giọt nước rơi từ vách đá trong hang. Khi đi vào hang sâu mới thấy thiên nhiên kỳ vĩ và con người nhỏ bé thế nào.

Ngoài ra, cảm giác "chinh phục" - đặt chân tới điểm tận cùng của hang sâu - cũng là một trải nghiệm đáng nhớ, sẽ theo ta suốt những năm tháng của cuộc đời.

* Các anh thường mang những gì để có thể chinh phục hang tối, nguy hiểm?

- Hang có hai loại: hang thẳng (không có hố sâu) cứ vào rồi đi thẳng, không quá khó để chinh phục; hang đu dây (thường là hang có nước) cứ đi một đoạn lại xuống một hố sâu.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 8.

Đồ đạc cho một chuyến thám hiểm hang nước

Muốn chinh phục hang đu dây, người đi hang phải có các trang thiết bị chuyên dụng như dây, móc leo núi, trang thiết bị bảo hộ, áo phao, đồ sơ cứu, quần áo, giày dép, túi chống nước, đèn chiếu sáng (thường phải có 3 cái)...

Mỗi chuyến thám hiểm thường mất 8-10 tiếng và đôi khi có chuyến ở trong hang 2-3 ngày.

Ngoài các thiết bị này ra chúng tôi còn có dụng cụ sơ cứu, phòng trường hợp có người bị thương. Bên cạnh đó là đồ ăn, người đi hang phải mang đồ ăn nhiều năng lượng và nhẹ như chocolate, hoa quả sấy, gel năng lượng... đồ nấu ăn, nếu ở trong hang 2-3 ngày.

Quần áo cũng cần bởi sau khi bơi qua hồ nước nếu cần ở trong hang lâu phải có quần áo khô để thay, chống nhiễm lạnh. Tất cả rác, đồ ăn thừa chúng tôi đều mang ra khỏi hang sau mỗi chuyến thám hiểm.

Trung bình trang thiết bị chúng tôi đeo vào người để đi hang nặng 5-10kg, còn với những hang đu dây thuộc hàng "top" của Việt Nam thì thường 30-40kg.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 10.

* Anh từng gặp nguy hiểm khi đi chinh phục hang động chưa?

- Môn thể thao nào cũng có nguy hiểm nhất định chứ không chỉ riêng môn thám hiểm hang động. Tuy nhiên hiểm nguy chỉ xuất hiện khi chúng ta cẩu thả, quên một thao tác bảo hộ nào đó.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 11.

Năm 2016, trong quá trình chinh phục hang sâu nhất Việt Nam - hang Cống Nước (Lai Châu) với độ sâu 600m, tôi đã bị ngã ở độ cao 40m xuống vực.

Lý do bởi 10h đêm chúng tôi mới có được giấy phép của chính quyền địa phương cho phép vào hang sau một ngày vất vả chạy lên xã, rồi lên huyện xin phép.

Mệt mỏi và đầu óc không tỉnh táo nên tôi quên mất không móc một chiếc móc bảo vệ và bị ngã xuống hố. Lúc đó tôi bị rách đầu, vỡ hai gót chân, gãy xương đùi, vỡ xương cột sống.

Tôi đã phải nằm yên dưới hố cùng một người bạn trong gần hai ngày mới được kéo ra khỏi hang. Khi đó tỉnh Lai Châu điều động 30 cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến đưa tôi ra nhưng hang quá sâu, lực lượng cứu hộ cũng bó tay.

Phải đến khi các bạn của tôi vào bản mượn được một chiếc tời kéo xích thì mới kéo được tôi lên khỏi hố sâu. Rất may do từng học y khoa nên tôi bình tĩnh, tự đánh giá được tình hình và nhờ người bạn sơ cứu nên sức khỏe tôi tạm ổn định cho đến khi thoát ra.

Sau khi được đưa về Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, tôi mất 2 tháng nằm viện phẫu thuật và cần thêm 4 tháng nữa mới có thể tập đi trở lại được. Chuyến đi của cả đoàn vì thế bị hủy và từ đó đến nay chưa ai chinh phục được hang này.

Phải nói thêm là hang Cống Nước được các chuyên gia hang động người Bỉ phát hiện cách đây 15 năm và từ đó đến nay chưa có người Việt Nam nào thám hiểm được nó. Tôi luôn ấp ủ có ngày tôi và hội sẽ trở lại chinh phục hang này.

* Để được thám hiểm các hang động, các anh có phải xin phép ai hay tự ý đi vào?

- Hầu hết muốn vào hang phải được sự cho phép của chính quyền địa phương và dân bản địa. Lý do bởi đi vào hang rất nguy hiểm, nếu không có kỹ năng sẽ nguy hiểm tính mạng.

Dù vậy hiện nay ở Việt Nam không có một quy định, quy trình nào cấp phép cho những cá nhân, tổ chức như chúng tôi được vào hang. Vì vậy, tôi mong trong những năm tới, thám hiểm hang động sẽ được nhiều người biết tới và tham gia.

Từ đó chúng tôi sẽ chính thức thành lập "Hiệp hội Thám hiểm hang động Việt Nam", để người Việt chúng ta có thể tự thám hiểm những hang động kỳ vĩ trên đất nước hình chữ S mà không phải "nhờ" những nhà thám hiểm nước ngoài "thám hiểm hộ" như hiện nay.

Đồng thời qua đó hội sẽ có đơn vị chủ quản để hoạt động thám hiểm hang động đi vào chiều sâu và được các địa phương nơi có hang động hỗ trợ.

* Du lịch thám hiểm hang động với thế giới không xa lạ, nhưng ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ (ngoại trừ một số hang lớn đã được chính quyền cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác). Anh có thấy tiềm năng để phát triển du lịch bằng thám hiểm hang động tại Việt Nam?

- Việt Nam có rất nhiều hang động đẹp, nguyên sơ. Tiềm năng để phát triển môn thể thao mạo hiểm và thám hiểm hang động kết hợp du lịch là vô cùng lớn.

Nếu ngành du lịch và chính quyền địa phương biết cách khai thác thì sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngành du lịch và trước tiên là có lợi cho người dân nơi có hang đó. Khi chúng tôi đi thám hiểm các hang động, chúng tôi là người mang về nguồn thu cho người dân địa phương.

Trong tương lai, chúng tôi không chỉ thám hiểm hang động ở Việt Nam mà còn đi thám hiểm một số hang ở các nước quanh khu vực. Nó thực sự là môn thể thao thú vị và có sức hút kỳ lạ.

Đam mê trong lòng đất - Ảnh 13.
Đam mê trong lòng đất - Ảnh 14.

KHƯƠNG XUÂN
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên