06/01/2017 11:00 GMT+7

Đam mê được đền đáp

T.PHÚC - H.ĐĂNG
T.PHÚC - H.ĐĂNG

TT - Từ gia cảnh nợ nần, nỗi tự ti về cơ thể khiếm khuyết, nhưng với nỗ lực và niềm đam mê thể thao mãnh liệt đã giúp nhiều VĐV khuyết tật vượt qua tất cả, chuẩn bị hành trang cho tương lai sau ngày giải nghệ.

Mỗi tối, Thanh Tùng vẫn thường đảo một vòng kiểm trả dãy nhà trọ của mình. Ảnh: T.P
Mỗi tối, Thanh Tùng vẫn thường đảo một vòng kiểm trả dãy nhà trọ của mình. Ảnh: T.P

Những ngày cuối năm dù không tập trung cùng đội tuyển nhưng các VĐV khuyết tật vẫn bận rộn với công việc mưu sinh của mình.

“Ông chủ” Võ Thanh Tùng

Trên đôi chân teo tóp vì cơn sốt bại liệt khi mới lên 4 tuổi, kình ngư Võ Thanh Tùng - người giành HCB ở Paralympic Rio 2016 - vui vẻ, thoăn thoắt đi pha đồ uống mời chúng tôi trong quán cà phê của anh ở Cần Thơ. Quán cà phê của Thanh Tùng nằm ở quận Bình Thủy, ngay bên cạnh Bệnh viện Đa khoa quận, nhờ thế quán luôn tấp nập khách mỗi buổi sáng. “Quán bán từ sáng sớm đến chiều, mỗi ngày mẹ và tôi bán được cả trăm ly nước, lời được vài trăm ngàn đồng. Số tôi cũng may mắn bởi hồi mua căn nhà này, khu vực vẫn còn rất hoang sơ, bệnh viện cũng vừa mới được xây xong cách đây vài tháng, nhờ vậy mà tôi bỗng dưng có cơ hội làm ăn. Bà con quanh đây cũng thương, ủng hộ nên thường đến quán của tôi” - anh Tùng kể.

Tất bật nửa ngày trời pha đồ uống, bưng bê mời khách, đến tối anh Tùng cũng chẳng rảnh rỗi gì hơn khi phải vội vã dọn dẹp đồ đạc trong quán. Trên đôi chân teo tóp, bước đi của kình ngư 32 tuổi này tuy xiêu vẹo, tập tễnh nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Vừa xong công việc ở quán cà phê, anh Tùng phải chạy qua dãy phòng trọ cho thuê ở gần đó để dọn dẹp. Đến tối mịt anh mới về đến nhà chơi đùa cùng cậu nhóc Rio, đứa con đầu lòng mà anh đặt tên để kỷ niệm chiếc HCB Paralympic Rio 2016, mới vài tháng tuổi. Nhanh nhẹn, dũng mãnh trên đường đua xanh, chàng kình ngư khuyết tật này hóa ra đã trở thành “ông chủ” nơi quê nhà.

“Quán cà phê này tôi mua rồi xây lại từ hồi năm rồi với chi phí vào khoảng 1,2 tỉ đồng, phần lớn là bằng số tiền thưởng tôi nhận được ở Asian Para Games 2014 (giành 5 HCV). Tôi còn nhớ cảm giác sung sướng, có phần hãnh diện khi lần đầu tiên mua được cho ba mẹ một căn nhà đàng hoàng cách đây 6 năm. Đó là sau Asiad 2010, tôi nhận được hơn 100 triệu đồng tiền thưởng cho thành tích 1 HCV, 1 HCB. Trong thời gian thi đấu, tôi tích cóp, không dám ăn xài gì nên bây giờ mua được thêm một căn nhà lớn, chia ra làm phòng trọ cho thuê” - anh Tùng kể.

Để có được cơ nghiệp vững chắc như bây giờ, anh Tùng đã phải trải qua vô vàn gian khó. Sinh trưởng ở An Giang, Tùng có một tuổi thơ đầy biến cố khi ba mẹ anh làm ăn thua lỗ, nợ nần đến phá sản, phải bỏ xứ lang bạt đến Cần Thơ lập nghiệp. Khổ từ nhỏ nên Tùng quyết chí theo nghiệp học hành để có thể phụ giúp ba mẹ. Sau khi tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông ở trường cao đẳng kỹ thuật, ra trường Tùng có được công việc ổn định ở các công ty viễn thông, công việc chủ yếu của anh là sửa điện thoại, thu nhập cũng có lúc lên được 7-8 triệu đồng/tháng.

Thế rồi niềm đam mê bơi lội ập đến, mang lại nhiều hi vọng nhưng thử thách cũng cực lớn với anh. Tùng kể: “Tôi đã phải nghỉ việc vì theo nghiệp bơi lội. Mỗi lần tập trung cùng đội tuyển, đi dự giải lại mất vài tháng. Không có công ty nào chấp nhận cho tôi đi làm kiểu đó cả. Thời gian đầu tôi thực sự khổ tâm lắm vì hồi đó đi bơi cấp tỉnh, mỗi HCV chỉ được thưởng 300.000 đồng, so ra không thể nào bằng một công việc ổn định được. Nhưng may mà cuối cùng cuộc đời tôi cũng viên mãn, những hi sinh, gian khổ mà tôi từng trải qua cũng được thể thao đền đáp”.

Thể thao giúp theo đuổi những đam mê khác

Thành Trung tỉ mỉ chuẩn bị cho một buổi biểu diễn cận tết. Ảnh: T.P
Thành Trung tỉ mỉ chuẩn bị cho một buổi biểu diễn cận tết. Ảnh: T.P

Không phải VĐV nào cũng có thể kinh doanh, lại có dịp may gặp cơ hội như Võ Thanh Tùng. Dù vậy, con đường thể thao cũng giúp rất nhiều người có được cuộc sống thoải mái, theo đuổi đam mê cũng như tận hưởng những niềm vui họ từng không dám mơ đến. Điển hình như Nguyễn Thành Trung - đồng đội của Thanh Tùng ở tuyển bơi lội khuyết tật, sinh sống ở quận Cái Răng - Cần Thơ.

Trước khi đến với bơi lội, Trung làm nghề đánh cá, thi thoảng đi biểu diễn hip-hop ở các sự kiện. Với chàng VĐV tuy bại liệt chi dưới nhưng có đôi bờ vai cường tráng, mạnh mẽ này, âm nhạc mới là niềm đam mê lớn nhất của đời anh. Tuy đi diễn cũng được kha khá, “có đêm được đến 6 triệu đồng” - theo lời kể của Trung - nhưng gia cảnh khó khăn không cho phép anh được thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Anh Trung nói: “Hồi đó, một người quen bán dàn nhạc giá 13 triệu đồng, tôi mê lắm nhưng không cách nào mua nổi. Mãi đến sau Para Games 2013 - giải đấu tôi giành 2 HCV, tôi mới gom góp đủ tiền mua một dàn loa cho mình”. Và cũng từ dàn loa đầu tiên đó, tiệm âm thanh Thành Trung ra đời. Ngoài nghiệp bơi lội, anh Trung cho thuê loa, buôn bán thêm một số phụ kiện máy móc lặt vặt.

So với các đồng nghiệp, cái tết 2017 của Lê Văn Công - lực sĩ cử tạ giành chiếc HCV lịch sử cho thể thao khuyết tật VN ở Paralympic 2016 - lại càng ấm áp hơn. Hạnh phúc của Công rất giản đơn: được về quê ăn tết. Lê Văn Công kể: “Năm nay tôi sẽ đưa vợ con về quê ăn tết. Đây chỉ mới là lần thứ hai tôi đón tết ở quê sau hơn 13 năm tha hương. Đặc biệt, nhờ thành tích giành HCV và phá kỷ lục thế giới tại Paralympic nên gia đình tôi có điều kiện để lần đầu đi máy bay về quê ăn tết”.

Công cho biết thêm là anh gần như không có thời gian nghỉ ngơi sau khi trở về từ Paralympic Rio. Công phải lao vào làm việc để kịp tiến độ giao hơn 1.000 chiếc ampli, loa... các loại cho các mối hàng. Và trước khi lên máy bay về quê ăn tết, Công còn phải làm thêm vài trăm cái. Công cho biết: “Tôi muốn dành cho cha mẹ sự bất ngờ nên chưa thông báo cụ thể ngày về quê. Nhưng đến mùng 8 tết tôi phải trở lại TP.HCM để tập luyện chuẩn bị cho những giải đấu lớn trong năm 2017 như Giải cử tạ người khuyết tật vô địch thế giới vào tháng 7, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) vào tháng 9... Tôi mong ước sẽ có một năm mới thành công hơn nữa”.

Chút tình trả cho đời

Quán cà phê của anh Tùng còn đặc biệt hút khách với một bình nước đun sôi rất lớn anh đặt cho người nhà bệnh nhân ở bệnh viện gần đó lấy miễn phí. Giải thích về nghĩa cử của mình, anh Tùng chia sẻ: “Tôi cũng hay ra vào bệnh viện nên biết chuyện lấy nước này nọ rất khó khăn. Với lại, đời tôi cũng từng được nhiều người giúp đỡ, nên giờ mình giúp ai được chút gì thì đó cũng là cách trả ơn với đời”.

Anh Tùng cho biết hồi anh xây căn nhà đầu tiên cho ba mẹ, một ông chủ vật liệu xây dựng đã hào phóng tặng phần lớn các loại vật liệu cho anh. Hay khi anh còn hành nghề sửa điện thoại, các chủ tiệm cũng thường thương mà giúp đỡ anh một số việc.

T.PHÚC - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên