13/11/2010 06:38 GMT+7

Đảm bảo quyền tranh luận ở tòa dân sự

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 12-11, chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. So với quy định hiện hành, dự luật lần này bổ sung nhiều nội dung mới để bảo vệ đến cùng quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trước hết là bổ sung nguyên tắc tranh luận vào điều 21a: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, tòa án tạo điều kiện để các bên tranh chấp thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: “Nguyên tắc này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng tại tòa án, từ giai đoạn thụ lý vụ án dân sự đến giai đoạn thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận không chỉ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn quán triệt các thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền tranh luận”.

Về trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót, Ủy ban Tư pháp đồng tình với TAND tối cao khi cho rằng có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tòa án mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian xem xét; cạnh đó có những trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp thời phát hiện sai sót.

Các nguyên nhân trên làm quyền và lợi ích của đương sự bị ảnh hưởng do không có cơ chế giải quyết. Do đó, dự luật được sửa đổi theo hướng nếu hết thời hạn kháng nghị mà người có thẩm quyền phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật thì khiếu nại đó vẫn được giải quyết.

Vẫn theo Ủy ban Tư pháp, thời gian qua có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định nhưng không có cơ chế giải quyết lại (pháp luật hiện hành quy định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nên không ai có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - NV), đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Để khắc phục vướng mắc này, dự luật quy định một thủ tục đặc biệt để Hội đồng thẩm phán được tự mình xem xét lại quyết định có sai lầm nghiêm trọng khi có kiến nghị của chánh án TAND tối cao hoặc viện trưởng VKSND tối cao.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên