27/02/2017 09:45 GMT+7

Đắk Lắk từ chối cho người cụt chân học lái ôtô

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Một người khuyết tật (cụt chân phải) muốn học lái ôtô số tự động hạng B1 nhưng bị Sở GTVT từ chối. Trong khi đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lại khẳng định người này “đủ điều kiện”.

Cách đây hơn 20 năm, bác sĩ Lê Xuân Quang (56 tuổi, trú xã Cư Né, Krông Búk, Đắk Lắk) bị tai nạn lao động và cụt mất một chân phải qua đầu gối, sức khỏe vẫn ổn định và làm việc tốt.

“Hằng ngày tôi đi từ nhà đến bệnh viện khoảng 5km nên muốn lái ôtô để thuận tiện hơn, nhất là những lúc mưa gió” - ông Quang giãi bày.

Bên đồng ý, bên nói không

Qua tìm hiểu, ông Quang biết được có một người ở Hà Nội bị cụt chân như mình vẫn được học lái xe nên đăng ký.

Ngày 16-8-2016, ông Quang được Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) xác nhận trong giấy khám sức khỏe của người lái xe là “sức khỏe loại III, đủ điều kiện lái ôtô hạng B1”.

Tiếp đó ông Quang đến Trường trung cấp nghề Vinasme Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đăng ký học lái ôtô hạng B1 nhưng đơn vị này từ chối.

“Vinasme nói họ đã tham khảo ý kiến của Sở GTVT nhưng đơn vị này không đồng ý cho tôi học. Tại sao nơi được học, nơi thì không?”.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Quang, Sở GTVT đã có văn bản tham khảo ý kiến Sở Y tế Đắk Lắk.

Sở này lại làm công văn hỏi Cục Quản lý khám chữa bệnh nhằm có căn cứ phúc đáp.

Trong công văn trả lời Sở Y tế Đắk Lắk đề ngày 27-9-2016, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết tại mục cơ xương khớp trong bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới (thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, ngày 21-8-2015) là nếu “cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)” là “không đủ điều kiện lái xe hạng tương ứng”.

Còn nếu “trường hợp cụt một cẳng chân hoặc một cẳng tay và các chân hoặc tay còn lại toàn vẹn (không cụt và không giảm chức năng) thì “đủ điều kiện để học lái xe thuộc nhóm 1 và nhóm 2 (A1 và B1)”.

Phần cuối công văn, Bộ Y tế yêu cầu “quý sở cần quán triệt nội dung thông tư và kiểm tra, giám sát các cơ sở khám sức khỏe lái xe để triển khai đúng quy định, nhằm tạo thuận lợi cho công dân có nhu cầu khám sức khỏe lái xe”.

Toàn văn phúc đáp này đã chuyển cho Sở GTVT Đắk Lắk, nhưng đơn vị này vẫn giữ nguyên quan điểm... từ chối.

“Tôi biết lái ôtô, muốn có bằng để tự chạy những quãng ngắn, không phụ thuộc người nhà. Việc lái ôtô đi làm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho những người khuyết tật như tôi.

Nhà nước cũng đã có quy định để những người khuyết tật được lái xe nếu đủ sức khỏe.

Đặc biệt, dù bệnh viện, Bộ Y tế khẳng định như vậy (đủ điều kiện lái xe) nhưng không hiểu tại sao, rất nhiều lần Sở GTVT Đắk Lắk lại từ chối quyền lợi hợp pháp của tôi” - ông Quang buồn bã.

Giải thích của Sở GTVT Đắk Lắk

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Hữu Kiệm - trưởng Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Đắk Lắk) - khẳng định việc từ chối cho ông Quang học lái ôtô hạng B1 là nhằm “đảm bảo an toàn cho chính ông và cả xã hội”.

“Ông Quang mất chân phải mà điều kiện bắt buộc trong việc lái ôtô số tự động là dùng chân phải để đạp ga và phanh.

Như vậy, nếu ông Quang lái xe trên đường với vận tốc lớn, gặp sự cố thì làm sao xử lý kịp khi mất chân phải?

Điều đó quá nguy hiểm cho chính ông và người khác. Nếu ông ấy gây tai nạn, ai phải chịu trách nhiệm (trong việc cấp bằng)” - ông Kiệm lập luận.

Cũng theo ông Kiệm, việc ông Quang lái xe trong đường làng, ở bãi đất rộng... với vận tốc thấp thì có thể xử lý được.

Nhưng khi lái xe ra đường nhựa, quốc lộ với nhiều tình huống cần xử lý rất nhanh thì những người như ông Quang sẽ gặp khó khăn, dễ gặp tai nạn.

“Hơn nữa, sở tham khảo ý kiến các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, không đơn vị nào đồng ý dạy cho ông Quang. Sở cũng chưa cấp giấy phép lái xe cho trường hợp nào bị cụt một chân” - ông Kiệm khẳng định.

Về văn bản của Cục Quản lý khám chữa bệnh, ông Kiệm tranh luận rằng “có nhiều điểm chưa hợp lý”.

“Nếu một người bị cụt tay phải, khi điều khiển xe máy thì vặn ga ra sao, còn khi mất chân phải việc đạp ga, phanh ở xe số tự động rất khó khăn, ngay cả khi đã lắp chân giả?” - ông Kiệm phân tích.

“Sở GTVT Đắk Lắk đã có văn bản gửi cổng thông tin Chính phủ, Bộ Y tế, ông Quang về việc sẽ không đồng ý cho người mất chân phải học, thi lái xe bằng B1.

Nếu lãnh đạo cấp trên nào đồng ý để ông Quang được học, sát hạch lái xe để cấp bằng B1 thì chúng tôi sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, nếu sau này lỡ xảy ra sự cố nào thì lãnh đạo đó phải chịu trách nhiệm. Còn để đảm bảo an toàn cho ông Quang và người khác, sở khẳng định là không cấp” - ông Kiệm cho biết.

Đủ điều kiện thi bằng lái xe hạng B1

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, theo quy định trong thông tư số 24/2015 hướng dẫn tiêu chuẩn sức khỏe lái xe, người cụt một bàn chân nhưng chân còn lại và 2 tay còn nguyên vẹn thì vẫn đủ điều kiện để thi bằng lái xe hạng B1.

“Trong trường hợp cụ thể này chúng tôi chưa xem hồ sơ, nhưng cứ chiếu theo quy định trong hướng dẫn thì là đủ điều kiện” - ông Khuê cho biết.L.Anh ghi

TP.HCM: được học, được cấp bằng B1

Tại TP.HCM có một số trường hợp người bị cụt một chân vẫn được học và thi lấy giấy phép lái xe với điều kiện được bác sĩ của bệnh viện từ cấp quận, huyện trở lên xác nhận có đủ điều kiện sức khỏe lái xe.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghi ngờ, phòng quản lý sát hạch xác minh tại cơ sở y tế, nếu giấy khám sức khỏe là giả hoặc người bị cụt chân, teo chân khi thực tập không thể thực hiện được các thao tác lái xe thì phòng từ chối những trường hợp này.

Ông Võ Trọng Nhân (trưởng Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe - Sở GTVT TP.HCM)

Nên có hướng dẫn thực hiện đồng bộ

Các cơ quan đào tạo cấp giấy phép lái xe cần thực hiện thông tư liên tịch 24/2015 đã quy định cho phép người bị cụt một chân vẫn được học thi bằng lái ôtô.

Theo tôi, việc cho phép trên vẫn đòi hỏi điều kiện người khuyết tật phải sử dụng loại xe phù hợp với điều kiện sức khỏe hoặc là phải có các thiết bị trợ giúp và phải học tại cơ sở đào tạo có đủ điều kiện về loại xe để học viên học.

Về mặt chủ trương của thông tư liên bộ là rõ ràng nhưng sớm có hướng dẫn để các địa phương thực hiện đồng bộ, còn nơi nào từ chối cho người khuyết tật học lái xe cần có giải thích rõ ràng.

Ông Nguyễn Văn Quyền (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, chủ tịch Hội An toàn giao thông VN)

N.ẨN ghi

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên