Bài học muôn thuở vẫn là: người tiêu dùng cũng nên đọc kỹ các hướng dẫn và điều kiện về giá.
Phóng to |
Trụ sở Groupon tại Chicago, Mỹ - Ảnh: The Guardian |
Hình thức kinh doanh phiếu ưu đãi, giảm giá (hay còn gọi là daily deal) từng nở rộ ở Mỹ cách đây ba năm nhưng lại đang nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Thu hút khách hàng bằng giá rẻ, khuyến mãi là một chuyện, giữ chân khách hàng lại là chuyện hoàn toàn khác.
“Daily deal”, tạm dịch “ưu đãi mỗi ngày” hay “giá rẻ mỗi ngày”, là hình thức kinh doanh các phiếu (coupon) ưu đãi, giảm giá các loại sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng sẽ mua các phiếu này trên các trang web chuyên bán ưu đãi. Họ sẽ được giao phiếu tận tay hoặc tự in phiếu có mã số tại nhà. Sau đó, người tiêu dùng có thể dùng những phiếu này để hưởng các ưu đãi khi mua sản phẩm, dịch vụ với mức giá vô cùng hấp dẫn mà với mức giá bình thường họ khó có khả năng chi trả. Các ưu đãi này thường được tung ra trong một khoảng thời gian nhất định và được bổ sung mới mỗi ngày. Một số trang web yêu cầu một số lượng người mua nhất định để có thể hưởng ưu đãi.
Ở Mỹ, tiêu biểu cho hình thức này là Groupon. Tại Việt Nam gần đây có nhiều trang web bán “ưu đãi mỗi ngày” nổi lên như Nhóm Mua, Mua Chung, Cùng Mua, Hot Deal... Các loại sản phẩm dịch vụ được bán trên các trang web này cũng rất đa dạng, từ đồ gia dụng, các tour du lịch, các lớp yoga đến các lớp học kỹ năng...
Cơn sốt “daily deal” ở Mỹ
Năm 2009, khi cơn sốt “daily deal” quét qua nước Mỹ, người ta đã coi đây là hình thức mua hàng tiết kiệm đầy sáng tạo và tiện lợi. “Mọi người điên cuồng vì những “daily deal” kiểu này và tất cả mọi người đều phấn khích” - giáo sư marketing David Reibstein thuộc Trường đại học Pennsylvania nói. Mô hình hoạt động cũng đơn giản: tập hợp các ưu đãi, giảm giá sản phẩm dịch vụ từ các công ty và rao bán trên trang web. Các công ty sẽ được lợi khi có thêm khách hàng và nhất là thương hiệu của họ sẽ được xuất hiện nhiều hơn thay vì mất công sức và tiền của quảng cáo.
Vào thời điểm đó, Groupon và đối thủ chính của họ là LivingSocial được cho là những người tiên phong thay đổi thời thế. Người tiêu dùng chẳng thể nói không với những ưu đãi hấp dẫn. Hàng ngàn người có thêm việc làm tại các công ty bán ưu đãi trực tuyến kiểu như thế này. Hàng trăm trang web được tung ra khi các doanh nghiệp muốn tiếp bước thành công của Groupon và LivingSocial.
Sáng lập viên của Groupon Andrew Mason hồi năm 2009 khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time đã nói: “Rõ ràng phần lớn những gì Groupon đem lại những thứ tuyệt vời mà hiện tại bạn khó có đủ khả năng chi trả”. Nhưng giờ đây, sau ba năm làm ăn hoành tráng, ngành kinh doanh bùng nổ một thời này đang gần ở mức ngắc ngoải. Cách đây không lâu, LivingSocial sa thải 400 người, chiếm khoảng 10% tổng số nhân viên của công ty này.
Tin xấu này xảy đến vài tháng sau khi gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Amazon công bố thua lỗ tồi tệ hơn dự đoán, một phần vì đầu tư vào LivingSocial. Theo báo cáo của Amazon, hãng này mất khoảng 169 triệu USD trong tổng số 175 triệu USD đầu tư vào LivingSocial.
Groupon, công ty từng rất “chảnh” khi từ chối lời đề nghị mua lại của Google với giá 6 tỉ USD, cũng không thoát khỏi tình cảnh tương tự. Theo The Week, cổ phiếu của Groupon rớt giá tới 80% kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm ngoái. Ban giám đốc đã phải họp lại để quyết định số phận của CEO cũng như cổ phần của Groupon.
Phóng to |
Các trang web kinh doanh phiếu ưu đãi, giảm giá đã từng bùng nổ và thành công ở Mỹ nhưng cũng nhanh chóng tuột dốc - Ảnh: LifeHacker |
Mua một lần... rồi thôi
Các nhà phân tích nhận định trong ba năm qua, các ưu đãi trực tuyến đã đi từ một món hàng hóa nóng sốt thành một hình thức dễ sao chép. Tuy nhiên, hình thức này lại khó có thể duy trì là một hình mẫu kinh doanh.
Reibstein trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti đã nói: “Ngay từ đầu tôi đã phê phán hình thức này. Lúc đó ai cũng nghĩ tôi hâm”. Năm ngoái, khi được hỏi về tính bền vững của hình thức “ưu đãi mỗi ngày”, ông đã dự đoán các nhà bán hàng sẽ ngưng các dịch vụ bán hàng chớp nhoáng kiểu này khi họ bắt đầu nhận ra các phiếu ưu đãi trở nên vô dụng. Các công ty bán hàng nhận thấy các phiếu ưu đãi trực tuyến có thể thu hút thêm khách hàng mới nhưng thực tế không như vậy. Các công ty bán hàng thường nhận được ít lợi nhuận hoặc thậm chí chẳng được gì.
Theo ông Reibstein, nhiều công ty nghĩ rằng sẽ thu hút được khách hàng mới và những người này sau đó sẽ quay lại mua hàng của họ. Trên thực tế, một thống kê gần đây cho thấy chỉ 3% các nhà bán lẻ có khách hàng quay trở lại sau khi sử dụng các khuyến mãi từ ưu đãi trực tuyến.
Nhà phân tích Ken Russell chỉ ra rằng: “Khách hàng sử dụng ưu đãi trực tuyến không phải là những khách hàng chất lượng cao. Thay vào đó, những khách hàng này liên tục theo đuổi hết ưu đãi này đến ưu đãi khác và có ít hứng thú quay lại mua hàng với giá trị đầy đủ của chúng”. RIA Novosti dẫn thống kê cho thấy 82% chủ doanh nghiệp nhỏ nói họ sẽ không tham gia “daily deal” trong năm nay mặc dù họ đã làm như vậy trước đó. Nói tóm lại, hình thức “ưu đãi mỗi ngày” không giữ chân được các khách hàng chuyên săn phiếu ưu đãi, càng khó buộc họ phải trung thành với một thương hiệu.
Ông Russell cho hay bản thân người tiêu dùng cũng đang rời xa hình thức “ưu đãi mỗi ngày” bởi còn có quá nhiều hình thức ưu đãi, khuyến mãi khác ngoài thị trường. Bản thân Groupon, LivingSocial hay các công ty tương tự đều tụt hậu.
Theo thống kê của Daily Deal Media, chỉ riêng trong sáu tháng cuối năm 2011 đã có tới 800 công ty chuyên bán phiếu ưu đãi trực tuyến phải đóng cửa. CBS News bình luận: “Chỉ tồn tại được vài năm, cả ngành kinh doanh phiếu ưu đãi trực tuyến đang lâm vào cảnh chật vật”.
Hiện ở Việt Nam có nhiều trang web bán ưu đãi các mặt hàng sản phẩm và dịch vụ như Nhóm Mua, Zap, Kay, Mua Chung, Cùng Mua, Hot Deal... Các loại sản phẩm và dịch vụ được rao trên các trang này cũng rất đa dạng, từ đồ điện tử, đồ gia dụng, thiết bị kỹ thuật số đến tour du lịch, khách sạn, các lớp yoga, lớp học các kỹ năng... Có hai hình thức bán ưu đãi là giao phiếu ưu đãi rồi người dùng tự đem phiếu đến công ty bán ưu đãi để nhận hàng hoặc món hàng đó sẽ được giao tận tay người mua. Một số trang thương mại điện tử không chuyên kinh doanh phiếu ưu đãi nhưng cũng có mục “daily deal”, đưa ra các ưu đãi giảm giá và khuyến mãi theo ngày hoặc theo tuần. Tuy nhiên, khi mua các ưu đãi, người tiêu dùng cũng nên đọc kỹ các hướng dẫn và điều kiện về giá. Ví dụ có trang rao bán phiếu giảm giá máy tính bảng chỉ 200.000 đồng sau khi được giảm từ mức giá 2.400.000 đồng. Tuy nhiên, bên dưới lại có một dòng nhỏ ghi “Khách hàng bù thêm 1.500.000 đồng”. Vị chi khách hàng phải trả 1.700.000 đồng để mua máy tính bảng chứ không phải 200.000 đồng. Hay như các tour du lịch được rao bán với giá khá thấp nhưng lại chưa bao gồm vé máy bay khứ hồi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận