05/07/2017 16:23 GMT+7

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người 'nổ súng' chống chủ nghĩa cá nhân

​V.V.TUÂN
​V.V.TUÂN

TTO - Toạ đàm khoa học và giao lưu nhân chứng "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" được tổ chức sáng nay 5-7 nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1967-2017).

Bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại diện gia đình trao tặng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều thước phim tư liệu quý - Ảnh: V.V.TUÂN

Tọa đàm do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN và Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức. 

Nhà chính trị - quân sự lỗi lạc

Phát biểu khai mạc, bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người luôn thực hành đạo đức Hồ Chí Minh.

"Đại tướng đã học được ở Người tinh thần đạo đức cách mạng cao cả, hết lòng, hết sức phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc; ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lăn lộn với phong trào yêu nước, sự nghiệp kiến thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc", bà Trịnh Thị Thuỷ nói.

"Ở tấm gương mẫu mực của một nhà chiến lược tầm cỡ của cách mạng VN, luôn cần, kiệm, liêm, chính, tác phong và nếp sống giản dị, đời tư trong sáng; ở việc ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, lãng phí do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động”.

Trong tham luận gửi tới tọa đàm, Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khẳng định: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào anh cũng xông xáo, thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu trách cách mạng".

"Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta”, tham luận của Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng viết: “Sống ở đâu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng là hạt nhân, là trung tâm đoàn kết thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạo đức là gốc, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, đồng chí là người 'nổ súng' và kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội”.

Người khuấy động phong trào

Nhiều dịp được gặp và làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung tướng Phạm Hồng Cư ấn tượng về vai trò của Đại tướng trong các phong trào thi đua.

“Đại tướng thường nghe, xuất phát từ thực tiễn để tìm ra các quy luật và nhân rộng thành các phong trào lớn... Phong cách của ông rất gần với phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gần dân, nghe dân, vận động quần chúng chứ không phải dùng mệnh lệnh”, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.

TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, cũng cho rằng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hình thành nên một phong cách là đi đến đâu đều khuấy động các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả.

Điển hình là năm 1960, Đại tướng dự hội thi pháo binh toàn quân và khen đơn vị đoạt giải nhất - bắn giỏi nhất, đơn vị có nhiều cá nhân tham gia nhất và có thành tích đều nhất. Từ đó, Đại tướng phát động trong quân đội phong trào thi đua 3 nhất - nhiều nhất, giỏi nhất và đều nhất. 

Cũng năm 1960, Đại tướng về thăm hợp tác xã Đại Phong và sau đó đã nhân rộng thành phong trào thi đua Đại Phong trong nông nghiệp. Bác Hồ đã viết 2 bài báo ca ngợi phong trào này.

Từ góc độ một người trẻ, TS Bùi Chí Trung (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là một nhà báo, phóng viên chiến trường mà ở ông còn phát lộ tư tưởng quản trị truyền thông hiện đại.

Ông Trung dẫn chứng cách đây hơn 50 năm, Đại tướng đã viết báo, tạp chí, viết sách, lên đài phát thanh... để đưa thông tin đến từng đồng bào, chiến sĩ. Khi viết những bài bút chiến, chính luận, Đại tướng luôn sử dụng biện pháp tu từ, hóm hỉnh, châm biếm, đi sâu vào trong lòng công chúng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (phải) chia sẻ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: V.V.TUÂN

Tình cảm giữa ba tôi và Bác Hồ rất thân tình

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thì chia sẻ nhiều kỷ niệm của gia đình mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông kể hồi nhỏ đã may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần. Dù ba ông - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - và Bác Hồ đều mất khi ông còn bé, nhưng dấu ấn sâu đậm về những kỷ niệm với Bác đến giờ ông vẫn không quên.

“Bác là người rất đời thường, giản dị, gần gũi. Khi đến nhà tôi, Bác luôn hỏi thăm sức khoẻ của bà nội đầu tiên tôi với sự kính trọng, trìu mến", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể.

"Có lần Bác khen vườn hoa của gia đình tôi rất đẹp, nhưng lại nói rằng hoa mà ăn được thi tốt hơn. Hôm sau gia đình tôi cuốc đất trồng rau, trồng cây ăn quả. Đó không phải là sự cố gắng mà là sự tự nhiên như vậy”.

Thượng tướng khẳng định: “Tình cảm giữa ba tôi và Bác Hồ rất thân tình và giản dị bởi đó đều là tình cảm của những người nông dân xuất thân từ làng quê miền Trung”.

​V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên