17/12/2005 15:43 GMT+7

Đại siêu phẩm King Kong

ĐOAN THƯ
ĐOAN THƯ

TTCN - Bộ phim tốn kém nhất lịch sử điện ảnh được dựng với kinh phí khổng lồ 207 triệu USD - King Kong - đã được trình chiếu tại thị trường Bắc Mỹ ngày 14-12-2005. Không chỉ nhắm vào mùa giải trí cuối năm, King Kong còn hướng đến Oscar 2006.

lZkafOYS.jpgPhóng to
Diễn viên chính Naomi Watts trong King Kong (2005)
TTCN - Bộ phim tốn kém nhất lịch sử điện ảnh được dựng với kinh phí khổng lồ 207 triệu USD - King Kong - đã được trình chiếu tại thị trường Bắc Mỹ ngày 14-12-2005. Không chỉ nhắm vào mùa giải trí cuối năm, King Kong còn hướng đến Oscar 2006.

King Kong của đạo diễn tài hoa người New Zealand Peter Jackson (từng thành công rực rỡ với bộ phim ba tập Chúa tể của nhẫn - doanh thu tổng cộng khoảng 3 tỉ USD cùng 17 giải Oscar) được dựng lại từ bộ phim cùng tên ra đời năm 1933. Không như phiên bản gốc dài 100 phút, King Kong 2005 dài hơn 180 phút (Peter Jackson đã dựng và biên tập lại từ 762.000m phim, tức hơn 400 giờ thu hình).

Vốn quen tay với kỹ xảo hoành tráng, đạo diễn đã tạo ra con khỉ đột khổng lồ cao 7,6m với nhóm thực hiện hiệu ứng đặc biệt từng dựng lên quái nhân Gollum (được xem là nhân vật kỹ xảo phức tạp nhất lịch sử điện ảnh). King Kong là dự án tâm đắc của Peter Jackson. Ông nhớ lại lần đầu tiên xem King Kong năm 9 tuổi (1933) trên truyền hình: “Đó là bộ phim phiêu lưu mạo hiểm hoàn hảo nhất mà tôi từng xem.

Nó cùng lúc mang lại cho tôi tình cảm đặc biệt dành cho ngôn ngữ tưởng tượng vô tận trong điện ảnh, cũng như cho việc theo đuổi nghệ thuật thứ bảy của tôi sau này. Từ lúc đó tôi muốn dành trọn đời để thực hiện điều tương tự, để đem lại cảm giác giải trí cho người khác theo cách mà tôi từng nhận được hồi bé với King Kong (1933)”.

Được xếp vào hàng phim kinh điển, King Kong (1933) do đạo diễn Merian C. Cooper dàn dựng, và dù với kỹ xảo thô thiển thời đó nó cũng đã đem lại bài học vỡ lòng về điện ảnh giải trí cho những Steven Spielberg, James Cameron, George Lucas... sau này.

Phát hành vào thời điểm nước Mỹ rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, King Kong lập tức tạo chấn động toàn cầu: vé bán hết sạch tại các rạp chiếu bóng từ New York, Berlin đến Tokyo (sau này người Nhật dựng Godzilla với cảm hứng từ King Kong). Không phải tự nhiên mà sau đó người ta thi nhau làm phim khỉ đột khổng lồ, từ King Kong chống Godzilla (1962), King Kong escapes (1967), King Kong (1976, với cặp diễn viên Jeff Bridges và Jessica Lange), đến King Kong lives (1986, với Linda Hamilton).

Sau thành công vượt bậc của Chúa tể của nhẫn, Jackson được bảy hãng phim mời chào. Tuy nhiên Universal Pictures đã thắng tất cả để có Jackson, đặc biệt khi hãng phim này sở hữu kịch bản King Kong do chính Jackson viết cách đây gần 10 năm nhưng bị từ chối làm phim lúc đó. Tháng 7-2002, Universal trở lại dự án King Kong và lập tức mời Jackson với mức thù lao kỷ lục 20 triệu USD.

Tại lò kỹ xảo Weta của mình gần thủ đô Wellington (New Zealand), Peter Jackson cùng nhóm chuyên gia đồ họa dựng lại khu Manhattan của New York thời 1930. Để tạo bối cảnh cho đảo Đầu Lâu, ông đã nghiên cứu một số ngôi đền cổ tại Peru và Campuchia, sau đó cho dựng đến 53 mô hình thế giới hoang dã (theo đạo diễn về hiệu ứng đặc biệt Alex Funke, King Kong có cảnh quay mô hình gấp đôi số cảnh trong tất cả ba bộ phim Chúa tể của nhẫn)...

Do nay không còn chiếc máy bay cánh quạt cổ lỗ sĩ Curtis Helldiver nào nên Peter Jackson phải dùng bản thiết kế máy bay mượn từ Thư viện Smithsonian. Để nghiên cứu chuyển động của khỉ đột, chuyên gia Andy Serkis (người thể hiện chuyển động của con khỉ ảo trên màn bạc) phải tìm đến khu bảo tồn động vật hoang dã tại Rwanda.

Để tạo ra tiếng hú sởn gai ốc báo hiệu sự xuất hiện của King Kong, nhóm kỹ xảo âm thanh bỏ ra hàng tuần để ghi âm tiếng máy bay, tiếng kính vỡ, tiếng đạn liên thanh từ tiểu liên..., sau đó dựng một “thư viện” âm thanh gồm khoảng 500 tỉ byte với hơn 50.000 hiệu ứng âm thanh và cuối cùng tổng hợp lại thành tiếng hú độc nhất vô nhị của khỉ đột khổng lồ!

Chiến dịch tiếp thị King Kong bắt đầu rùm beng vào cuối tháng 6-2005, khi đoạn clip quảng cáo xuất hiện chính thức trên website Volkswagen rồi tại các trang web thuộc Tập đoàn NBC-Universal. Bang New York còn tổ chức “xổ số King Kong” (kết quả công bố ngày 5-12) với giải độc đắc trị giá 50 triệu USD và một số giải nhì trị giá 1 triệu USD.

Nếu King Kong cũng hay và hấp dẫn như tập cuối cùng Chúa tể của nhẫn, chắc chắn bộ phim này sẽ trở thành một hiện tượng điện ảnh, tiếp bước những bộ phim có kinh phí khổng lồ và thành công mỹ mãn về thương mại, như Titanic (1997) của James Cameron (chi 200 triệu USD, thu 1,835 tỉ USD toàn cầu) hoặc Người nhện 2 (2004 - chi 200 triệu USD, thu hơn 783 triệu USD). Cần nhắc lại, tập 3 Chúa tể của nhẫn có doanh thu toàn cầu tính đến nay là 1,129 tỉ USD dù chỉ được dựng với ngân sách 95 triệu USD.

ĐOAN THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên