TS Lâm Mạnh Hà trong giờ dạy sinh viên ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu ba trường đại học đang thí điểm cơ chế tự chủ xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT), trình bộ này trong tháng 8-2018. Ba trường này gồm Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thực chất của việc bỏ bộ chủ quản là xác lập đúng vai trò của bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục
PGS.TS PHAN THỊ BÍCH NGUYỆT (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Chủ quản can thiệp vào vấn đề tự chủ
Theo Bộ GD-ĐT, thực hiện nghị quyết số 77 của Chính phủ ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay bộ đã tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết 77 và thấy rằng kết quả đạt được là "rất đáng khích lệ".
Tuy nhiên, nghị quyết 77 với tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản nhưng chưa thực hiện được, việc thực hiện tự chủ đại học thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.
Theo Bộ GD-ĐT, cơ chế cơ quan chủ quản thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường.
Để đẩy mạnh tự chủ đại học, giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa quyền tự chủ để phát triển, bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành nghị định về tự chủ đại học thay thế cho nghị quyết số 77.
Việc bỏ cơ quan chủ quan đã trở thành mong mỏi của nhiều trường đại học khi cơ chế hiện tại khiến hoạt động của nhiều trường gặp quá nhiều vướng víu.
Một số cơ quan chủ quản can thiệp sâu vào hoạt động của trường đại học và biện hộ rằng đó là cách để "hỗ trợ" hay giám sát hoạt động của nhà trường, nhưng thực tế lại gia tăng gánh nặng kiểm soát toàn bộ hoạt động của trường từ những việc nhỏ nhất.
Sẵn sàng để được tự chủ toàn diện
Theo PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đích thân bộ trưởng Bộ GD-ĐT mời lãnh đạo ba trường trên làm việc về chủ trương yêu cầu các trường xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT) hồi tháng 4-2018.
"Hiện chúng tôi đang trong quá trình xây dựng đề án, lấy ý kiến góp ý trong trường để hoàn chỉnh trình bộ vào ngày 31-8" - bà Nguyệt cho biết thêm.
Bà Nguyệt cho rằng thực chất của việc bỏ bộ chủ quản là xác lập đúng vai trò của bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục. Đề án sẽ làm sự vận hành tự chủ của một trường đại học một cách đúng nghĩa. Đây chỉ là một bước để nhà trường tự chủ một cách đầy đủ hơn.
Theo đề án đang được xây dựng, hội đồng trường hoạt động thực chất qua việc thảo luận, ra nghị quyết về mục tiêu, phương hướng, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, các vấn đề tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản... Đồng thời giám sát hoạt động của trường trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình.
"Nói chung lúc đó vai trò của hội đồng trường hết sức quan trọng. Tất cả chủ trương mang tính chiến lược của nhà trường đều thông qua hội đồng trường. Có một số chức năng hội đồng trường làm thay chức năng của bộ trong lĩnh vực quản trị đại học: giám sát hoạt động của ban giám hiệu và của hiệu trưởng" - bà Nguyệt chia sẻ.
Vẫn phải chờ... sửa luật
Theo các chuyên gia, cơ chế không có cơ quan chủ quản thực ra là việc quản lý, điều hành trường đại học sẽ thực hiện theo nguyên tắc: chuyển thẩm quyền quyết định các vấn đề được giao cho cơ quan chủ quản quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành (không bao gồm thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực) cho hội đồng trường, trừ việc thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường.
Là một trong ba trường trực thuộc đầu tiên được Bộ GD-ĐT lựa chọn xây dựng đề án thí điểm không trực thuộc cơ quan chủ quản, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xác định đây là cơ chế tốt để giảm nhẹ nhiều thủ tục.
Ví dụ việc kéo dài thời gian công tác của GS, PGS thuộc quyền quản lý của bộ trước đây phải chờ bộ quyết định, nhưng nếu không còn cơ quan chủ quản thì trường có thể tự quyết.
Hay một số dự án đầu tư trước đây phải chờ ý kiến của cơ quan chủ quản thì sắp tới có thể quyết luôn, những hiệu chỉnh cho dự án đầu tư cũng được chủ động nhanh hơn, phê duyệt nhẹ nhàng hơn...
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ: nhìn lại việc thực hiện tự chủ thời gian qua, nhiều hoạt động vẫn chưa thực sự "cởi trói" như mong muốn vì vướng luật, đặc biệt ở lĩnh vực tài chính và nhân sự, nếu nhìn tự chủ ở hai phương diện nội dung và quy trình.
Do vậy, có thể kể cả khi đề án "thoát ly" cơ quan chủ quản của trường được phê duyệt trong tương lai, các trường chủ yếu được chủ động, giảm nhẹ hơn về quy trình, thủ tục, còn về nội dung muốn tự chủ đến nơi đến chốn vẫn phải chờ... sửa luật.
* PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Tư duy muốn "quản"
Tự chủ hiện nay của các trường đại học chỉ là tự chủ nửa vời.
Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép bộ chủ quản.
Phải nhanh chóng đưa vào luật quy định bỏ bộ chủ quản. Khi có bộ chủ quản thì tư duy muốn "quản" vẫn còn.
* TS HOÀNG NGỌC VINH (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT):
Người hưởng lợi phải là sinh viên
Mục tiêu được tự chủ, không còn trực thuộc bộ chủ quản là nhằm đến chất lượng và hiệu quả. Người hưởng lợi chủ yếu phải là sinh viên, nếu không tự chủ sẽ vô nghĩa. Nghĩa là chương trình đào tạo phải tinh gọn, cập nhật, gắn với nhu cầu thị trường để giúp nâng cao chất lượng và giảm chi phí đào tạo...
Tuy nhiên, trong khi để cho trường công tự chủ toàn bộ, Nhà nước vẫn cần có chính sách điều tiết để phát triển hệ thống công - tư hài hòa, tránh lợi thế của một nhóm trường này có thể lại là bất lợi cho nhóm trường khác trong môi trường cạnh tranh chưa hoàn thiện.
* TS NGUYỄN THIÊN TUẾ (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Xác định rõ cơ cấu của hội đồng trường
Xu thế hiện nay việc cho phép các trường đại học tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản là điều tốt. Tuy nhiên, vai trò của hội đồng trường đối với đảng ủy, ban giám hiệu ra sao cần phải bàn kỹ. Vấn đề này liên quan Luật giáo dục đại học đang lấy ý kiến sửa đổi sao cho phù hợp với chủ trương này.
Trước đây bộ chủ quản quyết định tầm vĩ mô của nhà trường, nếu bỏ cơ quan chủ quản thay vào đó hội đồng trường sẽ có vai trò thay bộ chủ quản thì phải xác định rõ cơ cấu của hội đồng trường. Đồng thời phải xây dựng cơ chế giữa hội đồng trường, ban giám hiệu và đảng ủy để các bộ phận này làm việc thông suốt hơn. Điều này sẽ do Luật giáo dục đại học quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận