Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát tại TP Thủ Đức - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 10-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 tại TP Thủ Đức.
Đưa ý kiến tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng TP Thủ Đức có 1,2 triệu dân, tương đương số dân một tỉnh.
Theo kỳ vọng, mức độ kinh tế của TP Thủ Đức tương đương với địa phương có 3,6 triệu dân. Để đạt được hiệu quả như đề ra thì bộ máy phục vụ phải tương xứng. Tuy nhiên, hiện nay bộ máy của TP Thủ Đức lại chỉ ở cấp huyện, rất khó khăn để đáp ứng.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến - Ảnh: THẢO LÊ
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng muốn TP Thủ Đức phát triển đột phá thì phải có 3 yêu cầu.
Thứ nhất là tự chủ cao.
Thứ hai, đây phải là nơi có nhân lực trình độ cao nhất TP.HCM.
Thứ ba, TP này phải đột phá về hạ tầng 4.0 và đô thị.
TP Thủ Đức hướng phát triển kinh tế tri thức tốt nhất TP thì hạ tầng 4.0 và đô thị là vô cùng quan trọng.
TP Thủ Đức phải thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao (giai đoạn 2), khu khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp… Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất quan trọng, cần phát huy lợi thế của Đại học Quốc gia.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng để phát triển như kỳ vọng thì TP Thủ Đức cần huy động 1 tỉ USD. Do đó, cần phải có sự đột phá về đầu tư.
Theo ông Nhân, để thực hiện các đột phá trên thì cần phải có chế độ khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, hiệu quả cao. Đại biểu gợi ý đề xuất phụ cấp thêm để khuyến khích cán bộ, nhất là khi biên chế của TP này bị tinh giản nhưng nhiệm vụ của cán bộ lại tăng.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo tại buổi làm việc - Ảnh: THẢO LÊ
Tại buổi làm việc, chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho rằng để TP phát triển như kỳ vọng đề ra thì cần thiết phải có cơ chế đặc thù. UBND TP.HCM đã chỉ đạo TP Thủ Đức và các sở xây dựng đề án phân cấp ủy quyền từ TP.HCM cho TP Thủ Đức.
Hiện đề án này đã được góp ý và thống nhất những gì mà TP có thể phân cấp, ủy quyền được theo quy định thì phân cấp ngay cho TP. Đồng thời, TP.HCM cũng đã chủ trì giao Sở Kế hoạch và đầu tư xây dựng đề án để tham mưu cho Quốc hội ban hành cơ chế riêng cho TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng thực tế sử dụng biên chế được giao năm 2016-2021 thì TP không đủ khả năng đáp ứng công việc hiện tại của công chức viên chức.
Nhất là trong thời gian tới, dân số của TP Thủ Đức sẽ không dừng lại ở 1,2 triệu dân. Do đó, TP Thủ Đức đề xuất biên chế được sử dụng đến năm 2026 là 3/4 lượng biên chế tại thời điểm sáp nhập.
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, TP Thủ Đức đặt mục tiêu có trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm đào tạo giáo dục.
"Ở góc độ địa phương thì TP Thủ Đức có nhận định gì và tiến độ như thế nào?" - đại biểu nói.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức được kỳ vọng nộp ngân sách thứ 3 cả nước sau TP.HCM và TP Hà Nội. Mục tiêu này liệu có đảm bảo trong tương lai hay không?
Ông Nhựt cho rằng phải đánh giá kỹ lưỡng để nhìn nhận những vấn đề cần thay đổi. Sau đó mới có cơ sở để đề xuất chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức.
"Thực tế, không thiếu tiền nhưng cần cơ chế thoát khỏi chiếc áo đang chật chội về mặt cơ chế" - đại biểu Nhựt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận