Bị cáo Nguyễn Xuân Trường trình bày tại phiên tòa - Ảnh: H.MI
Tại phiên tòa, ngoài việc quy kết buôn lậu gần 198 triệu lít xăng do Phan Thanh Hữu bán ra ở thị trường phía Nam, hội đồng xét xử đã thẩm vấn các bị cáo đưa xăng nhập lậu vào cảng Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) với số lượng hơn 5,7 triệu lít.
Hội đồng xét xử cho hay trong vụ nhập lậu vào tỉnh Khánh Hòa có việc "bảo kê" của một số cán bộ được giao kiểm soát buôn lậu trên biển nên cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ.
Trong vụ nhập xăng lậu với số lượng trên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cáo buộc Đào Ngọc Viễn đóng vai trò chính và dùng hai chiếc tàu Khánh Hòa 1 và 3 (do bị cáo Nguyễn Minh Khoa điều hành) cấu kết với các doanh nghiệp khác buôn lậu.
Tại tòa, Viễn khai "buôn lậu lời rất nhiều" khi nhập xăng lậu từ Singapore về bán tại thị trường Việt Nam.
Theo Viễn, quá trình tàu vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam từng bị cảnh sát biển Malaysia bắt và đóng phạt số tiền hơn 40.000 USD (gần 1 tỉ đồng), Viễn phải chi trả mà các bị cáo khác không hỗ trợ.
Do đó, số tiền thu lợi bất chính thực tế của Viễn thấp hơn bị cáo Nguyễn Minh Đức (góp 40% vốn buôn lậu 5,7 triệu lít xăng, đưa về Khánh Hòa tiêu thụ).
Viễn cho rằng Đức khai gian dối, chối tội bởi Đức biết rõ việc mua bán xăng lậu, trong khi cơ quan điều tra tính tiền thu lợi bất chính, giá chiết khấu và các khoản tiền khác đều đã là số liệu có lợi nhất cho các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Minh Đức cho rằng Viện KSND cáo buộc tội buôn lậu là chưa phù hợp - Ảnh: A LỘC
Tòa hỏi Đức về số tiền thu lợi bất chính thì bị cáo này cho rằng buôn xăng bị lỗ. Đức phản bác lời khai của bị cáo Viễn.
Trước lời khai của Đức, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đã công bố lời khai, phân tích từng số liệu và xác định số tiền thu lợi bất chính đối với các bị cáo là thấp nhất, tính toán số liệu có lợi nhất cho các bị cáo.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Trường (giám đốc chi nhánh Công ty dầu khí Vượng Đạt, Khánh Hòa) khai sau khi tàu Pacific Ocean chuyển xăng về đến Việt Nam, đã giao cho các tàu Khánh Hòa 1 và Khánh Hòa 3 đưa vào cảng Bắc Vân Phong bán cho khách hàng vào ban đêm theo chỉ đạo của Đức.
Ban đầu, Trường khai không biết xăng nhập lậu, đến lúc bị bắt được cơ quan chức năng giải thích Trường mới nhận thức hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân công bố bút lục thể hiện lời khai của Trường "có biết xăng nhập lậu, đưa về ban đêm và lôi xe bồn ra chở để bán ra thị trường", bị cáo này im lặng và cho rằng mình chỉ giúp sức cho bị cáo Đức quản lý sổ sách, ghi chép số lượng, liên hệ khách hàng để bán xăng nhập lậu.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Phan Trung Hiếu (kế toán chi nhánh Công ty dầu khí Vượng Đạt tại Khánh Hòa) khai có trách nhiệm quản lý, sửa chữa tàu Khánh Hòa 1, Khánh Hòa 3 và chỉ đạo bị cáo Trương Công Tiến (nhân viên công ty) đi nhập lậu xăng từ tàu Pacific Ocean.
Ngoài ra, cả hai cùng góp vốn 4,7 tỉ đồng để mua xăng lậu của ông chủ là bị cáo Đức để bán lại cho khách hàng. Qua đó, Hiếu thu lợi bất chính 120 triệu đồng, Đức thu lợi 80 triệu đồng.
Trong phần xét hỏi, các bị cáo làm thuê cho các "trùm" buôn lậu xăng đều khai bản thân làm thuê, được trả lương, thưởng theo hợp đồng lao động nên xin tách phần tiền này khỏi thu nhập bất chính.
Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nhận định dù các bị cáo làm thuê nhưng lại làm việc bất chính, có hành vi giúp sức nên tiền lương và tất cả các khoản tiền nhận được trong quá trình phạm tội đều được xem là tiền thu lợi bất chính và bị tịch thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận