19/07/2008 08:08 GMT+7

"Đặc sản" Thái Lan

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TT - Xe vừa chở đoàn nhà báo VN rời khách sạn Eastin ở đường New Petchburi (Bangkok) ra đường cao tốc, Kea - hướng dẫn viên người Thái Lan của đoàn - đã thở dài ví von: "Rồi, bắt đầu thưởng thức đặc sản Thái Lan rồi!".

stK05LRo.jpgPhóng to
Hệ thống tàu điện trên cao ở Bangkok xây dựng từ năm 1992-1999, từng bị dừng vào năm 1997 do khủng hoảng tài chính. Hiện mỗi ngày tàu đón trung bình 200.000 lượt khách - Ảnh: N.T.U.

"Đặc sản" mà Kea nói chính là tình trạng kẹt xe: những đoàn ôtô nối đuôi nhau dài quá tầm mắt trên đường cao tốc 10 làn xe. "Bây giờ như vậy là đỡ hơn trước nhiều rồi" - Kea nói bằng tiếng Việt sõi như người Việt, vì cô có nhiều năm chuyên hướng dẫn các đoàn khách VN sang tham quan Thái Lan. "Trước đây kẹt xe là ngủ luôn trên xe cũng được" - Kea kể.

Mỗi sáng Kea đến khách sạn đón khách luôn với bộ mặt bơ phờ. "Vì đặc sản Thái Lan đó” - Kea nói. Với nhiều người Bangkok, cũng như Kea, để đến được sở làm mỗi sáng là một hành trình mệt mỏi vì kẹt xe. 8g vào làm việc thì nhiều người phải ra khỏi nhà từ 6g. Ăn sáng vội vàng trên xe với những hộp đồ ăn mua vội hay mang theo từ nhà. Uống cà phê cũng trên xe. Có nhiều phụ nữ không kịp trang điểm phải tranh thủ lúc kẹt xe lấy "phụ tùng" ra trang điểm. Có cô bị kẹt xe chỗ này mới chỉ kịp đánh một má hồng thì xe phải chạy tiếp, đến điểm kẹt xe khác lấy chổi ra xoa thêm má hồng còn lại.

Nhưng Kea cũng mừng vì gần đây tình trạng kẹt xe đã bớt khủng khiếp do có đường cao tốc trên cao, có tàu điện ngầm, việc điều phối giao thông tốt hơn... Cho nên mỗi lần đi làm về khuya cô vẫn có thể về nhà, không như trước đây Bangkok thường kẹt xe về khuya khiến cô phải ghé nhà bạn xin "ngủ lang".

Cũng như Kea, nhiều người Bangkok bây giờ chọn taxi hay xe buýt đến sở làm. Giá rẻ, và được nhất là lúc kẹt xe có thể tìm lối thoát thân. Kea kể cô cũng như nhiều người mỗi lần đi taxi gặp kẹt xe là rời taxi để vẫy xe khác vừa đi nhanh hơn, vừa khỏi phải trả thêm tiền (taxi đứng một chỗ lâu cũng tính cước), bác tài cũng khoái vì đón được khách mới. Không đi taxi thì chọn xe buýt có máy lạnh, lúc nào cũng có mặt trên đường, giá cũng "rẻ như bèo".

Nếu kẹt xe quá không còn đường, nhiều người xuống tàu điện ngầm hoặc đi tàu điện trên cao, còn bí quá xuống một nhánh sông Chao Phraya chạy ngang qua Bangkok để gọi thuyền đi tắt đến sở làm... "Bây giờ nhiều sự lựa chọn hơn. Chỉ có điều với người dân Bangkok thời gian ở trên xe tàu nhiều hơn thời gian ở nhà, chi phí đi lại để đến sở làm cũng nhiều hơn. Chứ ăn uống thì rẻ, thậm chí còn rẻ hơn ở Sài Gòn" - Kea nói.

Hầu hết người dân Bangkok ngày nay khi bắt đầu lăn bánh ôtô ra đường đều đã quen với việc mở ngay radio nghe thông báo tình trạng kẹt xe ở phía trước để tránh. Đến mỗi ngã tư phải chú tâm theo dõi bảng thông báo kẹt xe, nếu thấy bảng hiệu báo màu đỏ thì biết là xe đang kẹt, phải tìm đường khác hoặc vọt lên đường cao tốc trên cao.

Đến gần sở làm, việc tìm bãi đậu xe cũng "dễ thở" hơn vì các bãi đậu xe được mở ra nhiều hơn thời gian gần đây để người dân không phải chen chúc vào khu trung tâm. Bangkok đất chật người đông, gần 10 triệu con người sinh sống trong diện tích hơn 1.500km2 (TP.HCM rộng hơn 2.000km2) nên mọi ngõ ngách đều được tận dụng tối đa. Thay vì những bãi đất trống, người ta xây những tòa nhà cao tầng làm bãi đậu xe, có những cao ốc cả chục tầng cũng chỉ làm bãi đậu xe.

Một tuyến tàu điện trên cao với hai đoàn tàu chạy ngược chiều nhau và một tuyến tàu điện ngầm cũng với hai đoàn tàu chạy ngược chiều hoạt động không ngơi nghỉ vì lúc nào cũng đông khách. Tàu điện trên cao ở Bangkok hoạt động cách nay chín năm, tàu điện ngầm mở cửa cách nay bốn năm, nhưng Kea nói cô đã nghe trên báo chí người ta bàn tới bàn lui dự án này đã hơn 20 năm rồi.

Bangkok đang chuẩn bị khánh thành thêm một tuyến tàu điện trên cao thứ hai chạy từ trung tâm Bangkok ra sân bay quốc tế Suvarnabhumi, giữa đường có trạm làm thủ tục và tàu sẽ đưa khách đến thẳng cổng vào máy bay để giảm tải cho sân bay mới đưa vào hoạt động năm 2006 nay đã bắt đầu quá tải. Bây giờ Bangkok đã ngót nghét 10 triệu dân. Nếu không có tàu điện trên cao và tàu điện ngầm thì sao, Kea nói cô không thể hình dung nổi.

Lên tầng 85 của khách sạn Baiyoke Sky cao nhất Bangkok nhìn xuống, thấy Bangkok như một bãi đậu xe khổng lồ với hệ thống đường trên cao chằng chịt vòng vèo như những con rắn quấn vào nhau. "Một phần nhờ những con rắn đó mà Bangkok giảm bớt được đặc sản kẹt xe" - Kea nói. Nghe Kea dùng chữ "đặc sản" để nói về tình trạng kẹt xe ở Bangkok, ông Pichaya Saisaengchan - phụ trách phát triển thị trường khu vực ASEAN, Nam Á và Nam Thái Bình Dương của Cơ quan Du lịch Thái Lan - cũng đồng ý: "Trước đây khách du lịch nước ngoài đến Bangkok đều rất ngại phải ra đường, bây giờ đã đỡ hơn. Chúng tôi biết mình phải làm gì khi còn thiếu những gì. Chúng tôi phải nỗ lực tạo ra nhiều đặc sản du lịch khác để bù vào "đặc sản" kẹt xe kia".

Ông Pichaya dẫn chứng: trong hơn 14 triệu khách quốc tế đến Thái Lan năm 2007, số lượng khách VN lên đến gần 300.000 người. Những con số này không ngừng tăng qua từng năm, và rất nhiều du khách biết Thái Lan có "đặc sản" kẹt xe nhưng vẫn trở lại lần hai, lần ba...

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên