Du khách trẻ ghé ủng hộ các sản phẩm “Made in... Huyện đoàn” tại Trung tâm du lịch và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Ngọc Tài |
Khô cá lóc, khô cá chạch, dưa kiệu... những đặc sản vùng Đồng Tháp Mười được gọi vui là sản phẩm “made in Huyện đoàn Tam Nông" (Đồng Tháp) bắt đầu được du khách gần xa chú ý khi lên kệ của quầy hàng đặc sản du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim.
Những sản phẩm này đều do chính các bạn đoàn viên tự tay nuôi trồng hoặc thu mua của nông dân rồi chế biến thành phẩm. Ý tưởng khởi nghiệp từ những đặc sản quê nhà của tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế huyện Tam Nông từ đó cũng “hái” được những quả ngọt đầu tiên.
Đây là mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong thanh niên thiết thực và để lại dấu ấn trong lòng du khách. Hơn nữa mô hình còn góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà, nhất là quảng bá được những sản phẩm du lịch mang đậm hình ảnh của vùng đất sen hồng Đồng Tháp |
Anh LÝ VĂN GIÀU (bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp) |
Dám nghĩ dám làm
Vừa bước vào Trung tâm du lịch và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách sẽ bắt gặp ngay quầy hàng đặc sản của các bạn đoàn viên. Nào khô cá lóc, khô cá chạch, khô cá sặt, nào dưa kiệu... được trưng bày khá bắt mắt và khoa học. Một số quà lưu niệm đặc trưng của mảnh đất sen hồng như "Bé Sen" (biểu tượng quảng bá hình ảnh của Đồng Tháp), gạo đỏ, hạt sen sấy cũng được ưu tiên trong một ngăn tủ.
Trong cái nắng oi ả, bạn Nguyễn Thị Mai - nhân viên bán hàng - chào đón khách tham quan bằng nụ cười tươi rói. Thấy chừng mươi khách đứng lóng ngóng ngoài nắng, Mai đon đả mời mọi người vào quầy nghỉ. “Các bạn vào đây cho mát, không mua cũng hổng sao”.
Vào tránh nắng, các vị khách không thể rời mắt khỏi những sản phẩm được bài trí trên quầy, Mai liền chìa cho khách một gói khô cá lóc giới thiệu: “Cá lóc này tụi mình tự nuôi rồi tự sản xuất, đảm bảo vệ sinh vì toàn bộ các khâu đều được giám sát chặt chẽ. Tụi mình đã phơi qua năm nắng nên các bạn có thể yên tâm bảo quản mà không sợ hư. Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu, tụi mình sẽ hoàn tiền 100% hoặc đổi cho các bạn một sản phẩm khác”.
Để chứng minh, Mai xé một miếng khô trong gói bật bếp nướng ngay cho khách dùng thử. Hầu hết khách thử hôm ấy đều rất vui vẻ mua về làm quà. “Lúc này khô với kiệu là bán khá nhất. Lát nữa phải nhờ các anh Trọng “cá lóc” và anh Tân “dưa kiệu” mang ra ít sản phẩm.
Cuối tuần khách nhiều bán mau hết lắm”- Mai vừa sắp xếp lại gian hàng vừa chia sẻ. Tân “dưa kiệu”, Trọng “cá lóc” là cách gọi dí dỏm của các bạn đoàn viên dành cho hai chủ cơ sở sản xuất hai mặt hàng đang “hot” này.
Hiện tại tổ hợp tác thanh niên trồng kiệu có tổng cộng 13 đoàn viên, trong đó ba người có diện tích đất trồng kiệu, 10 người còn lại phụ trách các công đoạn sơ chế, muối dưa. Cơ sở sản xuất khô và tổ hợp tác trồng chuối cũng có hơn 20 người.
Hí hoáy xếp dưa kiệu vào keo, Trần Văn Tân, tức Tân "dưa kiệu", chia sẻ: “Anh em đoàn viên đa số đều có sản xuất thêm ở nhà như nuôi cá, trồng kiệu nhưng lắm lúc cũng bán giá rẻ bèo. Có lần đoàn bác sĩ của TP.HCM về thăm khám cho bà con nghèo, mình tặng mấy món quà quê, họ rất thích và muốn mua thêm. Lúc đó mình nghĩ sao đoàn viên không thử sản xuất những sản phẩm đặc sản này để kinh doanh, vừa có thêm thu nhập lại có thể giúp người dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản”.
Gắn kết những người cùng quê
Bạn Nguyễn Thanh Hiếu, một trong những người sáng lập tổ hợp tác, cho biết kinh phí mở quầy hàng đặc sản du lịch đều do các bạn đoàn viên hùn hạp với nhau. Sắp tới tổ hợp tác dự tính trồng thử nghiệm lúa đỏ để chủ động nguồn cung.
Ngoài ra, các bạn đang cho lên men thử nghiệm loại rượu trâm. Đây cũng là một trong những đặc sản rất được ưa chuộng. “Trung bình mỗi đoàn viên thu nhập thêm khoảng 1,2 - 2 triệu đồng / tháng, vừa trang trải được cuộc sống lại có thể mang những đặc sản quê nhà vươn xa nên ai cũng hăng hái”- Hiếu chia sẻ.
Ngoài những sản phẩm tự tay sản xuất, các bạn đoàn viên còn mạnh dạn ký hợp đồng với các công ty sản xuất các mặt hàng đặc sản tỉnh Đồng Tháp khác như Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang với mặt hàng bánh phồng tôm, Công ty CP Bích Chi với bột gạo lứt, sản phẩm hạt sen sấy, rượu hồng sen... để đảm bảo nguồn cung cũng như chất lượng sản phẩm bày bán tại quầy.
Mới tập tành làm ăn nên các đoàn viên huyện Tam Nông chưa có kinh nghiệm lẫn kinh phí để quảng bá sản phẩm. Đổi lại, các bạn lại rất biết cách truyền thông qua những người cùng quê, cùng niềm tự hào về mảnh đất Tam Nông.
Cụ thể các bạn tìm đến với hội đồng hương sinh viên huyện Tam Nông ở các thành phố như TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long. Hiện tại cả ba hội đồng hương này đều đồng ý làm “vệ tinh” cho tổ hợp tác, một mặt tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có thêm thu nhập, mặt khác là nhịp cầu gắn kết thêm những người cùng quê.
Bạn Lê Tú Phương, một người con của quê hương Tam Nông, cho biết trong thời gian học tập và làm việc ở TP.HCM, Phương thường xuyên ghé gian hàng của các bạn đoàn viên mua một ít khô, kiệu làm quà cho bạn bè, người quen.
"Hàng hóa ở đây phong phú, nguồn gốc rõ ràng có nhãn mác nên Phương yên tâm hơn. Đặc biệt thái độ buôn bán niềm nở, không xài túi nilông mà xài túi giấy, vừa thân thiện với môi trường vừa tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách".
Ông Lê Hoàng Long, giám đốc Trung tâm du lịch và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết sau khi “mục sở thị” cơ sở nuôi trồng, chế biến đặc sản của các bạn thì đồng ý hợp tác ngay.
“Các bạn làm bài bản và nhiệt huyết. Hơn hết, các bạn còn chứng minh được rằng các bạn dám nghĩ dám làm và làm tới cùng. Lúc trước quầy hàng đặc sản của trung tâm sản phẩm không phong phú lắm, mỗi tháng được vài triệu đồng nhưng phải cắt cử hai nhân viên bán hàng. Thế nhưng hiện nay các bạn đoàn viên làm ăn hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Phản hồi của du khách về quầy hàng cũng rất tốt”- ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận