Trong một buổi chia sẻ giữa cộng đồng doanh nghiệp về sự chuẩn bị cho hội nhập, ông Kao Siêu Lực, giám đốc Công ty bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), kể lại cách đây nhiều năm khi Singapore triển khai các chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, một đồng nghiệp người Singapore của ông Lực đã quyết định đầu tư 120.000 đôla Singapore để mua sắm trang thiết bị xưởng làm bánh.
Chỉ ba tháng sau, anh này được chính phủ hoàn lại 60% số tiền đầu tư theo đúng như chương trình hỗ trợ, với thủ tục hết sức đơn giản.
“Nghe xong tôi cũng muốn đầu tư tại Singapore ghê gớm. VN chưa có nhiều chương trình hỗ trợ nhanh gọn thế” - ông Lực chia sẻ.
Theo ông Lực, điều ông ấn tượng nhất là khi triển khai chương trình ưu đãi, các cơ quan phụ trách hỗ trợ doanh nghiệp của Singapore liên tục hỏi doanh nghiệp có muốn đầu tư máy móc thiết bị gì không, hay có ý định mở rộng sản xuất không?...
“Nghe cứ như họ đi bán thiết bị nhưng việc thúc giục này là nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng tính cạnh tranh” - ông Lực nói. Ngoài ra, các cơ quan chức năng Singapore cũng cử nhân viên đến nhà máy hướng dẫn các thủ tục cần thiết nếu muốn thay đổi công nghệ, cung cấp thông tin về doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực ngành nghề hay cập nhật công nghệ mới nhất.
Giám đốc một công ty nhựa khi nghe câu chuyện trên cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ, theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp được phép trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, để được sử dụng quỹ này, doanh nghiệp phải lập báo cáo trích, sử dụng và kê khai mức trích lập vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, doanh nghiệp phải làm thủ tục chứng minh để có xác thực từ Sở Khoa học - công nghệ và một trong những yêu cầu cần được đáp ứng là phải chứng minh được sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh được các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
“Đây là tiêu chí rất cảm tính, đầy may rủi vì một sản phẩm thành công còn dựa vào nhiều yếu tố” - ông này nói. Giám đốc một công ty dược phẩm cũng cho biết khi mang hồ sơ đến Cục Thuế để thanh toán chi phí đầu tư đổi mới công nghệ, bà được cán bộ thuế tư vấn phải qua Sở Khoa học - công nghệ xác nhận công trình.
Mà khái niệm sáng chế, sáng tạo, đổi mới công nghệ của cơ quan này lại rất... khó đoán nên dù không bị làm “khó dễ” nhưng rất nhiều hồ sơ của công ty bị bác. Dần dần, công ty cũng chẳng mặn mà đến ưu đãi này.
Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích cho việc chậm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp VN trong khi với tình hình hội nhập hiện nay, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp nào biết ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Lợi nhuận của doanh nghiệp còn thấp dẫn đến hạn chế về năng lực tích tụ vốn dành cho đổi mới công nghệ.
Trong khi đó các chương trình hỗ trợ của Chính phủ lại quá tầm doanh nghiệp, phần vì thủ tục quá phức tạp, phần thiếu thông tin. Chưa nói đến những vấn đề chủ quan từ phía doanh nghiệp, những chính sách hỗ trợ thiết thực, đúng đối tượng và minh bạch còn thiếu.
Như vị giám đốc công ty thực phẩm trên chia sẻ: “Bản thân doanh nghiệp một khi đã đầu tư làm ăn nghiêm túc, chả dại gì tự làm khó mình khi cố tình sử dụng sai mục đích các khoản chi như vậy. Chỉ cần các chính sách hỗ trợ triển khai một cách minh bạch thì không cần quá nhiều thủ tục, yêu cầu vẫn có thể đến đúng đối tượng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận