17/04/2015 09:00 GMT+7

Đà Nẵng dẫn đầu, Đồng Tháp nhảy vọt năng lực cạnh tranh

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng. Đồng Tháp vọt lên vị trí thứ 2 và lần đầu tiên TP.HCM đứng vào nhóm năm địa phương xếp hạng cao nhất.

Chỉ số PCI của năm địa phương xếp hạng cao nhất và thấp nhất qua hai năm 2013 và 2014 - 	Đồ họa: N.Khanh
Chỉ số PCI của năm địa phương xếp hạng cao nhất và thấp nhất qua hai năm 2013 và 2014 - Đồ họa: N.Khanh

Ngày 16-4, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 sau nhiều tháng khảo sát, đánh giá. Kết quả cho thấy doanh nghiệp đã lạc quan hơn, nhưng chi phí lót tay ngày càng tăng...

Trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn - trưởng Ban pháp chế VCCI - cho biết đã có nhiều can thiệp, sức ép cả lên cá nhân ông và người liên quan trong quá trình khảo sát PCI.

Thậm chí, đã thấy có trường hợp doanh nghiệp bị chính quyền tác động khi điền vào phiếu trả lời PCI - căn cứ để tính điểm, xếp hạng các địa phương.

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định có phương pháp phát hiện và đã kiểm soát được các trường hợp can thiệp.

Bức tranh sáng hơn

Nhiều doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất

Theo báo cáo PCI, đã thấy dấu hiệu khởi sắc hơn về môi trường kinh doanh. Tỉ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư đã đạt 10,8% sau hai năm giảm xuống mức thấp nhất là 6,4%. Lần đầu tiên sau chín năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng lên mức trung bình 15,1 tỉ đồng, gấp đôi với quy mô năm 2006.

Tỉ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (đạt 11,5%). Đặc biệt, có tới 46,1% doanh nghiệp nói dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong hai năm tới, tăng mạnh so với mức khoảng 35% năm trước. Tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa chỉ 8,3%.

Năm nay, báo cáo PCI ngoài việc công bố xếp hạng các địa phương, đã nêu rõ từng hoạt động khiến các địa phương thăng hạng.

Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng vì đã thực hiện hiệu quả chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng” với nhiều hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, chủ động gặp gỡ đối thoại...

Đồng Tháp vọt lên vị trí thứ 2, tiếp đến là Lào Cai, TP.HCM, Quảng Ninh... 

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết đây là năm đầu tiên TP.HCM lọt vào top 5 địa phương có chất lượng điều hành được doanh nghiệp đánh giá tốt nhất cả nước nhờ hàng loạt hoạt động nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính (năm 2013 đứng thứ 10).

Hà Nội cũng thăng hạng, ông Tuấn nhận định đây là tin vui bởi hai đầu tàu kinh tế cải thiện môi trường kinh doanh sẽ có tác động tốt tới nền kinh tế.

Lào Cai năm 2014 đã trở lại thứ hạng cao (cải thiện 14 bậc), theo báo cáo, vì đã có sáng kiến tự xây dựng “Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố” để tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, từ đó có điều chỉnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, khẳng định kết quả khảo sát PCI năm 2014 cho thấy đã có bảy lĩnh vực có cải thiện rõ nét, trong đó nổi bật là lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động...

Mặc dù nhiều tỉnh thành đã nỗ lực tăng hạng so với năm 2013 (Long An từ vị trí thứ 19 lên thứ 7, Ninh Bình từ 28 lên 11, Vĩnh Phúc từ 26 lên 6...) nhưng báo cáo PCI cũng cho biết có nhiều địa phương tụt hạng khá mạnh.

Điển hình là Kiên Giang từ vị trí thứ 3 đã tụt xuống thứ 9, Thừa Thiên - Huế từ thứ 2 xuống thứ 13, Bến Tre từ thứ 6 xuống thứ 18...

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết thứ hạng không thật sự quan trọng, bởi nhiều trường hợp có cải thiện so với chính mình nhưng vẫn tụt hạng vì các tỉnh khác đã cải cách mạnh hơn.

Tuy nhiên, ngay cả các địa phương có thứ hạng cao, ông Tuấn nêu cũng có những chỉ số cần cảnh báo.

Cụ thể, Hà Nội dù thăng hạng nhưng bị đánh giá có tính năng động của chính quyền địa phương đứng cuối bảng, chỉ được 3,08 điểm.

TP.HCM dù đứng đầu các tỉnh thành về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (đạt 7,14 điểm) nhưng chỉ số cạnh tranh bình đẳng lại bị đánh giá chỉ đạt 4,19 điểm, chỉ số chi phí không chính thức chỉ được “chấm” 4,67 điểm...

Nói chung “các ngôi sao cải cách đứng đầu bảng xếp hạng cũng có xu hướng chững lại, tính đột phá những tỉnh đứng đầu còn thiếu” - ông Tuấn nói và cảnh báo cũng có tình trạng chính sách chính quyền cấp tỉnh tốt nhưng thực thi của cấp sở hoặc huyện lại chưa tốt...

Hay về tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, báo cáo PCI nêu ở Vĩnh Phúc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải đón tiếp các đoàn thanh tra trung bình tới tám lần/năm. “Đáng lo ngại, 30% doanh nghiệp ở địa phương này bị thanh tra trên tám lần/năm” - báo cáo viết.

Tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu - Đồ họa: N.KH.
Tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu - Đồ họa: N.KH.

Chi phí không chính thức tăng...

GS.TS Edmund Malesky - Đại học Duke (Hoa Kỳ), trưởng nhóm nghiên cứu PCI - nêu phần khảo sát các doanh nghiệp FDI đã cho thấy mức lạc quan của doanh nghiệp tại VN gia tăng. Họ đã bỏ thêm vốn và tuyển thêm lao động, tuy nhiên số doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí không chính thức lại có xu hướng tăng.

Cụ thể, theo ông Edmund Malesky, có tới 17,2% doanh nghiệp nêu phải trả chi phí không chính thức khi xin giấy phép đầu tư (năm 2011 chỉ 9,9%).

Đặc biệt, có tới 31,4% doanh nghiệp nêu phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu, gấp hơn ba lần năm 2011 (9,5%). Tỉ lệ doanh nghiệp phải “lót tay” khi thực hiện dịch vụ ở cảng khi xuất nhập khẩu còn cao hơn, với 66,2% nêu phải trả chi phí không chính thức.

“Tóm lại, dù VN đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống tham nhũng, như thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi và đã có nghị định hướng dẫn nhưng cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài dường như có chiều hướng xấu đi (...).

Trường hợp ngoại lệ là Bình Dương, đây là địa phương nhà đầu tư ghi nhận có tần suất bị yêu cầu chi trả chi phí không chính thức và quy mô chi phí này thấp hơn.

Đáng lưu ý, chỉ 50% doanh nghiệp ở Bình Dương nêu họ gặp bất lợi nếu từ chối chi khoản không chính thức, thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 89%” - báo cáo PCI viết.

Một cảnh báo về tình trạng thanh tra, kiểm tra là có tới 60,1% doanh nghiệp nêu các cơ quan đã sử dụng việc giám sát tuân thủ để đòi chi phí không chính thức (năm 2011 chỉ 23,5% doanh nghiệp đồng ý với điều này).

Tình trạng “bôi mới trơn” cũng thể hiện rõ khi kết quả PCI khẳng định có tới 58,2% doanh nghiệp cho biết trả chi phí không chính thức thì sau đó công việc được giải quyết đúng! Theo ông Edmund Malesky, năm 2014 có gần 12% doanh nghiệp nêu đã phải trả chi phí không chính thức từ 2-5% tổng thu nhập cả năm.

Để so sánh môi trường đầu tư của VN với các nước trong khu vực, nhóm nghiên cứu PCI cũng tìm hiểu về những lĩnh vực VN được đánh giá cao hơn các nước trong khu vực, theo đó có bốn lĩnh vực VN được đánh giá tốt hơn, gồm: thuế thấp hơn, rủi ro bị thu hồi tài sản thấp hơn, bất ổn chính sách thấp hơn và tác động chính sách tốt hơn. Đặc biệt, có gần 65% doanh nghiệp FDI nêu VN hấp dẫn hơn Trung Quốc về mặt thuế.

Bà Tạ Kim Hón (phường 4, Cao Lãnh, Đồng Tháp) được cán bộ UBND TP Cao Lãnh giải quyết hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ trong một buổi làm việc - Ảnh: Ngọc Tài
Bà Tạ Kim Hón (phường 4, Cao Lãnh, Đồng Tháp) được cán bộ UBND TP Cao Lãnh giải quyết hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ trong một buổi làm việc - Ảnh: Ngọc Tài

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đánh giá VN có bốn lĩnh vực kém hơn các nước trong khu vực, gồm: tình trạng tham nhũng, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và nhiều quy định. Ông Edmund Malesky nêu hầu hết doanh nghiệp đánh giá VN tham nhũng hơn tất cả bảy nước được đưa ra (Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines).

Ông Edmund Malesky đánh giá các nhà đầu tư cũng than phiền VN đưa ra quá nhiều quy định, “dù để khởi sự kinh doanh dễ hơn, nhưng sau khi đi vào hoạt động thì vẫn quá nhiều quy định”.

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp qua email

Tại Đồng Tháp, ngoài mô hình cà phê doanh nhân, lãnh đạo UBND tỉnh, Tỉnh ủy còn mạnh dạn kết nối cộng đồng doanh nghiệp qua email. Hằng tuần phía tỉnh sẽ gửi email cho các doanh nghiệp để chia sẻ mô hình kinh doanh hiệu quả ở các nơi, một câu chuyện kinh doanh nóng bỏng hoặc đơn giản là kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp vào một mô hình thiện nguyện.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng chia sẻ thảo luận những vấn đề được nêu ra và thông qua diễn đàn có thể kết nối được nhiều doanh nghiệp có cùng chí hướng. Từ đó sẽ xóa được khoảng cách giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh.

Ông Lương Nguyễn Duy Thông, giám đốc Công ty TNHH MTV K&Y (Đồng Tháp), đưa chúng tôi xem nội dung một email do ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - chia sẻ một mô hình giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ.

“Sau đó, tất cả doanh nghiệp sẽ cùng đưa ra ý tưởng để hoàn thành mô hình. Về phía tôi đã đề xuất sẽ đảm nhận việc dạy nghề miễn phí cho các em kèm theo một số tiền lương học nghề. Sau đó tôi sẽ nhận các em vào làm như một hình thức trao cần câu chứ không trao con cá. Chỉ một ý tưởng nhỏ nhưng thông qua diễn đàn này mọi người từ doanh nghiệp đến lãnh đạo tự nhiên xích lại gần nhau hơn” - ông Thông nói.

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hằng ngày tôi đều gửi và trả lời email. Cái nào thuộc phạm vi của sở ngành nào tôi sẽ chuyển đến sở ngành đó để đóng góp ý kiến hoặc giải quyết. Đến bây giờ email của tôi đã sử dụng gần hết dung lượng miễn phí rồi”.

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN

* Ông TRẦN VĂN SƠN (giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Đà Nẵng):

Chủ động đơn giản hóa thủ tục

Năm 2014 chọn là “Năm doanh nghiệp”, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt tìm mọi biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các sở, ngành, UBND các quận, huyện đã chủ động thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.

Vấn đề đất đai cũng được TP đưa ra công khai. Thông tin về bản đồ tổng thể quy hoạch chung của TP Đà Nẵng và thông tin các khu đất trống kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố và website của Sở Xây dựng, theo đó, cho phép người sử dụng tìm kiếm theo vị trí, diện tích và mục đích sử dụng đất với tiêu chí dễ sử dụng và cập nhật thuận tiện.

* Ông PHAN HẢI (phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng):

“Chịu khó” lắng nghe doanh nghiệp

Các chính sách hỗ trợ của TP Đà Nẵng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn trong thời buổi khó khăn. Cụ thể lãnh đạo TP luôn đồng hành với doanh nghiệp trong tất cả hoạt động, từ thái độ tiếp nhận thông tin, cả đối thoại chính thức lẫn không chính thức. “Phải nói rằng cả chủ tịch UBND TP lẫn bí thư Thành ủy Đà Nẵng vừa qua rất “chịu khó” lắng nghe và luôn đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng can thiệp mạnh mẽ với hệ thống ngân hàng để doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất phù hợp. Cơ quan thuế cũng luôn cung cấp đầy đủ đều đặn các thông tin về chính sách thuế.

* Ông LÊ MINH HOAN (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp):

Đồng hành chứ không quản lý

Thời gian qua chúng tôi luôn đặt ra tiêu chí phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Tức là tạo môi trường làm ăn tốt nhất cho doanh nghiệp chứ không phải quản lý doanh nghiệp. “Phương châm này không phải chỉ nói suông mà phải cụ thể hóa bằng hành động. Bên cạnh các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc mang tính chất số đông thì tỉnh sẵn sàng đi đến từng doanh nghiệp để lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp."

Ngay tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo rõ từng sở ngành liên quan phải bắt tay vào giải quyết rốt ráo cho doanh nghiệp. Phải chủ động tìm đến doanh nghiệp để giúp đỡ họ chứ không phải ngồi chờ họ đến tìm mình.

Bước đột phá của tỉnh để “ghi điểm” đối với doanh nghiệp là luôn tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Chúng tôi thường xuyên yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu rõ xem doanh nghiệp còn không an tâm chuyện gì, những vấn đề gì có thể làm phương hại đến hình ảnh của công ty, thậm chí có thể làm mất lòng tin của doanh nghiệp đối với địa phương. 

Từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ. 

H.KHÁ - N.TÀI - T.NHƠN ghi

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên