12/12/2018 11:30 GMT+7

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành – thương hiệu cho nông sản sạch

T.D.V
T.D.V

Thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" mở một con đường lớn để nông sản sạch vùng đất cao nguyên định vị trên thị trường.

Đây là thương hiệu chung cho nông dân ở Đà Lạt và các vùng phụ cận có chung khí hậu, thổ nhưỡng sản xuất nông sản công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn nông sản sạch. Thương hiệu được công bố vào 23-12-2017.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành – thương hiệu cho nông sản sạch - Ảnh 1.

Rau thuỷ canh của Trang trại VietPonics (TP. Đà Lạt) được quyền sử dụng thương hiệu"Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" trên nhãn và quá trình quảng bá sản phẩm. Ảnh: M.VINH

Xây dựng thành thương hiệu quốc tế

Thông qua hợp tác, UBND tỉnh Lâm Đồng kết hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện dự án tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Theo đó tỉnh Lâm Đồng đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu: "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh, mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt đến với mọi người. Địa bàn triển khai chủ yếu là TP. Đà Lạt và các huyện lận cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà; 4 sản phẩm, loại hình chọn quảng bá gồm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: "Đà Lạt có lợi thế về điều kiện tự nhiên, là miền đất lành kết tụ những sản vật nổi tiếng, do đó tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu cho 4 loại sản phẩm trên với tên gọi "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Mục tiêu, đưa các sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu số một tại VN, từng bước lan tỏa thương hiệu đến thị trường quốc tế.

Đến nay Lâm Đồng có 19 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu, như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc... Phần lớn rau, hoa công nghệ cao và cà phê arabica được sản xuất tại Đà Lạt và vùng phụ cận với nhiều lợi thế so sánh nhờ thổ nhưỡng và công nghệ sản xuất. Trải qua hơn 80 năm hình thành nghề trồng hoa, Đà Lạt đã trở thành vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước. Đà Lạt còn là vùng đất có thổ nhưỡng để phát triển cà phê arabica chất lượng cao, nổi tiếng là cà phê Cầu Đất được nhiều thương hiệu kinh doanh cà phê trên thế giới sử dụng.

Mở đường phát triển công nghệ sau thu hoạch

Nhiều kỳ vọng đã được đặt vào thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" ngay khi công bố. Tại buổi công bố có sự theo dõi của người dân tại Đà Lạt và cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chúc mừng thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng và nhấn mạnh: "Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đoàn kết một lòng, khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt ngày càng phát triển".

Hội nghị "Thúc đẩy đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp" tổ chức tại Đà Lạt ngày 30-7 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì được xem như hội nghị Diên Hồng của ngành nông nghiệp. Và tại hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra những định hướng cho nông nghiệp Lâm Đồng dựa trên sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghệ sau thu hoạch và những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng được định hướng sản xuất theo tiêu chí của thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành – thương hiệu cho nông sản sạch - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành thực tế hoạt động sơ chế, chế biến nông sản tại Lâm Đồng. Ảnh: M.VINH

Thủ tướng định hướng Lâm Đồng phát triển theo một tam giác, trong đó lấy sự kết hợp giữa du lịch, nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch làm chính. Thủ tướng lưu ý: "Tôi tạm gọi là tam giác vàng cho phát triển của Lâm Đồng: Nông nghiệp sạch công nghệ cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao".

Thủ tướng cho rằng Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông nghiệp hiện có ở địa phương thay vì xuất khẩu thô những nông sản có chất lượng cao. Nông nghiệp công nghệ cao là quan trọng, có vai trò tạo thu nhập lớn cho người dân địa phương, song nếu không phát triển công nghiệp chế biến đi kèm thì thu nhập nông nghiệp dù có tăng đến mức nào cũng sẽ chững lại, khó tăng hơn được nữa.

Thủ tướng cũng lưu ý những bất cập, thách thức nổi lên trong ngành nông nghiệp như nhiều đặc sản địa phương bị trà trộn với sản phẩm kém chất lượng từ bên ngoài, nhưng vẫn được khoác áo đặc sản Đà Lạt, gây mất niềm tin và suy giảm giá trị thương hiệu sản phẩm Đà Lạt. "Tại sao nông sản địa phương này chưa trở thành thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới? Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, nhưng liệu Đà Lạt có trở thành thương hiệu, là nhận diện quốc tế rộng rãi về thông điệp này không? Có loại hoa nào tiêu biểu xuất sắc của Đà Lạt như tulip của Hà Lan đã lan tỏa toàn cầu? Hay chúng ta chỉ có một số loại hoa du nhập bình thường không có thương hiệu đặc sắc", Thủ tướng nói.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành – thương hiệu cho nông sản sạch - Ảnh 5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu hoạt động tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng. Ảnh: M.VINH

Theo Thủ tướng, Đà Lạt nói riêng, Tây Nguyên, Lâm Đồng nói chung phải phát triển đồng bộ một chuỗi giá trị nông nghiệp để bật lên trở thành một vùng đất cung cấp những loại củ quả chất lượng cao cho thị trường ASEAN với 650 triệu dân và định vị nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực và quốc tế.

logo_new 2

Thương hiệu là tài sản chung của người dân

Đến thời điểm này, UBND TP. Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng thương hiệu độc quyền thương hiệu "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sử dụng trên các sản phẩm nông sản. Theo đó, có tổng cộng 71 tổ chức, hộ sản xuất rau, hoa trên địa bàn TP. Đà Lạt. Trong thời gian tới, TP. Đà Lạt sẽ tiếp tục cấp quyền sử dụng cho các đơn vị sản xuất có các điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được quy định đã được xác lập khi xây dựng thương hiệu "Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Những đơn vị sản xuất được cấp quyền có quyền dùng thương hiệu này để quảng bá cho sản phẩm nông sản – du lịch của mình trong 3 năm. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan đến việc sử dụng dụng nhãn hiệu chứng nhận, đồng thời duy trì điều kiện sản xuất, thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quy trình sản xuất các sản phẩm đã đăng ký.


T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: TP Đà Lạt