Trưa 28-7, Lực lượng chức năng cách ly chợ An Cư phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng sau khi có 2 ca mắc COVID-19 thứ 434 và 435 - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Sao không thể có suy nghĩ tích cực hơn khi cả xã hội đang đồng lòng chống COVID-19? Hay những thông tin kiểu suy luận lung tung đó sẽ làm mình nổi hơn trên mạng?
1. Phải nói ngay, những thông tin chia sẻ loạn xạ trên mạng, những bình phẩm hết sức ngô nghê nhưng trong bối cảnh dịch bệnh là những kiểu gây rối. Cố tình hay vô ý thì cũng có thể biến người chia sẻ những thông tin đó thành người vô tâm trong lúc đáng lẽ cần hơn sự bình tĩnh và những quan tâm thực sự sáng suốt.
TP Đà Nẵng phong tỏa những bệnh viện có liên quan với các bệnh nhân COVID-19 ở TP này. Nếu sáng suốt hiểu đúng thì đây là biện pháp kiên quyết ngăn dịch bệnh lây lan thêm. Những ai leo rào trốn cách ly là khước từ quyền được bảo vệ an toàn và hành động này gây nguy hiểm cho cộng đồng. Chống dịch vất vả rồi, còn phải lo chống những kiểu hành động gây nguy hại thêm. Và rối hơn nữa khi nhiều người lên mạng chia sẻ câu chuyện này với những nhận định kiểu: "Đà Nẵng toang rồi" (?!).
"Toang rồi", "Thôi xong"? Xin hỏi là "toang" và "thôi" là cái gì khi nếu có tấm lòng thực sự sẽ tìm đọc được những thông tin Chính phủ đang làm gì, TP Đà Nẵng và các địa phương đang làm gì, các bác sĩ đang làm gì...
Cùng với đó là những thông tin giả và hình ảnh sai sự thật. Họ đã viết và bình luận như thật về chuyện đã có ca chết, sân bay đang đông nghẹt vì mọi người đang tháo chạy khỏi Đà Nẵng rồi hồn nhiên chia sẻ thông tin bịa đặt. Những thông tin lờ mờ, hình ảnh chẳng rõ địa điểm, chưa kể bị cắt ghép mà cũng thi nhau chia sẻ, thi nhau bình phẩm và nhả theo những lời bình phẩm đến vô cảm.
Dịch bệnh đến, trước hết là biết cách tự bảo vệ mình (gián tiếp bảo vệ gia đình mình và cộng đồng), hãy để các cơ quan có chức năng, có chuyên môn làm việc. Những chữ "toang", "xong" đó không thể ảnh hưởng đến công việc của những người có chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn nhưng ít nhiều như những sự phủi tay đến mức vô cảm của những người tuôn ra được kiểu phát ngôn này đến tình hình chung.
2. Câu chuyện về những bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng hỗ trợ đồng nghiệp mình chống COVID-19 là mảng sáng đầy cảm xúc. Những bước chân đi vội vã, những giờ khắc họ miệt mài giành lại sức khỏe và sự sống cho những bệnh nhân nặng, họ đã thành những anh hùng trong cuộc chiến với COVID.
Cùng trong dòng cảm xúc rung động ấy là chuyện những y bác sĩ nhận nhiệm vụ đặc biệt trên chuyến bay đón 219 người con nước Việt từ Guinea Xích Đạo trở về, trong đó có 120 bệnh nhân. Những người có phát ngôn vô cảm, vô trách nhiệm có thử tưởng tượng mình là thành viên tổ bay và tổ y bác sĩ biết chắc có 120 bệnh nhân xung quanh mình không? Tưởng tượng ra rồi thì có thể thấy đó là niềm tin của xã hội không? Chưa kể các y bác sĩ khác vẫn đang đêm ngày chữa trị cho hàng chục bệnh nhân về từ nước ngoài trong những ngày qua.
Phía sau những tận tụy và hi sinh âm thầm của y bác sĩ chống dịch là câu chuyện về đất nước Việt Nam quyết tâm, bình tĩnh và bền bỉ chống dịch để đến nay không có ca tử vong và đất nước luôn rộng vòng tay đón người Việt trở về. 120 bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo trở về tối nay sẽ làm con số ca nhiễm của Việt Nam tăng vọt, nhưng Chính phủ và những người dân có lòng có quan tâm gì đến các con số "không đẹp" ấy không, hay mọi nỗ lực và chia sẻ của mọi người để khẳng định thêm rằng với Việt Nam, không ai bị bỏ lại trong đại dịch? Đó là tâm hồn Việt Nam, là chữ "nghĩa" trong văn hóa của người Việt Nam đó.
Hiểu đúng để nghĩ đúng, làm đúng, sáng suốt và trách nhiệm với cộng đồng chung sức chống dịch.
Nghi ngại thái quá
Nhà tôi có người vừa có chuyến công tác miền Trung, có đến sân bay Đà Nẵng rồi đi tỉnh khác, không ghé bất cứ chỗ nào ở TP này và cũng không có giao tiếp với ai thuộc diện nghi ngờ có bệnh. Về lại TP.HCM, ngoài việc lo thu xếp công việc trong những ngày tự cách ly nghiêm túc tại nhà, lo phòng tránh cho người thân... còn phải mệt với những nghi ngại từ xung quanh. Đến mức bố mẹ tôi không ở cùng nhà cũng mệt lây, những người có biết nhà tôi có người vừa đến Đà Nẵng cũng tỏ ra nghi ngại.
Không chủ quan với dịch bệnh nhưng nghi ngại quá mức cũng làm rối thêm tình hình, trong khi cán bộ y tế có ý kiến trường hợp người nhà tôi nên cách ly tại nhà, chưa buộc lấy mẫu xét nghiệm. Dịch bệnh có thể xảy đến ở bất cứ nơi nào và việc cần làm là cẩn trọng, chấp hành hướng dẫn trên tinh thần vì cộng đồng thay vì chống đối hay lo lắng thái quá.
YÊN BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận