30/09/2020 10:44 GMT+7

Đã có 93% mặt bằng sạch

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo ông Nguyễn Duy Lâm - cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), toàn bộ dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 652,77km đến nay đã đủ điều kiện bàn giao mặt bằng khoảng 93%.

Đã có 93% mặt bằng sạch - Ảnh 1.

Từ nút giao ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) này, quốc lộ 1 và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ kết nối với nhau bằng đường dẫn dài khoảng 2km - Ảnh: ĐỨC TRONG

Tuy nhiên, vẫn còn hai khâu vướng nhất để đảm bảo giải phóng mặt bằng (GPMB) hoàn thành vào quý 3-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng là việc xây dựng tái định cư và di dời công trình kỹ thuật như đường điện, nước, đường ống nhiên liệu...

Mới hoàn thành 50% khu tái định cư

Toàn bộ dự án có 108 khu tái định cư nhưng đến nay mới hoàn thành được 50%. Có 1.023 công trình điện (trong đó 140 vị trí điện cao thế) và gần 32,6km đường ống nước, hơn 97km cáp viễn thông, 541m đường ống xăng dầu thuộc diện di dời nhưng đến nay mới di dời được 12%.

"Dự án GPMB được giao cho địa phương thực hiện và Thủ tướng đã có hai công điện yêu cầu các địa phương trong quý 3-2020 phải hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho dự án. Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ các địa phương để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng" - ông Lâm nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết thêm: Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh khâu thiết kế, thẩm định... để di dời các cột điện cao thế.

"Một số khu tái định cư đến đầu năm 2021 mới xong nhưng các địa phương có giải pháp như tái định cư tạm để có mặt bằng thi công" - ông Đông nói.

Ngoài mặt bằng, Thứ trưởng Đông chỉ ra một vấn đề đáng lo ngại khi thực hiện các dự án đường cao tốc Bắc - Nam như việc tiếp cận vật liệu đắp nền đường của các nhà thầu sẽ khó khăn. 

Bởi các mỏ đất phục vụ thi công của địa phương đã có quy hoạch hoặc giá vật liệu cao. Nhà thầu phải mua lại vật liệu từ chủ mỏ chứ không thể thực hiện quy trình khai thác mỏ được.

Làm gì để đảm bảo chất lượng, tiến độ?

Về giải pháp để nhà thầu chính không chia nhỏ gói thầu cho nhiều thầu phụ ảnh hưởng tiến độ và chất lượng thi công công trình như chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết Bộ GTVT đã quy định nhiều điều kiện trong hồ sơ mời thầu.

Cụ thể, nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu như: có từ 5 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông; trong 5 năm gần nhất phải thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị từ 70% trở lên của gói thầu đang xét; phải có xác nhận của tổ chức tín dụng là có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền; số lượng thành viên liên danh nhà thầu không quá 3 thành viên trong 1 gói thầu. 

Ngoài ra, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận từ 25% giá trị gói thầu trở lên; tỉ lệ xây lắp giao cho thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng...

"Hợp đồng của Bộ GTVT đã khống chế số lượng thầu chính, thầu phụ, phân rõ hạng mục thầu chính, thầu phụ được làm theo tỉ lệ nhất định. Ràng buộc như vậy để chọn được nhà thầu có năng lực thực sự, dám làm, dám chịu trách nhiệm" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định.

Theo ông Lâm, trên cơ sở mặt bằng đã có, nhà thầu xây dựng tiến độ thi công hằng tháng, quý, năm cho đến khi hoàn thành công trình. Bộ GTVT sẽ phê duyệt kế hoạch đó để kiểm soát tiến độ thi công của nhà thầu.

Theo điều kiện hợp đồng, mỗi ngày nhà thầu vi phạm tiến độ thi công sẽ bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng, tổng giá trị bị phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng. 

Nhà thầu vi phạm tiến độ lần một sẽ nhắc nhở, lần hai khiển trách xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh nhà thầu và lần ba sẽ đánh giá lại năng lực nhà thầu. Trên cơ sở đó có thể điều chuyển khối lượng hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu và phạt theo điều khoản hợp đồng.

Bố trí nguồn vốn cho cao tốc Bắc - Nam

Theo nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, dự án này có 11 dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng (bao gồm 55.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách).

Đến tháng 6-2020, trên cơ sở cập nhật lại các chi phí đầu tư, chi phí GPMB... của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của 11 dự án thành phần là 100.861 tỉ đồng.

Bao gồm: 22.355 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách; vốn nhà nước tham gia là 78.461 tỉ đồng (bao gồm 55.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê duyệt tại nghị quyết số 52. Phần còn thiếu của vốn nhà nước là 23.461 tỉ đồng do chuyển 3 trong 8 dự án PPP sang đầu tư công).

Đến ngày 19-6-2020, Quốc hội có nghị quyết 117/2020/QH14 chuyển đổi phương thức đầu tư PPP sang đầu tư công - sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung 23.461 tỉ đồng cho dự án.

"Nguồn vốn cho các dự án cao tốc Bắc - Nam đều đã được Quốc hội bố trí theo nghị quyết 52 và nghị quyết 117 và được phân bổ sung theo các giai đoạn trung hạn nên không lo thiếu vốn với các dự án đầu tư công" - ông Nguyễn Duy Lâm nói.

Với 5 dự án PPP đang trong quá trình đấu thầu chọn nhà đầu tư, nguồn vốn BOT để thực hiện dự án vẫn còn là ẩn số.

Bởi ngoài 50% tổng mức đầu tư do ngân sách nhà nước góp vào dự án, các nhà đầu tư phải bỏ tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu và vay được ngân hàng số còn lại. Trường hợp đấu thầu các dự án không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Mặt bằng đã có, chờ khởi công dự án đường cao tốc Mặt bằng đã có, chờ khởi công dự án đường cao tốc

TTO - Những ngày qua, người dân Bình Thuận háo hức chờ đến thời điểm "nhấn nút" khởi công các dự án cao tốc qua địa phương. Phần lớn các hộ dân đã nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng cho các dự án.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên